Makét 02

Lê Brothers: 365 Ngày

MATCAxC4 JOURNAL: Đối thoại nhiếp ảnh giữa Việt Nam & Vương quốc Anh

Chuỗi bài viết thảo luận những khía cạnh đa dạng xoay quanh hình ảnh. Do Quỹ Digital Arts Showcasing của Hội đồng Anh tài trợ.

????✍️??


Điều quan trọng để tác giả nhớ lại không phải là những gì anh ta đã trải qua mà là tấm màng kí ức của mình1.

– Walter Benjamin
© Lê Brothers

365 ngày là dự án nghệ thuật liên ngành của cặp nghệ sĩ song sinh gốc Quảng Bình Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải (nghệ danh chung là Lê Brothers), hiện đang sống và làm việc tại Huế. Dự án này được thực hiện từ 14/2/2014 – 13/2/2015, là một chuỗi thực hành phức hợp giữa Trình diễn ứng tác thời gian thực được ghi nhận lại bằng Ảnh kỹ thuật số. Tác phẩm sau đó được đa dạng hóa thành các trưng bày Sắp đặt, Trình diễn, Video, Ấn phẩm và bao gồm cả album ảnh trên trang Facebook cá nhân.

365 ngày bắt đầu ngẫu nhiên mà không tùy tiện như chính nội dung của nó. Từ giây phút tình cờ khi thấy những lẵng hoa, cửa tiệm được trang hoàng rực rỡ trước lễ Tình nhân, Lê Brothers quyết định thực hiện ý tưởng nung nấu trong thời gian dài trước đó. 14/2/2014 được chọn là ngày bắt đầu, không phải vì một lý do đặc biệt nào, mà như một thời điểm lỏng lẻo không áp lực để khởi đầu chặng đường kéo dài 364 ngày liên tục không ngừng nghỉ tiếp sau.

© Lê Brothers

Hai nghệ sĩ bắt đầu mỗi ngày mới bằng cách tiếp tục công việc của 365 ngày. Khi ở studio tại gia, nghệ sĩ dàn dựng bối cảnh, phục trang, đặt máy rồi tự chụp bằng điều khiển từ xa hoặc nhờ trợ lý hay đồng nghiệp hỗ trợ. Hai người mặc quần áo khác nhau (đôi khi lộn xộn, đôi khi có chủ đích như bộ đồng phục đôi hai màu vàng-đỏ), xếp đặt khung hình, thực hiện một số tư thế với các động tác trình diễn-tạo dáng khá quen thuộc, cùng ngồi hoặc đứng, luôn hiện diện trong ảnh cùng lúc. Khi đi xa, trong cả những chuyến ngắn (ra Hà Nội hay vào Nam) lẫn chuyến dài ngày ở nước ngoài (Đài Loan hay Mỹ), việc chụp hình vẫn được diễn ra nhưng có lẽ nhanh hơn, ít tính dàn dựng mà tùy biến và ứng tác với cảnh vật thiên nhiên, đường phố – vốn đã mang những ngữ nghĩa lịch sử, chính trị, văn hóa sẵn có.

Một lần nữa thực hành đặc thù của cặp đôi nghệ sĩ được thể hiện qua các kênh liên lạc-đối thoại đặc biệt của riêng họ. Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải thường tự ngầm hiểu với nhau khi lựa chọn hay dàn dựng bối cảnh; lựa chọn trang phục và tư thế trình diễn cũng được quyết định ngay tại thời điểm chụp. Không thỏa thuận trước và cũng không ra dấu, mỗi người tạo một tư thế ứng tác với khung cảnh và với nhau bằng kết nối trực giác đặc biệt của cặp đôi song sinh. Bằng cách ấy, họ tạo ra hai nhân vật đồng dạng xuất hiện trong hầu hết các bức ảnh; hình bóng ‘2 trong 1’ ấy lặp đi lặp lại hơn 350 lần. Ở số ít những bức hình chỉ có một nhân vật, sự thiếu vắng dù hiện hữu nhưng không quá hụt hẫng, có chăng bởi hiệu ứng ‘song sinh’ đã ghi hằn trong trí nhớ thị giác để người xem tự nhân bản và điền vào khoảng trống trong tâm trí tiếp nhận của mình?

© Lê Brothers

Việc sử dụng ảnh kỹ thuật số và nền tảng trực tuyến để lần lượt công bố thành phẩm từng ngày có thể không nằm trong chủ đích ban đầu, nhưng lại tạo ra hoặc/và đóng góp vào ý tưởng của tác phẩm. Khi truy cập album trên Facebook nghệ sĩ, ta bước vào và xem ảnh như một hành trình, nhật ký, thư giãn, thú vị, không tạo áp lực phải xem toàn bộ, có sự lặp lại nhưng không tẻ nhạt, có thể đến và đi bất cứ lúc nào. Tồn tại trên mạng xã hội như một kênh trưng bày thường trực, album mở ra những biến đổi về ý tưởng chủ thể khi người xem và cả chính tác giả tiếp cận chúng vào những khoảng thời gian khác nhau và ở những điểm tham chiếu khác nhau. Tính thời gian của dự án vẫn tiếp diễn cho tới hiện tại. Từ khi bắt đầu, hành trình này đã không còn được quyết định thời khắc chung cuộc cho chính nó2.

