Makét 02

Kết Quả Khoá Học Thực Hành Nhiếp Ảnh Với Zhuang Wubin

© Zhuang Wubin
© Zhuang Wubin
© Zhuang Wubin

Khoá học Thực Hành Nhiếp Ảnh với nhà nghiên cứu / nhiếp ảnh gia Zhuang Wubin vừa diễn ra tại Heritage Space từ 20 tới 26 tháng 11 vừa qua. Khoá học kéo dài 7 ngày này tập trung vào quá trình của việc phát triển ý tưởng, sản xuất, biên tập và trình bày tác phẩm, cũng như giúp nâng cao hiểu biết của học viên về nhiếp ảnh nói chung. 6 học viên tham gia đến từ nhiều vùng miền và đang ở những giai đoạn khác nhau trên con đường nhiếp ảnh của mình. Dưới đây là phẩn tổng kết, giới thiệu về học viên và phản hồi sau khoá học.

Nguyễn Hoàng Việt (Việt Phố Cổ)
Việt hiện đang làm phóng viên ảnh cho trang tin tức Kênh 14. Sau khi được một người em thân giới thiệu và thúc giục, Việt đã đăng kí và bay từ Sài Gòn ra Hà Nội để tham gia. Trong khoá học, Việt đã giới thiệu dự án ảnh tư liệu về sự mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên. Với chủ đề khá vĩ mô này, Việt tập trung vào thói quen trồng cây cảnh hay nuôi vật nuôi của người thành phố mà theo anh là thể hiện xu hướng mang những phần thuộc về thiên nhiên vào nhà. Việt mong muốn học được cách phát triển ý tưởng và biên tập một dự án ảnh, và theo anh điều quan trọng nhất học được sau 7 ngày là cách tư duy, sắp xếp ý tưởng mạch lạc hơn. Trước đây, Việt muốn sản phẩm cuối cùng là một bài đa phương tiện gồm ảnh, chữ và video, nhưng sau khi xác định được đầu ra sản phẩm và minh bạch hơn trong cách kể chuyện, anh quyết định chỉ muốn tập trung vào ảnh. Anh chia sẻ mình đã cố gắng tạm quên đi thói quen trong công việc làm phóng sự ảnh mà luôn đặt áp lực hoàn thành trong một thời gian ngắn để có thể tìm hiểu một cách tiếp cận nhiếp ảnh mới.

© Nguyen Hoang Viet
© Nguyen Hoang Viet
© Nguyen Hoang Viet

Phạm Giang
Giang làm thiết kế đồ hoạ và đã tự mày mò học nhiếp ảnh qua bạn bè và Internet một thời gian. Anh quan niệm rằng trong thời đại mà việc chụp ảnh đã quá dễ dàng, bức ảnh cá nhân đã không còn là mục đích nữa. Thay vào đó, Giang coi nhiếp ảnh như công cụ để thể hiện những điều mà bản thân quan tâm, và tham gia khoá học để học cách làm việc đó. Giang đang thực hiện một dự án ảnh tư liệu về sự giao thoa giữa tôn giáo và phong tục truyền thống tại các cộng đồng tôn giáo miền Trung Việt Nam. Khoá học đã mở rộng kiến thức của anh về sự đa dạng trong thực hành nhiếp ảnh tư liệu, bởi trước đây sự cực đoan với 2 chữ “tư liệu” là khá lớn, khiến giang chỉ đi một hướng duy nhất là hạn chế tương tác nhằm giảm thiểu tối đa sự ảnh hưởng đến chủ thể. Giang cũng chia sẻ các buổi biên tập đem lại sự định hình tốt hơn cho quá trình hình thành câu chuyện, cũng như giảm bớt cảm tính trong khâu chọn lựa và sắp xếp hình ảnh sao cho phù hợp với ý đồ truyền tải. Vị trí sắp xếp hoàn toàn có thể đem lại những câu chuyện khác nhau, thậm chí rất sai lệch so với nội dung muốn truyền tả ban đầu. Những góp ý, thảo luận sôi nổi của học viên là điều thú vị nhất và giúp Giang hình dung được ảnh của mình truyền tải ý tưởng hiệu quả đến đâu.

© Pham Giang
© Pham Giang
© Pham Giang

Mai Phạm
Mai Phạm giới thiệu dự án cá nhân đang thực hiện về cảm giác khi đứng trước khi trôi đi của thời gian, đồng thời cũng bắt đầu triển khai một dự án khác liên quan đến lịch sử gia đình, bằng cách kết hợp và tái chế những tấm ảnh cũ trong album ảnh trong nhà. Mai bắt đầu biết đến những tác phẩm của các Đông Nam Á mà có những góc nhìn và tư duy nghệ thuật rất độc đáo, cho Mai cả cảm giác gần gũi lẫn những gợi ý hay. Quá trình tham gia dự án đã giúp Mai nhận ra được những điểm chính trong dự án thứ nhất cần cải thiện, đồng thời có những ý tưởng mới cho dự án thứ hai. Nhưng do thời gian có hạn nên mỗi dự án mới đang ở giai đoạn bắt đầu.

