Hoàng Lê bắt đầu nghiên cứu chụp hình về những loài chim từ tình yêu thiên nhiên và mong muốn truyền cảm hứng bảo tồn động vật quý hiếm tới cộng đồng. Khi được hỏi liệu anh có coi bản thân là một nhiếp ảnh gia (NAG) hay nhà điểu học, Hoàng cười và phủ nhận cả hai, không dám nhận mình có chuyên môn ở lĩnh vực nào. Thế nhưng bộ sưu tập hình ảnh của hơn 300 loài chim ở Việt Nam do anh chụp khiến người xem phải tò mò với câu hỏi: Liệu một tay ‘amatơ’ tự nhận như anh đã tiến hành chụp và phân loại biết bao sinh vật muôn hình muôn vẻ này như thế nào.
Khó có thể đo đếm đủ thời gian cần thiết để Hoàng chụp được một tấm ảnh ưng ý. Trước hết, có rất nhiều yếu tố phụ thuộc thiên nhiên mà anh không thể kiểm soát. Cần nhiều hơn một lần chụp để có được tấm chân dung ưng ý cho mỗi loài chim đang trong sinh cảnh và thể hiện được tập tính của chúng. Cá biệt có những loài di cư chỉ có mặt tại Việt Nam một lần trong năm, vì vậy thời gian để anh theo đuổi và chụp chúng có thể kéo dài đến vài năm. Bắt đầu công cuộc ghi lại “đời sống chim cò” được gần năm năm, Hoàng đã chấp nhận sự thật rằng đây là một bộ môn xác suất thấp, không có chỗ cho người thiếu kiên nhẫn hay bị động.
“Có nhiều cảm giác khi đi chụp động vật lắm. Với những người mới, nhìn thấy chúng là tim đập thình thịch, run lên, cuống lên. Hồi đầu anh cũng vậy, nhưng nếu không cực kì bình tĩnh sẽ không chụp được đâu.”
Với Hoàng, đôi khi NAG không chỉ chụp ảnh mà còn tác động vào việc tạo nên một tấm ảnh. Hoàng lên tiếng phản đối chuyện can thiệp, dàn dựng cảnh gây ảnh hưởng đến đời sống của các loài chim. Tuy nhiên do đặc thù của cuộc sống hoang dã, nếu chỉ ngồi và chờ đợi thường không mang lại hiệu quả cao. May mắn là một yếu tố rất lớn trong thể loại nhiếp ảnh này nhưng anh tin việc chủ động chuẩn bị kỹ càng sẽ mang lại nhiều hơn cơ hội làm nên may mắn. Có rất nhiều công việc người chụp ảnh động vật hoang dã cần làm trước khi bấm máy. Khi vào khu vực sinh sống của các loài chim, anh phải tận dụng hết các giác quan, không chỉ quan sát mà còn cần lắng nghe tiếng chim hót, rồi tìm phương pháp dụ chim ra bằng cách cho ăn hay đào một hố nước để chúng đến tắm. Quá trình “dụ dỗ” này có thể kéo dài hàng tháng chỉ để bắt được một tích tắc khi đàn cò sải cánh bay, hai con chim xanh Nam Bộ đang tranh giành nhau quả rẻ gai hay một chú đuôi cụt đầu xám thò đầu ra khỏi đám nấm rừng.
Sự kiên nhẫn trong đời sống là một đức tính, còn trong nhiếp ảnh động vật hoang dã lại là điều thiết yếu. Cần sự kiên nhẫn để sẵn sàng ngồi yên nhiều tiếng đồng hồ rồi về tay trắng, để biết rằng thời gian đó không hoang phí mà sẽ đem lại những kiến thức thực tế về sinh cảnh. Việc thực hành này gợi nhớ đến phương pháp thiền để rèn luyện sự tập trung cao độ, buông bỏ lòng ham muốn cùng nỗi thất vọng đi kèm, và đón nhận khoảnh khắc quyết định với sự điềm tĩnh tuyệt đối. Hoàng chia sẻ: “Có nhiều cảm giác khi đi chụp động vật lắm. Với những người mới, nhìn thấy chúng là tim đập thình thịch, run lên, cuống lên. Hồi đầu anh cũng vậy, nhưng nếu không cực kì bình tĩnh sẽ không chụp được đâu.” Anh kể mỗi lần vào rừng chụp như quên hết mọi việc xung quanh, dù lúc đó có bận rộn hay buồn vui thế nào.
Trong bộ phim The Secret Life Of Walter Mitty, nhân vật nhiếp ảnh gia Sean O’Connell chờ đợi con báo tuyết trên dãy Himalayas hàng tháng trời để chụp ảnh, và khi nó xuất hiện, ông chỉ tĩnh lặng chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ vĩ của nó hoà vào với thiên nhiên. Hoàng thấy phân cảnh này hơi bị kịch tính hoá vì nếu là anh, anh sẽ chụp lại để có thể chia sẻ cái đẹp này tới nhiều người hơn. Nhưng anh cũng đồng ý với nhân vật rằng “vẻ đẹp không đòi hỏi sự chú ý”, rằng cái đẹp của thiên nhiên không phô trương mà chơi trốn tìm với con người, sẽ là phần thưởng cho những cặp mắt đôi tay không ngừng tìm kiếm và quan sát.
Hoàng Lê bắt đầu theo đuổi nhiếp ảnh động vật hoang dã từ năm 2012. Anh sinh sống và làm việc tại Hà Nội với công việc chính là kiểm duyệt chất lượng hình ảnh cho một hãng ảnh Nhật Bản. Anh đang thực hiện những dự án ảnh liên quan đến các loài chim và động vật hoang dã tại Việt Nam.
Kết nối với Hoàng tại Facebook và Instagram.