Ở đâu là tính độc lập của tác phẩm và những phẩm chất đặc thù như tác phẩm nhiếp ảnh với năng lực sao chép chính xác phong cảnh thị giác trong khoảng khắc điển hình mà nó bắt buộc phải ‘tóm’ được? Khó mà kiếm tìm những điều này trong chuỗi hình liên miên của 365 ngày, khi đó là một chuỗi trạng thái và ý niệm được chuyên chở bằng phương tiện của hình ảnh. Những bức hình ở đây làm và chỉ làm một chức năng là chuyển tải thông tin thị giác bằng cấu trúc số. Khoảnh khắc trong ảnh vẫn được lựa chọn từ vài chục đến vài trăm pose của một buổi chụp, nhưng nó không còn là là ‘khoảnh khắc quyết định’ của nhiếp ảnh – thời điểm bức ảnh được/phải sinh ra. Những bức ảnh này đã nằm trong chủ định trước khi được chụp, như một số phận đã được phán xét từ lúc phôi thai. Những khoảnh khắc đó đã được ‘lập trình’, đông cứng và lặp lại ngày này qua ngày khác.

© Lê Brothers

Thời gian, bệ đỡ chính của dự án, trở thành chính chủ thể. Mỗi bức ảnh mang những thông tin vừa lặp lại, vừa mới mẻ, cứ thế kéo dài thành một dòng ý thức. Thời gian phủ trôi những quan điểm và mong đợi ban đầu mà có thể còn mang nhiều định kiến. Ở đây, nhiếp ảnh dường như biến mất khi ta di chuyển từ bức này sang bức khác và đọc dòng trạng thái ngắn đi kèm: Ngày 24, Cảm ơn cha mẹ, Với Dự án Đỏ, Trên cầu Hiền Lương, Chụp với cây chuối ngày 1, Chụp với cây chuối ngày 2, Một mình ngày 5, Ngày Quốc khánh, ngày Thành lập Quân đội, Tranh của Thượng Hiền, Chào Hà Nội… Những cử chỉ trình diễn hoặc theo thói quen, hoặc chủ định ẩn chứa ý đồ giễu nhại, khiêu khích, đôi khi tục tĩu hoặc bình hòa, với gương mặt vô biểu cảm của nhân vật vừa giống vừa khác. Cảnh vật, đồ đạc, trạng thái, cảm xúc chuyển động và trôi nổi qua từng tấm hình, chỉ con người là bất động. Trong dòng ý thức của thời gian ấy, khung cảnh chính dường như nhòe mờ đi, nhân dạng nghệ sĩ nhòe mờ đi, và hoàn toàn được định vị bằng đồ vật, cảnh quan, đạo cụ, lịch, sổ ghi chú, sự hiện diện của chủ thể khác. Chúng đặt ra những đối thoại và suy ngẫm về cách con người định vị thời gian bằng ngoại cảnh, được nhắc lại bằng ngoại vật và dùng trí nhớ luôn hỗn loạn của mình để xây dựng tấm màng ý thức về quá khứ. 356 ngày là một ý niệm nghệ thuật đối thoại với thời gian, lấy thời gian làm chủ thể để phơi bày và giấu diếm các tự sự hay phản tư giàu ẩn dụ.

© Lê Brothers

Có lẽ bởi bản chất của nhiếp ảnh với cấu trúc và hiện diện thị giác của nó đã luôn mang tính một chiều: nhiếp ảnh gia tạo dựng hình ảnh theo ý mình, người xem đứng trước thông điệp được tạo ra bởi tấm ảnh, tiếp nhận và xử lý chúng. Sự đối thoại nằm độc lập ở phía người sáng tạo và người thụ hưởng. Bức ảnh – với trạng thái vật lý và đặc tính nhân bản của nó là chủ thể chứa đựng thông tin thuần chất như một người bưu tá hoàn thành công việc ngay khi món hàng được giao tới người nhận. Bức ảnh với tất cả các đặc tính sao chép thị giác tại thời điểm chụp – lúc mà nó được sinh ra, đã đóng gói toàn bộ hành vi, đồ vật, thời gian vào trong đó – một bản sao của thời điểm. Nó vừa có và vừa không có biểu đạt đầy đủ bản chất của Hành vi trình diễn, và phần nào độc lập với nguyên tác3.

