Makét 02

Đừng Gọi Nick Út Là Huyền Thoại

Những ngày này, phóng viên ảnh Nick Út rất bận rộn. Sau 51 năm miệt mài cống hiến cho hãng Thông tấn AP, ông đi vòng quanh thế giới theo những lời mời tham gia các buổi nói chuyện truyền cảm hứng, giảng dạy các khoá học nhiếp ảnh hay đơn cử chỉ là tham gia các sự kiện có liên quan đến ảnh báo chí. Những lời mời này liên tục đưa ông quay trở lại Việt Nam, và trên chốn quê hương của mình, Nick Út được săn đón như một ngôi sao. Ông xuất hiện thường xuyên trong những bức ảnh nhóm chụp cùng người hâm mộ, có thể là những bạn trẻ yêu nhiếp ảnh hay những đồng nghiệp phơi phới tự hào.

Em bé Napalm là một trong những hình ảnh đáng nhớ nhất của thế kỷ 20. Bức ảnh chụp năm 1972 đưa một phần sự thật tàn nhẫn của cuộc chiến tại Việt Nam xa xôi tới phòng khách của công dân Mỹ, và là một minh chứng hiếm có về khả năng tạo nên sự thay đổi xã hội của ảnh chiến trường. Tấm hình cùng lúc đoạt hàng loạt giải thưởng trong đó có giải Pulitzer danh giá, đặt nền móng không thể chắc chắn hơn cho sự nghiệp mới chớm nở của Nick Út. Khi ấy ông mới chỉ 21 tuổi và không có bất cứ kinh nghiệm chụp ảnh nào trước khi được nhận vào AP trước đó vài năm.

Peter Bregg with AP Photographer Nick Ut south of Saigon, South Vietnam in 1973. © AP Photo

Sự nổi tiếng nào cũng đi kèm sự quan tâm đặc biệt từ phía truyền thông. Trong vòng nửa thế kỷ nay, Nick Út và Em bé Napalm đã được giới mộ điệu tung hô và trao cho vô vàn mỹ từ cao đẹp, nâng vị thế của tác giả / tác phẩm lên tầm “huyền thoại”. Nhưng nếu có dịp ngồi cà phê đôi phút với Nick hoặc tham gia những buổi trò chuyện trực tiếp với ông, ta dễ dàng nhận ra sự vênh lệch giữa lối nói chuyện bộc trực mang tính tường thuật của Huỳnh Công Út và những diễn ngôn cường điệu đã gắn chặt với tên tuổi Nick Út.

Một mặt, ý nghĩa và sức ảnh hưởng sâu rộng của tác phẩm tới truyền thông và văn hoá đại chúng hoàn toàn xứng đáng được ghi nhận. Tấm hình đã đẩy phong trào phản chiến tại Mỹ lên đỉnh điểm khi xuất hiện trên trang nhất tờ báo New York Times, và nhanh chóng trở thành biểu tượng minh chứng cho sự tàn khốc của cuộc chiến được cộng đồng yêu hoà bình giơ cao trong các cuộc biểu tình. Giá trị lịch sử của tấm hình đã khiến Nick Út không ngừng được ca tụng ngay cả khi cuộc chiến đã kết thúc hơn 40 năm – cũng là cuộc chiến cuối cùng ông chụp ảnh.

Ở một khía cạnh khác, những diễn ngôn dựa trên cảm tính như vậy vô hình trung đã đẩy khán giả đi xa ra khỏi mục đích ban đầu của người chụp. Việc nâng tấm hình hay nhiếp ảnh gia lên tầm biểu tượng có thể nhằm mục đích khơi gợi lòng ngưỡng mộ thuần tuý. Nhưng đôi khi lòng ngưỡng mộ không phải là một thứ cảm xúc có ích. Nó dựng lên một bức tường giữa khán giả và vấn đề thực bức ảnh báo chí kia muốn truyền tải. Nó khiến người xem chỉ còn duy nhất một cách là phải ngước mắt lên nhìn thay vì đi xung quanh quan sát, nhìn nhận bức ảnh từ nhiều góc độ.

