Makét 02

Khi Bức Hình Thoát Khỏi Không Gian Hai Chiều

Trước đây khi thể loại ảnh tư liệu gần như độc chiếm định nghĩa của nhiếp ảnh, mục đích tái hiện hiện thực được coi như tối thượng. Với chỗ đứng mới trong nghệ thuật thị giác sau một quá trình tranh đấu không dễ dàng, nhiếp ảnh đã trở nên đa dạng, đa nghĩa hơn. Những cách nghĩ, thực hiện và trình bày hình ảnh khác được đã phát triển. Trong đó, tính chất liệu trong nhiếp ảnh nhận được nhiều sự quan tâm từ người thực hành lẫn người nghiên cứu.

Phần lớn những người thực hành nhiếp ảnh tạo nên tác phẩm của mình theo quy trình: tìm chủ đề, vật thể, bấm máy rồi sau đó trình bày chúng lên một mặt phẳng. Ảnh thường được xem qua bản in, sách ảnh, chiếu bóng và sau này là trên màn hình đèn led. Trong tiếng Anh, từ “image“ có thể dùng để chỉ hai thứ khác nhau: “hình ảnh” và “bức ảnh”. Nhiếp ảnh do đó thường bị nhầm lẫn chỉ là một công cụ thị giác thuần tuý. Xu hướng tập trung vào chất liệu là một lời đáp lại cho truyền thống này.

Mọi thứ bắt đầu khi ta bắt đầu suy nghĩ về hình ảnh dưới dạng một vật thể xác định, một vật thể ba chiều thay vì hai chiều. Khi thuốc tráng tiếp xúc với miếng film, khi hình ảnh hiện lên giấy qua máy rọi hay in kỹ thuật số, rồi được đóng khung hay làm album… Lúc này, bức ảnh vừa là hình ảnh (hai chiều) và cũng vừa là vật thể có tính vật chất, tồn tại trong thời gian và không gian cũng như trong trải nghiệm văn hoá. Trích lời của giáo sư Geoffrey Batchen, bức ảnh có “thể tích, tính chắn sáng, có thể cảm nhận được và có sự hiện hữu trong thế giới này“ và do đó nó móc nối được những tương tác của giác quan. Những thuộc tính này của các bức ảnh không thể bị tối giản đến mức trừu tượng, cũng không thể bị lược giản để trở thành hình minh hoạ thuần tuý cho một ý tưởng nào đó.

Trong cuộc sống, hình ảnh chưa bao giờ chỉ tồn tại dưới dạng hai chiều. Nó gắn liền với vật dụng hàng ngày mà có lẽ khởi nguồn là những mặt dây chuyền mang theo người, tới những vật mang tính trưng bày, lưu trữ như album ảnh gia đình và hộp lưu trữ trong bảo tàng. Từ thế kỷ 19, mặt dây chuyền hay đồng hồ quả quýt kèm chân dung người thân đã trở thành món trang sức phổ biến của những cặp tình nhân yêu xa hay những chàng lính trẻ khi ra trận trong Thế chiến thứ nhất. Khi chưa có Internet, những tấm ảnh chụp được in ra, ép plastic, viết ghi chú và sắp xếp trong cuốn album cá nhân theo thứ tự riêng. Có thể nhắc tới món đồ lưu niệm bày bán tại địa điểm du lịch – đĩa, cốc sứ in hình danh lam thắng cảnh và nhân vật nổi tiếng, hay các dịch vụ in ảnh lên cốc, móc chìa khoá hay bánh sinh nhật rộ lên những năm gần đây. Mục đích của việc đem hình ảnh lên những vật liệu khác là để ghi nhớ lại một quá khứ hoặc một trải nghiệm từ xa, theo một cách khác biệt và đồng thời.

Người sáng tác đã cởi mở hơn rất nhiều trong việc kết hợp hình ảnh với các chất liệu khác nhau. Với phương thức mới này, nội dung và hình thức thể hiện đã có sự bình đẳng. Những yếu tố mà trước đó chỉ được coi là phụ vặt, tính đến sau như khung tranh, giấy ảnh, cách treo… giờ đây được chính thức đưa vào quy trình sáng tạo và lựa chọn có chủ đích. Thay vì được nhìn nhận như những chủ thể bị động, hình ảnh đã có tiềm lực để trở nên chủ động.

Một trong những cá nhân tiêu biểu đưa ra sự đột phá về chất liệu trong nhiếp ảnh là nghệ sĩ Đức Olaf Metzel. Xuất thân là một nhà điêu khắc, Olaf đã tạo nên sự kết hợp độc đáo giữa nhiếp ảnh và điêu khắc để đả động tới nhiều vấn đề chung của xã hội, từ chính trị đến nghệ thuật, kinh tế hay thể thao. Trong tác phẩm điêu khắc của ông, Metzel thu hút cảm hứng từ những vật dụng xung quanh chúng ta, cũng như những hình ảnh gợi đến vấn đề thời sự trên báo chí. Ảnh được in lên những tấm thép bị bẻ gãy, uốn cong, gợi hình dáng của những tờ giấy bị vò nát. Có lẽ Olaf muốn đưa ra cảm xúc của ông về những vấn đề này, hay thể hiện sự mất lòng tin vào những gì đang diễn ra trong xã hội của mình.

