Bức Tường Thứ Tư khám phá những cảnh quan thành phố độc đáo nhiều trái nghịch của châu Á và trình bày chúng như phông màn cho những cốt truyện tưởng tượng. Chịu ảnh hưởng từ điện ảnh, cụ thể là tác phẩm của nhà làm phim Peter Greenaway, tôi muốn bắt được những khoảnh khắc mà ranh giới giữa thực tại và cảnh dàn dựng bị mờ nhoè.
Bộ ảnh được thực hiện trong thời gian tôi sống và làm việc tại Sài Gòn vì ấn tượng với bạt ngàn phong cách kiến trúc, đèn neon rực rỡ và cuộc sống đường phố phong phú. Với tôi, nhiếp ảnh là một phương tiện để khám phá và tìm hiểu chính những ý nghĩ và trải nghiệm của mình, nên chụp ảnh là cách tôi phản ứng với việc chuyển đến sống nơi phố xá nhộn nhịp bận rộn này từ những thành phố tĩnh lặng như buồn ngủ ở Anh. Bởi tôi đã bắt đầu chụp những không gian bình yên, gọn gàng, nên sự đối lập, khác biệt trong văn hoá và nhịp sống tại Sài Gòn đã khiến tôi tìm kiếm cấu trúc trong sự hỗn loạn và năng lượng không ngừng này. Từ đó, tôi phát hiện ra rằng với chút kiên nhẫn và biết tính toán bố cục, tôi có thể biến những ánh sáng, màu sắc, không gian này thành phông nền cho những câu chuyện không có thật.
Càng sống ở đây lâu, thành phố này càng tiết lộ với tôi nhiều điều – khi cảm giác choáng ngợp dịu đi, tôi bắt đầu mò mẫm sâu hơn dưới bề mặt để tìm tính cách của nó. Tuy vậy, những rào cản giữa tôi và thành phố vẫn tồn tại. Bức Tường Thứ Tư là một khái niệm trong sân khấu miêu tả bức tường vô hình ngăn cách khán giả với sân khấu trước họ. Trong bộ ảnh này, tôi đặt vị trí của mình về phía khán giả, trở thành một người lặng thầm quan sát khung cảnh từ bên ngoài thay vì trực tiếp tham gia vào cốt truyện.
Bộ phim A Zed And Two Noughts của Peter Greenaway là nguồn cảm hứng lớn cho dự án này. Tôi đồng cảm với thẩm mỹ thị giác siêu thực của bộ phim ấy – mỗi cảnh đều được sắp đặt tỉ mỉ về ánh sáng, không gian, cấu trúc đến mức chúng trông như những bức ảnh tĩnh hơn là cảnh quay. Những đồ vật, đạo cụ bằng cách nào đó đã tạo ra những khung cảnh cân bằng hoàn hảo.
Bộ ảnh được thực hiện theo một bộ quy tắc cụ thể:
Ánh Sáng – Tôi thường chụp vào bình minh hoặc hoàng hôn khi ánh sáng tự nhiên ám màu xanh tím và đèn nê ông nhấp nháy. Khi chụp trong ngày, tôi thường chọn những ngày nhiều mây để ánh sáng mặt trời không quá gắt. Trong những ngày ấy tôi sẽ tập trung vào yếu tố màu sắc hơn là ánh sáng. Tôi chủ động tìm những ngôi nhà có màu pastel dịu nhẹ, mà điều này không quá khó ở Sài Gòn.
Không Gian Và Kiến Trúc – Mỗi bức ảnh có một ‘sân khấu’, một không gian trung tâm nơi hoạt cảnh diễn ra. Khán giả có không gian để tưởng tượng những cốt truyện có thể xảy ra ở đó.
Con Người – Tôi thường tránh chụp người, trừ khi thấy họ thực sự tô đậm thêm bầu không khí của khung cảnh. Ví dụ như có bức ảnh cho thấy bóng của một người công nhân xây dựng in đằng sau toà nhà khi họ làm việc xuyên đêm. Cả khung cảnh tập trung vào chiếc bóng đó, nhưng danh tính của họ không được tiết lộ nên cốt truyện vẫn để mở.
Cấu Trúc – Tôi tìm kiếm những tầng lớp chiều sâu khi chụp những không gian này để con mắt người xem có thể di chuyển từ tiền cảnh sang hậu cảnh. Bố cục là chìa khoá để tạo cảm giác cân bằng trong ảnh, với toà nhà và những vật thể xếp ngang nhau với các cạnh của ảnh.
Tính Siêu Thực – Khi có thể, tôi cố gắng đem lại một yếu tố kì dị cho ảnh để phá vỡ cảm giác đời thường. Tôi làm vậy bằng cách sử dụng ánh sáng và màu sắc hoặc di chuyển người ra khỏi không gian đô thị vốn đông đúc.
Jim Cowan là một nhiếp ảnh gia người Anh hiện tại đang làm việc ở Endinburgh, Anh, sau một thời gian làm quản lý của một gallery nghệ thuật đương đại tại Sài Gòn. Những tác phẩm trước đây của anh tập trung miêu tả bản chất con người qua ảnh chân dung và tư liệu về hậu quả của thảm hoạ hạt nhân Chernobyl. HIện anh đang sản xuất một cuốn sách ảnh từ dự án Bức Tường Thứ Tư này, dự định bày bán tại các hiệu sách và gallery độc lập ở Việt Nam và trên thế giới.
Kết nối với Jim tại Facebook và Instagram.