Angkor Photo Festival & Workshop đã là cái nôi nuôi dưỡng nhiều thế hệ nhiếp ảnh gia trẻ từ châu Á suốt hơn một thập kỷ qua, với khoá học chuyên nghiệp thường niên được hướng dẫn bởi những nhiếp ảnh gia hàng đầu thế giới. Khoá học thứ 13 năm nay cũng đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam có đông đại diện được lựa chọn nhất. Hãy cùng xem 3 gương mặt trẻ Nguyễn Ngọc Hải, Đạt Vũ và Hà Đào đã thực hiện và đúc kết được gì trong hơn một tuần lăn lộn tại Siem Reap nhé.
Nguyễn Ngọc Hải – Nhóm Sim Chiyin & Ian Teh.
Sau phần giới thiệu bản thân và định hướng nhiếp ảnh cá nhân, mỗi học viên phải chọn đề tài để thực hiện trong khuôn khổ khoá học này. Mình thấy thực sự rất khó, phần vì không chuẩn bị tốt khâu tìm hiểu thông tin về đất nước con người nơi đây, phần vì khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh còn hạn chế của bản thân. Mình có chia sẻ với người hướng dẫn như vậy, và được khuyên nên chọn đề tài nằm trong khả năng và thế mạnh của mình, nhưng cũng phải thử thách bản thân bằng việc làm những thứ mà trước đây chưa bao giờ làm. Mình chọn đề tài khá rộng về vấn đề đô thị hóa, tập trung vào mối tương quan giữa con người với môi trường, và sự tác động của sự phát triển du lịch lên thành phố Siem Reap. Mình thuê một chiếc xe đạp và dự định chụp quanh thành phố trong 5 ngày.
Nhưng trong buổi gặp mặt sau ngày chụp đầu tiên, mình đã thật sự buồn khi nhận được những lời nhận xét đến từ phía người hướng dẫn. Những ảnh mình chụp chỉ đơn thuần mang sự kịch tính của nhiếp ảnh đường phố như mình vẫn thường thực hiện, ảnh quá trực diện rõ ràng và không nói lên được nội dung của đề tài. Mình có 2 lựa chọn bấy giờ, một là tiếp tục chụp tiếp đề tài này nhưng ở một cách thức khác và mức độ khác, hai là thử tìm một đề tài mới, đơn giản hơn nhưng phù hợp với cách thể hiện của mình.
Mình đã thật sự rất căng thẳng và có trao đổi với anh Đạt về vấn đề tìm đề tài phù hợp. Sáng hôm sau, mình dậy rất sớm chạy xe dọc theo dòng sông trung tâm mang tên thành phố Siem Reap. Mình đã bắt gặp nhiều cảnh sinh hoạt thú vị của trẻ em và người lao động, và chợt nghĩ tại sao không thực hiện một bộ ảnh về cuộc sống bên bờ sông này. Khi trình bày ảnh với ý tưởng đơn giản như vậy, mình khá bất ngờ là giáo viên lại thích thú, đưa ra một số lời khuyên và ủng hộ mình đi chụp ngay, không cần phải trao đổi thêm nữa để tiết kiệm thời gian. Tinh thần có trách nhiệm và nhiệt huyết từ các bạn khác cũng tiếp cho mình thêm động lực. Cuối cùng, bộ ảnh cũng được hoàn thiện, đương nhiên là với sự hỗ trợ không hề nhỏ của giáo viên ở quá trình biên tập.
Ngày cuối cùng trước khi kết thúc khoá học, nhóm có một buổi gặp gỡ tâm sự. Khi được hỏi điều gì khiến mình cảm thấy đáng nhớ nhất ở Angkor Photo Workshop, mình trả lời rằng ngoài việc được học thêm nhiều kiến thức và kĩ năng chuyên môn, thì việc có mặt ở đấy, gặp gỡ mọi người có chung niềm đam mê, nhìn thấy được những lý tưởng cá nhân hay công việc mà họ theo đuổi, thật sự khiến mình cảm thấy vững tin hơn rất nhiều vào những điều mà bản thân đang hướng đến.
Đạt Vũ – Nhóm Kosuke Okahara & Katrin Koenning.
Mình đăng ký tham gia vì năm ngoái có qua đây xem festival và thấy khá vui, mà được tài trợ để đi học và thực hiện một bộ ảnh là cơ hội ít khi nào có được. Người hướng dẫn muốn đẩy học viên làm những gì khác với tác phẩm trước đây, nên chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn. Khoá học đã rất căng thẳng nhưng mọi công sức bỏ ra đều xứng đáng.
