Có lẽ chưa bao giờ giới chơi ảnh tại Hà Nội được dịp nhộn nhịp như cuối tuần vừa qua khi liên tiếp 4 triển lãm ảnh đồng loạt được khai mạc ở các địa điểm quanh thành phố. Hình ảnh về những buổi khai mạc đông người với nào là hoa, lưu bút, lời chúc mừng ngập tràn các trang mạng xã hội. Chưa nói đến chất lượng và mục đích của những triển lãm này, chỉ cần điểm qua những cái tên là khán giả dễ dàng đoán định được nội dung đang được trưng bày: Góc Nhỏ Hà Nội, Hà Nội & Film, Việt Nam Quê Hương Tôi và Go Explore Vietnam, tạm dịch là Khám Phá Việt Nam. “Không nên đánh giá một quyển sách qua trang bìa”, người viết quyết phải đi một chuyến xem thực hư thế nào.
Go Explore Vietnam (Heritage Space, 27/8-1/9/2017)
Triển lãm là thành quả của chuyến phượt xuyên Việt của nhóm bạn trẻ Go Explore kết hợp với tác phẩm của một số nhiếp ảnh gia (NAG) nước ngoài nhằm “mở rộng thêm góc nhìn về quê hương Việt Nam”. Ngược lại với những lời kêu gọi đầy tính cộng đồng như vậy, người xem phải trả 50.000 đồng để được bước vào một không gian nặng tính thương mại để xem những tác phẩm không hề mới. Một nửa không gian là phần trưng bày các tác phẩm chân dung đã nhẵn mặt khán giả của Réhahn, cái tên lớn đảm bảo cho việc không có sáng tạo trong tư duy hình ảnh nhưng tuyệt đối an toàn và hút khách. Ở bức tường đối diện là một nhóm những hình ảnh không chủ định của những NAG nước ngoài được xếp theo hình lượn sóng khá bắt mắt nhưng vẫn là những góc nhìn rất dị biệt về đất nước và con người Việt Nam. Âu vẫn là một Hội An mơ mộng, những đứa trẻ miền cao mặt bẩn và những ông già, bà già cố tình được chụp để làm rõ những nếp nhăn của họ.
Xen giữa là sự xuất hiện mờ nhạt của các nghệ sỹ Việt Nam với Phạm Phú Nghĩa cùng những hình ảnh chụp từ trên cao và video 4K bởi Nguyễn Tấn Dũng. Tiếc rằng người viết đã bỏ lỡ buổi khai mạc với màn trình diễn ánh sáng và nhạc điện tử ngay giữa không gian triển lãm, không hiểu phần kết hợp “mang đầy tính tương tác và trải nghiệm” này đã đẩy nghệ thuật đi xa tới đâu?
Góc Nhỏ Hà Nội (Nhà Triển Lãm 29 Hàng Bài, 25-29/8/2017)
Triển lãm cá nhân này của Nguyễn Xuân Chính bao gồm 30 bức ảnh về hương sắc Hà Nội qua các mùa được anh thực hiện trong nhiều năm. Ý tưởng không mới, cách thực hiện càng không, địa điểm trưng bày lại là một không gian không thể cũ hơn. Tuy nhiên triển lãm phần nào vẫn làm mát lòng người xem bởi nội dung thống nhất, sự chỉn chu trong sản xuất, chuyên nghiệp trong tổ chức, cho thấy một tình yêu lớn và thái độ nghiêm túc mà Xuân Chính dành cho công việc của mình. Anh cũng tự bộc bạch “Mình chụp không giỏi bằng ai nên muốn tìm những góc nhìn riêng của bản thân từ những sự vật, sự việc thân quen nhất.” Ấn tượng nhất có lẽ là tấm polyptych được chụp cẩn thận thể hiện 4 mùa qua 4 loài cây đặc trưng với góc nhìn từ trên cao. Những cái đẹp lãng đãng của hoa lá, cỏ cây hay thiếu nữ bận áo dài này âu cũng phục vụ một đối tượng độc giả riêng, bởi thời nào người Hà Nội cũng có nhu cầu thốt lên rằng “Ôi, thì ra Hà Nội mình cũng có những góc đẹp đến thế”.
Việt Nam Quê Hương Tôi (Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội 50 Đào Duy Từ, 26/08 – 12/09/2017)
Người viết đã cố tìm quanh một tờ rơi, một lời giới thiệu hay ai đó để hỏi về nội dung triển lãm nhưng không hề thấy, thông tin duy nhất có lẽ là tên ba tác giả. Vậy đành tạm hiểu nội dung triển lãm vẫn xoay quanh chủ đề “xưa như mảnh đất hình chữ S” đó là vẻ đẹp của đất nước, con người và vạn vật nơi đây. Không hiểu vì lý do nào mà triển lãm này thực sự rất cẩu thả, manh mún và nghiệp dư. Tranh được treo tá hoả, xộc xệch, trình tự hình ảnh lộn xộn, các mảng tường sơn loang lổ chưa hoàn thiện. Phần bảng tên tác giả / tác phẩm được mạnh dạn dán trực tiếp lên tác phẩm, cá biệt có nhiều ảnh trưng bày còn in watermark với chữ ký cá nhân và tên tác phẩm gây phản cảm cho người xem. Phong cách thì đủ cả, ống siêu rộng chưa đủ hiệu ứng thị giác ấn tượng thì xài fisheye, chân dung anh cảnh sát biển chưa đủ quật cường thì thêm một layer cờ phấp phới. Đây có lẽ lại là một triển lãm phong trào dựng lên để kịp phục vụ cho dịp lễ lạt nào chăng?