Mai đặc biệt ấn tượng với kiến thức về biên tập ảnh được hướng dẫn. Đầu tiên học viên bắt đầu với cấu trúc biên tập “cơ bản” nhất với năm bức ảnh, rồi từ đó tăng số lượng ảnh chọn trong bộ nếu cần, học những biến thể của cấu trúc cơ bản cũng như những tư duy biên tập khác, để phù hợp với mục đích của tác giả và thích hợp với đầu ra sản phẩm (như ảnh trên báo, sách ảnh, triển lãm).

© Maai Faam
© Maai Faam
© Maai Faam

Lê Xuân Phong
Lê Xuân Phong là sinh viên Nhiếp ảnh báo chí của trường Sân Khấu Điện Ảnh Hà Nội. Ảnh hưởng của giáo trình đào tạo trong trường, cách thực hành nhiếp ảnh của Phong chủ yếu xoay quanh ảnh đường phố và tư liệu truyền thống, tìm bố cục đẹp hay khoảnh khắc quyết định… Gần đây Phong muốn tìm một hướng đi mới cho mình bằng cách thực hiện một dự án cá nhân hơn, mang tính thử nghiệm hơn, nên anh quyết định tham gia khoá học này. Anh bắt đầu bộ ảnh để tìm cách kết nối với người anh trai lãnh đạm của mình, trước mắt bằng việc thu thập lại những “dấu vết” còn lại của người anh trong nhà và phỏng vấn những người từng biết đến anh. Đây là dự án mang tính cá nhân nhất Phong từng thực hiện và những gì học được từ Wubin giúp anh có định hướng rõ ràng hơn cho dự án này cũng như những kế hoạch tương lai. Phong cũng học được nhiều qua quá trình thảo luận những học viên với lai lịch, phong cách nhiếp ảnh khác nhau. Lý tưởng thì anh muốn khoá học kéo dài hơn để học viên có thời gian “tiêu hoá” kiến thức, nhưng điều đó rất khó cho một giáo viên thường xuyên di chuyển như Wubin.

© Le Xuan Phong
© Le Xuan Phong
© Le Xuan Phong

Mostafa Mansour
Mostafa Mansour là một nhiếp ảnh gia du lịch đến từ Cairo và đã sống ở Đông Nam Á hơn 2 năm. Anh chủ yếu ghi lại cuộc sống đời thường của con người thuộc các dân tộc khác nhau theo phong cách tư liệu. Anh thử nghiệm chuyển tải cảm giác bó hẹp và bóng tối mà các môi trường đô thị bao phủ lên dân cư. Trong vài ngày, anh đã loanh quanh ngoài đường phố và cố gắng tìm cách chụp ảnh lại cảm giác bức bối này.

Anh muốn thời gian để thực hiện dự án cũng như nhận xét nên kéo dài hơn để đem lại kết quả rõ hơn, cho dù đương nhiên ảnh học viên chụp trong khoá học không phải là kết quả cuối cùng. Lí do chính Mostafa tham gia là để học cách biên tập ảnh, và khoá học ngắn ngày này đã vượt quá mong đợi của anh. Anh rất hài lòng với lớp học đã được chuẩn bị kỹ lưỡng và những khả năng đa dạng một dự án ảnh có thể phát triển theo. Số lượng học viên thấp cũng là điểm cộng của khoá học, bởi những cuộc thảo luận, phê bình lẫn nhau đặc biệt có ích.

© Mostafa Mansour
© Mostafa Mansour
© Mostafa Mansour

Hoàng Nguyễn
Hoàng Nguyễn là nhiếp ảnh gia tự do hiện đang sống tại Sài Gòn. Hoàng đã đề xuất dự án có tên gọi “1992”, tìm kiếm câu chuyện của những người sinh cùng năm với mình và chụp chân dung họ. Hoàng nghĩ khoá học đã có ích với anh cũng như những học viên khác, bất kể họ mới tìm hiểu về nhiếp ảnh hay đã làm việc chuyên nghiệp. Người hướng dẫn Wubin rất hiểu biết, có nhiều kinh nghiệm với một phương pháp giảng dạy tốt. Tuy anh không thể sản xuất được dự án của mình vì lí do ngoại cảnh, Hoàng chia sẻ đã học được nhiều về quá trình thực hiện và định hướng rõ hơn dự án của mình.

© Hoang Nguyen