Mình đi dọc đường Quốc lộ 6 và tìm hiểu về những không gian công cộng quanh đó như hàng quán rồi bãi tắm công cộng, tới ngày thứ 3 thì quyết định tập trung vào nhóm người lái xe tuktuk mà hay chơi bóng chuyền trên một bãi đất trống. Bộ ảnh này nói về không gian chơi bóng chuyền và không gian quốc lộ 6 nơi hàng ngày họ làm việc. Phải đấu tranh với giáo viên một thời gian thì mình mới được kết hợp ảnh chụp nhân vật với những ảnh chụp cảnh vật trên Quốc lộ 6, vì họ muốn mình chỉ chuyên sâu về những người lái xe tuktuk thôi nhưng mình muốn làm gì đó gợi mở hơn một chút.
Điều quan trọng nhất mình học được là phải luôn luôn biết cách tận hưởng và thân thiện. Dù có rào cản ngôn ngữ cũng phải cố gắng tới gần mọi người, có thể dùng cử chỉ cơ thể chẳng hạn. Mình chỉ đến chào, cười với họ, rồi cố nói mấy câu tiếng Khmer mình tự học. Tới ngày thứ 3 thì họ rủ đi ăn thịt chó nhậu nhẹt, lúc đó mới thân thiết hơn, rồi họ cho mình chụp ảnh khi họ tắm và còn tâm sự với mình nữa. Bộ ảnh lần này mình chụp chân dung nhiều, cũng là cái hay, vì mình phải thực hiện chậm hơn, sâu hơn.
Người hướng dẫn đã rất lắng nghe và quan tâm đến tác phẩm của học viên. Họ dành nhiều thời gian nói chuyện và cố gắng hiểu học viên muốn làm gì, điều đó rất quan trọng trong việc dạy học.
Hà Đào – Nhóm Sohrab Hura, Tania Bohórquez & Antoine d’Agata.
Mình may mắn được vào nhóm Sohrab Hura và Antoine d’Agata, hai nhiếp ảnh gia Magnum với tác phẩm mình đã ngưỡng mộ từ những ngày đầu biết đến nhiếp ảnh. Mình đã tiên đoán rằng sẽ rất căng thẳng để sản xuất một bộ ảnh trong thời gian gấp rút như vậy, nhưng phải đến nơi mới hiểu được áp lực và cường độ làm việc thực sự. Mỗi ngày học viên trong nhóm sẽ gặp người hướng dẫn từ 11h đến 6h tối, cuống cuồng ăn tối để đi chụp đến 3, 4 giờ sáng mới về, rồi lại biên tập ảnh để mai trình bày. Cả Antoine và Sohrab đều nổi tiếng nghiêm khắc, nên khi 2 nhóm còn lại đã nộp ảnh xong xuôi vào ngày học cuối cùng thì nhóm mình vẫn bị bắt chụp thêm 1 ngày nữa. Dù mệt nhưng mỗi ngày mình đều được truyền cảm hứng để ở trong tâm thế sẵn sàng khám phá và làm việc.
Người hướng dẫn luôn nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc phải tương tác, tham gia và dám chấp nhận rủi ro trong quá trình thực hiện. Mình muốn chụp chân dung những cô gái mà công việc yêu cầu họ phải trang điểm và ăn mặc theo một hình mẫu cụ thể, nên mình cũng đi làm mặt làm móng, mượn váy mặc, đi uống rượu thâu đêm ở các chốn nhộn nhạo mà dân du lịch và dân bản địa lui tới, rồi cũng có vài lần hát trong quán nhậu kiêm karaoke. Mình hỏi chuyện những cô gái tới salon làm đẹp, những nhân viên phục vụ hay những người hành nghề mại dâm ngày nào cũng tới khu phố Tây tìm khách. Những gì quan sát và được họ chia sẻ đã hình thành góc nhìn của mình về công việc của phụ nữ ở thành phố phụ thuộc kinh tế quá nhiều vào du lịch này.
Dù ý tưởng được giáo viên đồng ý ngay từ đầu, nhưng mình cũng phải loay hoay đến ngày thứ 3 mới tìm được cách tiếp cận phù hợp. Một bức chân dung thuần tuý không nói lên được gì nhiều, nên mình phải tìm những nhân vật với những biểu cảm và chi tiết trên cơ thể, hay địa điểm có ánh sáng phù hợp với cảm xúc mà mình muốn chia sẻ. Có những tấm mình thích vì câu chuyện đằng sau nhưng bị giáo viên thẳng tay gạt bỏ bởi hình ảnh không tự thân truyền tải được. Bên cạnh việc học, thời gian ngồi biên tập, nhìn lại hơn 8000 tấm ảnh đã chụp với giáo viên để chọn ra sản phẩm cuối cùng là cực kỳ quý giá, bởi họ đã nhìn ra câu chuyện, nhìn ra phong cách thị giác của học viên mà đôi lúc chính mình còn hoài nghi. Giáo viên đặc biệt quan tâm đến từng học viên để mỗi người có thể tiếp tục phát triển góc nhìn cá nhân của mình, chứ không vì áp lực mà phải thực hiện câu chuyện khác không đúng với họ.