Film & Hà Nội (Trung tâm Thông tin Văn hoá Hồ Gươm, 2 Lê Thái Tổ, 26/08 – 03/09)
Triển lãm này có lẽ nóng nhất cộng đồng mạng trong thời gian gần đây, phần bởi báo giới đưa tin nhiều, phần bởi bản thân nhóm chơi ảnh film vốn rất đông đảo. Triển lãm do Classic Film Camera & Photography, Film Việt Nam và Lab 36+ tổ chức – nhiều đơn vị như vậy nhưng không có bên nào thực sự có chuyên môn về tổ chức triển lãm. Vị trí ở Trung tâm văn hoá Hồ Gươm số 2 Lý Thái Tổ khá oách, nhưng thực ra chỉ được mượn một khoảng vỉa hè trước đó để trưng bày 100 tấm ảnh đặt trên 50 cái giá. Có thể việc tổ chức ngoài trời là quyết định của nhóm và cũng hiệu quả khi nhiều khách vãng lai là dân du lịch đi qua dừng lại xem, nhưng việc co cụm 100 tấm ảnh với quá nhiều phong cách chụp trong một không gian bé, nhiều người lẫn xe qua lại có lý tưởng để khán giả xem và thưởng thức tác phẩm hay không?
Đây vẫn là một nỗ lực đáng khen trong việc tìm đầu ra cho ảnh vượt ra khỏi mạng xã hội. Tuy nhiên, có lẽ nó vẫn mang tính hội hè tụ họp, tổng hợp lại dưới chủ đề chung chung dựa vào nơi chốn thân thương và ‘thiết bị cốt lõi’ đó là “Hà Nội & Film”. Nhiều tấm ảnh đơn khá oách nhưng nhìn tổng thể như một thứ lẩu thập cẩm mà không biết phải bắt đầu ăn từ đâu.
Người viết tình cờ nhìn thấy tấm ảnh chụp đám trẻ với quầy bán tò he của tác giả Hiếu Trần quen quá, hoá ra bởi một tấm từa tựa cũng đang được trưng bày ở triển lãm Góc Nhỏ Hà Nội của tác giả Nguyễn Xuân Chính cách đó mấy trăm mét. Người chụp film, kẻ chụp số nhưng một lần nữa ý tưởng lớn lại gặp nhau?
Việc nói rồi, nói mãi!
Những triển lãm ảnh được mở ra dồn dập đang tạo hiệu ứng tích cực nhất định trong việc lan toả nhiếp ảnh tới đời sống đồng thời cổ vũ các nhân tố mới yêu thêm bộ môn nghệ thuật này. Dẫu vậy, tuy nhiều nhưng những sự kiện hiện có hoàn toàn chưa đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của giới mộ điệu nghệ thuật. Cũng khó trách được vì phần lớn những người tham gia các triển lãm trong tuần vừa qua là những cá nhân nghiệp dư, hoạt động theo phong trào nên theo anh Long DT, một NAG với nhiều kinh nghiệm triển lãm, thì “Những cuộc như vậy chỉ nên gọi là “trưng bày ảnh” thôi, gọi là “triển lãm” làm mất giá trị của từ ấy quá!”
Vui thì vui thật đấy, triển lãm cũng là dịp để tụ họp bạn bè nhưng ưu tiên cái vui mà không để tâm tới công việc của mình thì đúng là đang tự làm hại nhau. Trước hết khi ảnh đưa ra ngoài thì sự chỉn chu, tôn trọng tới chính tác phẩm và khán giả phải là thứ yếu. Vai trò của người tổ chức ở đây là rất lớn, việc thiếu hụt các curator (giám tuyển) về nhiếp ảnh trong mấy chục năm qua cũng là tác nhân không nhỏ dẫn đến hệ luỵ như chúng ta đang thấy. Nội dung vẫn theo lối mòn “Việt Nam đất nước con người” đã đi nhẵn đến mức trơn trượt; và ngoài việc các ảnh đơn với những cái tên được đặt rất mỹ miều thì tìm hoài vẫn chưa thấy tăm tích một vấn đề được nêu lên, một câu chuyện, một sự dẫn dắt hay một dự án ảnh bộ dài hơi nào được trưng bày. Nhạt nhoà là cảm giác sau khi đi một vòng triển lãm rồi người viết lại tự hỏi, đã lâu quá rồi Hà Nội chưa có một triển lãm ảnh xứng tầm để mọi nhà nhìn vào làm kim chỉ Nam nhỉ?