Cuối cùng trong hình ảnh này đâu là chủ thể, đâu là thứ yếu, đâu là điều được phơi bày và cần phơi bày: con người hay những đồ vật biểu tượng hay những hành vi trình diễn nhiều ẩn ý hay khung cảnh dàn dựng tịch mịch hay bản thể đối lập hay tất cả những điều đó? Chủ thể của 365 ngày – xét một mặt nào đó là Thời gian – luôn được che giấu và bị che giấu, như khi con người khám phá ra tự nhiên mà vẫn không hiểu bản thể của tự nhiên theo cách nói của Martin Heidegger4, là trạng thái nhận thức của việc khám phá đâu là đầu nguồn của dòng sông nhưng đó vẫn không phải là ngọn nguồn của nước. Nhiếp ảnh bằng cách truyền đạt thông điệp hình ảnh đã gieo rắc vào tâm trí của người xem một chuỗi tự vấn đa diện khôn cùng của ý cảnh và thời gian.

© Lê Brothers

Những diễn giải dài dòng này không nhằm tìm ra câu trả lời cuối cùng hay duy nhất để xem dự án 365 ngày. Đây chỉ là một đề xuất của người viết để có cơ hội bước vào một trạng thái tiếp nhận khác chuỗi thông tin hình ảnh này, ngõ hầu để tiếp cận đến những vùng nhận thức nào đó mà phương cách thông thường không chạm tới, cũng bởi vì tri thức cuối cùng chỉ là một hình thức diễn dịch5. Hoặc cũng có thể nó vừa liên hệ vừa không liên hệ với chính dự án bởi đây cũng chỉ là một diễn dịch văn bản ngoại vi với tác phẩm.


Lê Ngọc ThanhLê Đức Hải (Le Brothers) là cặp nghệ sĩ song sinh hiện đang sống và làm việc tại thành phố Huế. Le Brothers đã biểu diễn và trưng bày tác phẩm trong nước và quốc tế, bao gồm Singapore Biennale 2013, “Secret Archipelago” – Lễ hội Singapour En France Le tại Palais de Tokyo, Paris 2015 và gần đây nhất là “Bộ sưu tập biểu diễn Đông Nam Á” Munich, Đức 2019. Cách tiếp cận độc đáo của Le Brothers đối với lịch sử, bản sắc và việc giải thích quá khứ trong hiện tại tạo ra những tác phẩm giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những sự kiện khó quên, được trình bày dưới dạng những lời tường thuật tinh tế và trang nghiêm, mời gọi sự phản ánh, nhận thức của người xem và tôn trọng sâu sắc hơn văn hóa và phong tục. Thực hành của Le Brothers khám phá thẩm mỹ trong việc xem xét, mổ xẻ và đặt câu hỏi về ý thức sau chiến tranh của miền Bắc và miền Nam Việt Nam. Vào năm 2008, hai anh em sáng lập quỹ New Space Arts Foundation tại Huế để chào đón nghệ sĩ trong nước và quốc tế tới lưu trú và sáng tạo nghệ thuật. Không gian lưu trú nghệ thuật đầu tiên tại Việt Nam này do Le Brothers tài trợ từ việc bán tác phẩm nghệ thuật của họ.The important thing for the remembering author is not what he experienced, but the weaving of his memory. – Walter Benjamin, Illuminations: Essays and Reflections.

1 The important thing for the remembering author is not what he experienced, but the weaving of his memory. – Walter Benjamin, Illuminations: Essays and Reflections.

2 “The end is in the beginning and yet you go on.” – Samuel Beckett, Endgame.

3 Ngay cả ở một bản sao hoàn hảo nhất, có một điều vẫn lộ rõ: nó thiếu tính Tại và Hiện trong không gian và thời gian – sự hiện sinh độc nhất của tác phẩm nghệ thuật ở nơi nó hiện diện. Walter Benjamin, Tác phẩm nghệ thuật trong kỷ nguyên nhân bản kỹ thuật, bản dịch của Phạm Thị Hoài, ZZZ review.

4 “…”Nature” is not to be understood as that which is just present-at-hand, nor as the power of Nature. The wood is a forest of timber, the mountain a quarry of rock; the river is water-power, the wind is wind ‘in the sails’. As the ‘environment’ is discovered, the ‘Nature’ thus discovered is encountered too. If its kind of Being as ready-to-hand is disregarded, this ‘Nature’ itself can be discovered and defined simply in its pure presence-at-hand. But when this happens, the Nature which ‘stirs and strives’, which assails us and enthralls us as landscape, remains hidden. The botanist’s plants are not the flowers of the hedgerow; the ‘source’ which the geographer establishes for a river is not the ‘springhead in the dale’.” – Martin Heidegger, Being and Time.

5 “All human knowledge takes the form of interpretation.” – Walter Benjamin.