© Poul Werner Dam

Có lẽ phải xin nhắc lại rằng: ảnh báo chí, chưa bàn tới những mục tiêu cao cả và những hào quang mà người ta gán cho nó sau này, trước hết cần được coi là một nghề tạo ra giá trị dịch vụ. Khi thời chiến hay thời bình, việc theo sát và ghi lại các câu chuyện, sự kiện là công việc phóng viên ảnh được thuê để thực hiện. Theo lẽ thường, người phóng viên ảnh hoàn thành tốt công việc của mình khi tạo ra được những bức ảnh trùng với định hướng của cơ quan báo chí chủ quản, tức là phục vụ được cho bạn đọc của tờ báo.

Giai đoạn chiến tranh Việt Nam, văn phòng AP tại Sài Gòn đã là nơi làm việc của rất nhiều tên tuổi lớn trong làng ảnh báo chí thế giới đương thời như Horst Faas, Larry Burrows, Malcolm Browne hay Eddie Adams. Những bức ảnh phản ánh sự đau thương vô nghĩa của chiến tranh (bao gồm cả Em bé Napalm) được chụp bởi nhóm phóng viên đầy kinh nghiệm và lòng quả cảm này đã được tổng hợp thành cuốn sách tựa đề Vietnam: The Real War (tạm dịch: Việt Nam: Cuộc Chiến Thực) xuất bản năm 2013. Trong tuyển tập này không thiếu những bức ảnh nhấn mạnh bi kịch của những người dân thường mắc kẹt giữa vòng tròn bạo lực. Hãng thông tấn AP quyết tâm làm nhân chứng của những tội ác vô nghĩa, và đã đạt 6 giải Pulitzer cho những phóng sự từ chiến trường. Tuy nhiên, cái giá phải trả cho những tác phẩm làm chứng cho lịch sử này là quá đắt. Nhiều người đã ngã xuống khi đang tác nghiệp, bao gồm Huỳnh Thanh Mỹ – cựu phóng viên AP và cũng là anh ruột của Nick Út.

A South Vietnamese soldier kneels in prayer amid the ruins of the cathedral in La Vang, South Vietnam, on July 8, 1972 after government troops reentered the area near Quang Tri. The cathedral was damaged in fighting when the city fell to the North Vietnamese on May 1. © AP Photo/Nick Ut
South Vietnamese civilians and soldiers brave the windy storm of whirling helicopter rotor blades to climb aboard a rescue in a threatened area in Tuy Hoa on March 23, 1975. Thousands of refugees left the highlands region following a government decision not to defend the area against North Vietnamese forces. Most walked, but a lucky few completed their journey to safety by helicopter. © AP Photo/Nick Ut
a South Vietnamese soldier holds his personal belongings in a plastic bag between his teeth as his unit crosses a muddy Mekong Delta stream in Vietnam near the Cambodian border, 1972. © AP Photo/Nick Ut

Quay lại bức ảnh Em bé Napalm và sự thành công của nó. Trận ném bom Napalm ở Trảng Bàng năm 1972 hiển nhiên không phải cuộc tấn công khốc liệt nhất. Bức ảnh cũng không trực tiếp thể hiện hành vi giết chóc tang thương, mà thay vào đó ghi lại khoảnh khắc đám trẻ nhỏ đang tháo chạy khỏi cái chết vừa vụt qua. Ở trung tâm bức ảnh là cô bé Kim Phúc, khi đó mới 9 tuổi, với cơ thể trơ xương loã lồ đang gào khóc khi từng mảng da bong ra vì nóng.