Khác với Olaf Metzel, tác phẩm của nghệ sĩ Josh Kolbo thể hiện cùng lúc nhiếp ảnh và tạo khối. Đối tượng chụp của ảnh thường là tĩnh vật, rồi từ đó mở ra một câu chuyện về không gian và thời gian. Kolbo phối hợp những bức ảnh của mình vào những chiếc xe đẩy hàng đặt ở giữa phòng, hay tạo hình những tấm ảnh in hai mặt khổ siêu lớn thành một tấm rèm và xếp chồng lên nhau. Anh còn tìm cách đưa chiều sâu vào những khung ảnh treo trên tường, bằng cách cắt dán thành qua nhiều lớp đè lên lẫn nhau.

Hình ảnh được cắt ghép, phân mảnh nhưng chúng xuất hiện cùng nhau thành một khối chặt chẽ. Trong những bức ảnh có bố cục rắc rối, những khối điêu khắc dựa trên ảnh hay tác phẩm sắp đặt của mình, Josh Kolbo đã phá bỏ cùng lúc nhiều rào cản: giữa hình ảnh và sự vật, sự bằng phẳng và không gian ba chiều, giữa hiện thực và tái hiện hiện thực.

Ở Việt Nam, khi nhiếp ảnh mới nhận được sự quan tâm dưới góc nhìn của nghệ thuật đương đại vài năm trở lại đây, Nguyễn Thế Sơn là một trong số những nghệ sĩ tiên phong đẩy xa giới hạn này. Nghệ sĩ tập trung vào sự biến đổi của bộ mặt đô thị và cuộc sống sinh hoạt của thành phố trong chuỗi các dự án “Nhà mặt phố“, “City and Memory“ và “Thay hình đổi mặt“. Cũng sử dụng máy ảnh để ghi lại cái hiển hiện, nhưng Thế Sơn lựa chọn công nghệ cắt lazer phổ biến trong quảng cáo để tái tạo lại không gian. Trong tác phẩm photo-relief (ảnh nổi), ta thấy lớp lang của những căn nhà ống cứ thế cao lên, những biển hiệu đủ kích cỡ đua nhau lấy sự chú ý, hay những khu tập thể với nhiều chi tiết hé lộ cuộc sống cá nhân đằng sau chuồng cọp. Khi quan sát mô hình thu nhỏ đó, người xem như thể đang thoát ra khỏi chính thành phố mình đang sống và quan sát nó một cách trọn vẹn. Trong dự án “Những người chở”, tác giả chụp lại những người bán rong trong những khoảnh khắc mưu sinh, sau đó in lên bìa cứng theo kích cỡ thật và đặt những mô hình này vào các không gian mà đáng lẽ cả chúng và họ không thuộc về.

Sáng tạo với các chất liệu khác không nhất thiết phải trở thành một hướng đi, một kiểu mẫu mới cho nhiếp ảnh. Nhưng khi quan sát những tác phẩm nhiếp ảnh đương đại trên, nhiều câu hỏi cho nghệ sĩ và công chúng đã được gợi lên. Liệu nhiếp ảnh có cần thiết phải chịu gánh nặng nói lên sự thật, tái hiện cuộc sống như nó đang là? Liệu hình ảnh có cần phải truyền đi thông điệp nhân văn hay nói lên được một câu chuyện cảm động? Liệu nhiếp ảnh có thể được trình bày với một hình thức khác, có khả năng chạm tới các giác quan, gợi mở một cách nghĩ khác? Hay nói tóm lại, có nhất thiết phải sáng tạo trong khuôn khổ bốn đường thẳng của khung ảnh?

Bài viết thể hiện quan điểm và hiểu biết cá nhân của tác giả, có tham khảo các tư liệu nghiên cứu Photographs Objects Histories: On the Materiality of Images.

Workshop Giới thiệu về Nhiếp ảnh và chất liệu do nghệ sĩ Chrishtoph Brückner & Nam Nguyễn đứng lớp sẽ diễn ra tại Heritage Space, Hà Nội từ ngày 11/10/2018. Workshop nhằm tạo cơ hội cho người tham dự khám phá các chất liệu mới của nghệ thuật đương đại, mở rộng những cách thức mới trong thực hành và trưng bày tác phẩm nhiếp ảnh và khơi gợi những ý tưởng mới cho dự án nghệ thuật của bản thân. Chi tiết trong link đính kèm.