“Trong khi loạt ảnh báo chí thường thừa thãi sưu tầm những diễn cảnh khổ đau khiếp hãi, củng cố giới tuyến ngăn chia phái bè giản lược, những bức ảnh ám tàng hơn cả của Võ An Khánh vén lộ những cuộc gặp, ngắn ngủi và gieo neo. Những trạng huống mong manh nọ hoá kiếp sang thể điệu tĩnh phẳng của mặt ảnh, không chỉ như những tái hiện hư rỗng, mà là hiện hữu sống, nơi cuộc kháng chiến được nhìn mới lại và hoá thân thành cái khác. Thời chiến nhập ảnh của Võ An Khánh ôm mang năng lượng tiệm cận thần thoại, một huyết mạch tự phục hồi, có khả năng hóa dạng ngữ nghĩa cố định của ý hệ, trường tồn hơn ồn ào của giáo lý, dai sức hơn quảng truyền của diễn ngôn.”
—Nguyễn Hoàng Quyên, đồng giám tuyển, Sàn Art
Đầu tháng 6/2020, không gian nghệ thuật đương đại Sàn Art khai mạc triển lãm Tác Lực Ngầm, trưng bày chuỗi ảnh chụp lực lượng kháng chiến miền Tây Nam Bộ từ năm 1961 đến 1974 của Võ An Khánh. Đây là lần đầu tác phẩm của nghệ sĩ nhiếp ảnh kỳ cựu xuất hiện trong triển lãm cá nhân tại Sàn Art sau triển lãm nhóm nhiều năm trước. Dù bối cảnh ra đời khác biệt, sự kiện lần này mang chung tinh thần nhằm nắm giữ và chuyển hóa ký ức thời chiến để mở ra những cuộc đối thoại mới.
Tác giả đã trao quyền để đội ngũ giám tuyển Sàn Art tiếp cận và chiết lọc hình ảnh từ kho lưu trữ trong cuộc đời sáng tác bền bỉ của mình. 14 bản in kỹ thuật số được sắp xếp thành các cụm về hoạt động hậu phương, đời sống của đội quân y, đoàn văn nghệ, công nhân xưởng in, và những cuộc họp mật trong rừng của cán bộ cách mạng. Bóng rừng đước ẩn hiện trở thành phông nền cho sân khấu đầy uy nghiêm và linh thiêng.
Triển lãm mở màn với khung cảnh dàn trực thăng sắp đổ quân và những thân đước trơ trọi vì chất độc hóa học. Cặp ảnh duy nhất khắc họa sự tàn khốc của tiền tuyến góp phần đẩy không khí lên cao trào, dẫn dắt đến cụm ảnh về những buổi diễn tập văn nghệ mang sắc thái anh hùng nơi hậu phương. Chuỗi chân dung nhóm ngợi ca vẻ đẹp khỏe khoắn của lực lượng kháng chiến qua những khoảnh khắc “đóng tượng” cơ thể họ, đầy hào khí trong những tư thế đồng nhất và đoàn kết.
Nguồn năng lượng dị biệt lớn dần và xuyên suốt trong hình ảnh lặp lại về những nhân vật vô danh đằng sau tấm vải trắng kín đầu. Theo chú thích, họ là những nhà hoạt động đeo mặt nạ để che giấu danh tính phòng trường hợp bị bắt thẩm vấn. Biểu cảm và nhận dạng cá nhân bị che đậy làm người xem khựng lại, dè chừng. Xen kẽ bầu không khí bí mật này là một vài chân dung trẻ em học tập và vui chơi ở ngoại cảnh, khiến không gian và thời gian của cụm ảnh trở nên mơ hồ.
