Makét 02

Đi Tìm Sài Gòn – TP.HCM Qua Ảnh

Nếu chưa phải là một sự thật hiển nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế đáng nể của Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) thể hiện rõ qua mức tăng GDP gấp ba lần trong mười năm qua, theo dữ liệu từ Tổng cục Thống Kê. Nhưng đâu cần đến số liệu để nhận biết thực tế đó: chỉ cần một vòng dạo quanh thành phố, ta không thể bỏ qua hàng loạt dãy nhà cao tầng đua nhau mọc lên tứ phía. Cảnh tượng này được tích cực ghi lại và tái bản bằng nhiếp ảnh, với vô số hình chụp đường chân trời ven bờ sông Sài Gòn trên Internet. Đôi lúc xuất hiện Nhà thờ Đức Bà hay Trụ sở Ủy ban nhân dân sừng sững trước vài tòa tháp ở hậu cảnh, ám chỉ đến một quá khứ thuộc địa, cũng là một phần cốt lõi của bản sắc thành phố. Từ đây ta có một hình dung sơ khai về TP.HCM – một đô thị hậu thuộc địa với tham vọng cạnh tranh trên đấu trường kinh tế của khu vực và toàn cầu.

© Alexandre Garel

Ấn tượng ban đầu này không thiếu sai sót và bất cập. Dù đẹp mắt, hình ảnh hoa lệ của những đại công trình mới hẳn nhiên không bao hàm những tranh cãi đã và đang diễn ra xung quanh quá trình phát triển đô thị. Nó cũng có thể ém nhẹm những vấn đề xã hội, môi trường hay chính trị có khả năng bêu xấu bộ mặt của trung tâm tài chính quốc gia. Nhiếp ảnh có thể bị lạm dụng để tân trang và duy trì một hình ảnh đáng quan ngại, song đây cũng là một công cụ hiệu nghiệm giúp bày tỏ những vấn đề ít được để tâm. Có lẽ vì hình thức nghệ thuật này tương đối dễ tiếp cận, và trong hiện thực được ghi lại qua cái nhìn và cảm nhận chủ quan của người chụp, một phần nào đó sự thật trần trụi được phơi bày.

Có thể kể đến thực hành ghi lại những tòa nhà cũ sắp bị phá dỡ để nhường chỗ cho công trình mới trong quá trình cải tạo đô thị. Như một phản ứng tự nhiên, nhiều nhiếp ảnh gia tự cho mình nhiệm vụ tư liệu hoá những công trình đang có nguy cơ biến mất, trong đó có Alexandre Garel, người Pháp hiện đang sinh sống tại TP.HCM. Khi được hỏi liệu nỗ lực chụp lại kiến trúc hiện đại và bản địa tại đây bắt nguồn từ nỗi lo ngại rằng Việt Nam sẽ mất đi những nét kiến trúc riêng, Garel trả lời thẳng thừng: “Đây không phải nỗi lo ngại mà chính là thực tế”. Xuất phát từ niềm yêu thích thẩm mỹ hình khối của môi trường tạo lập (built environment), những tấm hình kiến trúc kiểu mẫu của anh không chỉ chứa đựng cảm giác luyến tiếc dĩ vãng mà còn hàm ý bất đồng với xu hướng đô thị hóa còn nhiều vướng mắc.

© Alexandre Garel
© Alexandre Garel

Có gì đó gờn gợn khi một người Pháp đưa ra thẩm định về cái đẹp của môi trường nhân tạo hậu thuộc địa. Một luồng tư tưởng cho rằng quá trình cải tạo đô thị cũng có thể xem như một hình thức phi thực dân hóa, như nỗ lực đô thị hóa sau độc lập của Singapore đã phần nào xóa mờ lịch sử thuộc địa của quốc đảo này, cái mà kiến trúc sư Rem Koolhaas gọi là tabula rasa, hay “30 năm làm lại từ số không”. Nhưng khi tái thiết thành phố bằng những hình thái chung chung, phi lịch sử và thiếu vắng bối cảnh trong công cuộc chạy theo vốn đầu tư nước ngoài và mở rộng mức tiêu dùng của tầng lớp trung lưu, ta tự hỏi rằng liệu thành phố có đang đánh mất danh tính và sự định vị trong không gian và thời gian. 