Có không ít người đã phản đối quyết định đưa bức ảnh lên mạng lưới của AP để xuất bản toàn cầu của Horst Faas. Việc đưa lên báo chí hình ảnh một cô bé chưa đủ tuổi vị thành niên khoả thân là chưa có tiền lệ. Lớn lên, Kim Phúc cũng từng thừa nhận đã rất ghét thấy hình ảnh trần truồng của mình ở khắp mọi nơi và những phiền phức trong cuộc sống cá nhân đi kèm theo đó. Nhưng Horst Faas ngay thời điểm đó và Kim Phúc sau này đã hiểu rằng bức ảnh đó phải được đưa ra kịp lúc. Chính yếu tố gây sốc đã làm thức tỉnh công chúng Mỹ đang đứng trong bóng tối. Dù không chủ động, nhân vật rốt cuộc đã thoả hiệp, từ bỏ sự riêng tư của mình để lan toả thông điệp phản chiến ra rộng khắp.

Nick Út đã làm tốt công việc của một phóng viên ảnh là lăn xả vào điểm nóng để chụp những tấm hình AP có thể sử dụng được. Sau này, ông thường nhắc đến Em bé Napalm là “a picture that stopped the war” – tấm hình khiến cuộc chiến dừng lại, hoàn thiện tâm nguyện của người anh quá cố đã từng làm việc tại AP của mình. Nhưng hiển nhiên, chỉ bức hình thôi không đủ để đem cuộc chiến tới hồi kết. Đằng sau đó là quyết định kịp thời của người biên tập – một phóng viên kỳ cựu am hiểu bối cảnh Việt Nam, sự đồng thuận của nhân vật, cộng hưởng với những phóng sự gây áp lực lên chính quyền trước đó và diễn biến của cuộc chiến năm 1972. Bối cảnh cụ thể ấy là yếu tố rất lớn trong phản ứng mạnh mẽ của công chúng với bức hình.

Sen. George McGovern, center, standing behind a barbed wire barrier, gestures as he views the wreckage of a bombed nightclub in central Saigon in this Sept. 16, 1971. © AP Photo/Nick Ut

Đặt ra một giả thuyết khác, nếu Em bé Napalm được phát tán rộng rãi trên Internet ngày nay khi những hình ảnh đau thương từ chiến trường đã thành thông lệ, liệu bức ảnh có thể đạt được hiệu quả tương tự hay không? Khi đã quá nhàm mắt với hình ảnh đau thương, cũng không thể loại trừ trường hợp phản ứng ngược từ công chúng, rằng phóng viên đã lấy nỗi đau của kẻ khác để mang vinh quang về cho mình, hay một cô bé vô tội bỗng chốc bị biến thành công cụ tuyên truyền – kể cả khi tác giả không hề chủ đích.

Hình ảnh là một công cụ hiệu quả để khơi gợi sự đồng cảm và góp phần tạo nên thay đổi nhận thức cộng đồng. Xét cho cùng, những hình ảnh trực diện thường sẽ có tác động lớn nhất tới đông đảo công chúng. Nhưng mối quan hệ giữa ảnh chiến trường và khán giả thật không hề đơn giản. Hình ảnh gây sốc hoặc sẽ kéo sự chú ý đến vấn đề đúng đắn, hoặc sẽ mang tính khai thác nhân vật và lãng mạn hoá đau thương. Trong bối cảnh hình ảnh trở nên bão hoà và những xung đột bạo lực vẫn tiếp diễn, kỹ năng đọc ảnh với tư duy phản biện trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Kỹ năng ấy bắt đầu từ việc chúng ta ngừng chiếu ánh hào quang vào cá nhân tác giả mà quên đi mục đích của ảnh báo chí là đưa tin.

Hà Đào là một cây viết và nhiếp ảnh gia hiện đang làm việc tại Hà Nội. Hiện tại cô đang theo đuổi dự án ảnh cá nhân về các nhóm thiểu số và lịch sử gia đình.
Kết nối với Hà tại FacebookInstagram.