Khoá học nhiếp ảnh “Tầm nhìn cá nhân: không gian, ánh sáng, màu sắc và con người” vừa kết thúc vào ngày 31/8 tại Hà Nội. Qua hai buổi talk show và photo walk quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, nhiếp ảnh gia người Italia – Fulvio Bugani – hướng dẫn 15 học viên Việt Nam đến từ nhiều ngành nghề, độ tuổi khác nhau những kỹ thuật phối hợp ánh sáng tự nhiên, nắm bắt màu sắc để đóng băng không gian và tạo ra những khoảnh mắc mầu nhiệm cho nhiếp ảnh đường phố.
Theo nhiếp ảnh gia có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc ở nhiều châu lục, người chơi ảnh hãy bắt đầu bằng việc tìm ra một không gian có nhiều mảng đối lập sáng tối, đối lập về màu sắc. Máy ảnh được thiết lập theo chế độ “under exposure” (ánh sáng âm). Kỹ thuật dùng ánh sáng âm nghĩa là tăng tốc độ, tăng ISO, và khép khẩu ở mức độ phù hợp. Với chế độ này, sự tương phản giữa các vùng sáng tối trở nên mạnh mẽ, màu sắc trong hình trở nên nổi bật hơn và nhờ vậy làm nổi bật chủ thể. Bức hình đắt giá là tác phẩm trong đó nhân vật hay chủ thể được chụp cần rơi vào vùng sáng của không gian hình. Càng đắt giá hơn khi hình có nhiều lớp lang mà lớp này đối thoại lớp kia bằng mảng sáng, màu sắc, hình khối hay biểu cảm của mỗi nhân vật. NAG người Italia khuyên học viên đặt chân dung nhân vật vào không gian, môi trường hay bối cảnh xung quanh để cho người xem thêm thông tin về chủ thể cũng như gia tăng thẩm mỹ trong hình.
Ảnh hưởng trực tiếp từ nhiếp ảnh gia từ Magnum Alex Webb, Fulvio Bugani đã học hỏi và trở thành bậc thầy của ánh sáng và màu sắc. Fulvio Bugani tâm sự: “Tôi không hẳn là một nhiếp ảnh gia có phong cách riêng. Tôi rất thích chơi với ánh sáng để tạo ra tầm nhìn cá nhân và gửi gắm thông điệp truyền tải qua mỗi phóng sự ảnh hay câu chuyện ảnh. Trong các dự án của tôi, ví dụ như Soul y sombra chụp về Cuba, tôi tập trung toàn bộ sự chú ý và cá tính hình ảnh của tôi vào những mảng tối (shadows). Những mảng tối có thể biểu hiện rõ nét về con người và cuộc sống thường ngày ở đó. Những mảng tối thường mang đến những nét nghĩa rất khó nắm bắt trong cuộc sống, tạo ra chất bí ẩn cho thế giới đời thường cũng như nhiếp ảnh. Ngay cả trong trường hợp chụp ảnh chân dung, tôi cũng luôn đặt chủ thể vào trung tâm ánh sáng rồi sau đó mới giỡn chơi với các chi tiết xung quanh hoặc các khoảng không rộng xung quanh chủ thể”.
NAG này cũng chia sẻ anh luôn diễn tả bản thân bằng lens 28mm. “Ống kính này hoàn hảo với tôi bởi theo cách nào đó nó phản ánh quan điểm của tôi về sự đa dạng của cuộc sống. Với ống rộng như 28mm, bạn có thể đặt rất nhiều thứ vào hình – chơi với lớp lang và chiều sâu trong ảnh”, anh cho biết.
Fulvio Bugani sinh năm 1974, bước vào nghề năm 21 tuổi. Tác phẩm của anh được xuất bản trên nhiều tạp chí thế giới như TIME LightBox, LFI – Leica Fotografie International và Cubadebate. Anh từng được World Press Photo trao giải năm 2015 và lọt vào danh sách 12 ứng cử viên cuối cùng của giải Leica Oskar Barnack Award năm 2016. Hiện anh là Đại sứ của Leica cho dòng M10.
Khoá học nhiếp ảnh “Tầm nhìn cá nhân: không gian, ánh sáng, màu sắc và con người” là workshop đầu tiên mở màn chuỗi sự kiện đầu tiên ra mắt chính thức Leica Akademie | Học viện nhiếp ảnh Leica Việt Nam. Trong các chuỗi sự kiện này, học viên được tiếp cận với cách một NAG chuyên nghiệp làm việc và xử lý các tình huống khác nhau để nâng cao kĩ năng thực tế và kinh nghiệm của bản thân.
Dưới đây là một số tác phẩm chọn lọc từ học viên sau khoá học:
Bài viết được đóng góp bởi Trung Qp, một nhà báo và nhà làm phim tự do hiện đang hoạt động tại Hà Nội.