Triển lãm cũng bao gồm tác phẩm gắn liền với sự nghiệp của Võ An Khánh, Trạm quân y dã chiến trong tình hình địch nhổ cỏ U Minh. Khi bức hình xuất hiện trên trang nhất thời báo New York Times, nhiều nhà phê bình đã mô tả nó với tính từ “siêu thực”. Tính siêu thực trong ảnh Võ An Khánh không đến từ những tạo hình dị hợm được cường điệu hoá với chủ đích gây sốc rõ ràng. Khác với hình ảnh dàn dựng kỳ công mà không dành chỗ hở cho yếu tố bất ngờ, sức nặng của ảnh tư liệu nằm ngoài dự tính, như nhà phê bình Teju Cole từng viết: “Ảnh siêu thực không thể bị trói vào lý thuyết, rồi hệ thống hóa và phân loại thành ‘trường phái’. Thay vào đó, nó xảy đến như một món quà siêu hình, xuất hiện khi ít được mong đợi nhất để chinh phục logic và chiếm đóng trí tưởng tượng”. Cảm giác khẩn trương, cảnh giác, bấp bênh, và những cấu trúc dã chiến dựng lên rồi biến mất trong giây lát được sinh ra chính từ lằn ranh mỏng giữa sự sống và cái chết, và vì thế gần như không thể tái tạo bằng những công thức kể chuyện trong những tác phẩm điện ảnh cùng chủ đề.
Tính siêu thực trong ảnh Võ An Khánh không đến từ những tạo hình dị hợm được cường điệu hoá với chủ đích gây sốc rõ ràng. Khác với hình ảnh dàn dựng kỳ công mà không dành chỗ hở cho yếu tố bất ngờ, sức nặng của ảnh tư liệu nằm ngoài dự tính.
Không thể chối cãi bản năng thị giác mạnh mẽ của Võ An Khánh, người con của mảnh đất phù sa mặn miền Tây. Có sự nhạy cảm đặc biệt với cánh rừng đước – cảnh quan tự nhiên uy linh giờ đây mang ý nghĩa chiến lược quân sự, ông khéo léo di chuyển tại thực địa, cẩn trọng ghi lại mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên trong thời điểm khó đoán định này. Rừng nuôi dưỡng, bao bọc, lặng thầm chứng kiến bao lần ngã xuống và vươn lên. Người sống trong và cùng với rừng, thứ phong cảnh trường tồn mang trong mình vết tích của quá khứ, được ứng biến theo hiện tại và khơi gợi viễn cảnh về tương lai.
Nhiếp ảnh Việt Nam vốn gắn với bề dày lịch sử chiến tranh. Như nhiều cán bộ tuyên huấn trong kháng chiến chống Mỹ, Võ An Khánh coi việc cầm máy như phục vụ công cuộc cách mạng chung. Sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ ấy, những tác phẩm thách thức thể loại, chủ đề và ý thức hệ của ông tiếp tục cựa quậy và sống đời sống riêng. Đối diện với khán giả đương thời, những tấm ảnh tư liệu vượt lên trên vai trò kỷ vật. Chúng không dựa dẫm vào biểu tượng và vì thế luôn mới.
Võ An Khánh sinh năm 1936, tại làng Ninh Quới, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, miền tây nam Việt Nam. Trong những năm 1960 và đầu những năm 1970, ông đồng hành cùng đơn vị du kích, ghi lại nhiều hình ảnh chiến tuyến của lực lượng kháng chiến chống Mỹ ở Cà Mau. Bên cạnh đó, ông điều hành bộ phận nhiếp ảnh kháng chiến ở địa phương và chụp ảnh tư liệu trong những sự kiện văn nghệ. Giữa năm 1962 và 1975, Võ An Khánh tổ chức một triển lãm ảnh trong điều kiện đặc biệt khó khăn của rừng ngập mặn. Hai bức ảnh nổi tiếng của ông, “Trạm quân y dã chiến” và “Lớp học tập chánh trị nghiệp vụ”, cũng có mặt trong triển lãm dã chiến này, và được Võ An Khánh tự rửa tại chỗ bằng ánh sáng tự nhiên.