Mặt khác, cũng cần xem xét lại cái nhìn lãng mạn đối với kiến trúc hiện đại và bản địa. Phải thừa nhận rằng nhà dân hay công trình công cộng xây dựng từ thế kỷ trước mang nét duyên dáng đặc biệt của thời gian. Thế nhưng từ ngoài nhìn vào, người quan sát dễ áp đặt ý nghĩa lên những hình khối xây dựng mà có thể khác hẳn với trải nghiệm sống của cư dân tại đây. Dự án The Alley (tạm dịch: Hẻm) của Wouter Vanhees khám phá ý tưởng này. Loạt hình của anh chụp những ngôi nhà cũ trong hẻm liền kề, phía sau là dãy chung cư cao tầng có phần đe doạ. Thoạt nhìn thì chúng có vẻ ngụ ý tới tương lai không xa mà nhà cao tầng sẽ xâm lấn lấy các ngôi nhà bản địa, gièm pha tính đồng hóa làm mất đi dấu ấn cá nhân. 

© Wouter Vanhees

Thế nhưng, khi xem kỹ hơn thì có thể thấy cái gì đó còn nhập nhằng. Một bức hình chụp người phụ nữ đứng trong khoảng sân ngăn cách bởi dàn hàng rào tạm bợ, ngước nhìn lên tòa chung cư cao tầng phía sau. Vì nhân vật quay lưng về phía máy ảnh, khó đoán được liệu cô đang e sợ những tập đoàn bất động sản sẽ nuốt chửng chỗ ở hiện tại, hay mong ước đến một ngày cũng được định cư trên căn hộ khang trang như thế. Cũng có thể là cảm giác phấp phỏng, ở giữa lưng chừng mà chính cô cũng đang tự vấn.

Diện mạo đồng phục của nhà chung cư không làm toát lên những biểu hiện cá nhân, giờ đây khuất sau những ô cửa đóng. Khu dân cư cũ và thấp thường khá mở, phơi bày những mối chuyện riêng tư và đặc thù riêng của mỗi hộ dân – một chủ đề nhiếp ảnh gia đường phố thường khai thác mặc cho nhân vật có đồng thuận hay không. Nhưng không thể mặc định rằng căn hộ chung cư khép kín chứng minh điều ngược lại. Nếu vậy, “cấu trúc vật chất của mấy tòa tháp đó chẳng khác gì một lớp áo mỏng của vẻ ngoài hiện đại, khoác lên để thúc đẩy hoài bão và ước vọng”, Wouter nhận xét.

© Wouter Vanhees
© Wouter Vanhees
© Wouter Vanhees

Chính vì lẽ đó, thay vì quan tâm tới hình thể kiến trúc, nhiều nhiếp ảnh gia hướng góc nhìn tới những sự kiện và cuộc sống sinh hoạt thường nhật của người dân. Cương Trần tích cực ghi chép những câu chuyện thú vị nơi anh sống và làm việc. Thu thập vô số lối sống khác nhau, tác phẩm của anh cho thấy những mảng màu đa dạng làm nên hơi thở sống động của Sài Gòn, một đặc tính không do những cấu trúc xây sẵn định hình, mà do tương tác của con người với chúng.

© Cuong Tran
© Cuong Tran

Đôi khi góc nhìn của anh chạm đến những vấn đề về xã hội. Khi ghi lại lối sống ít đặt nặng vật chất chốn ngoại ô, Cương đồng thời khắc họa sự chênh lệch trong mức độ phát triển giữa trung tâm thành phố và khu vực vùng ven. Mối quan tâm về môi trường xanh đặt ra câu hỏi liệu thành phố có đang đánh đổi tốc độ đô thị hóa cho sự đáng sống nơi đây.

Thu thập vô số lối sống khác nhau, tác phẩm của anh cho thấy những mảng màu đa dạng làm nên hơi thở sống động của Sài Gòn, một đặc tính không do những cấu trúc xây sẵn định hình, mà do tương tác của con người với chúng.

© Cuong Tran

Nhiều cư dân thành phố chủ động đi tìm trải nghiệm khác biệt nhằm xoa dịu cảm giác bất ổn trong cuộc sống đô thị. Nhựt Minh chụp những cảnh tượng bình yên hiếm thấy này, trong đó con người hòa mình với thiên nhiên, chìm đắm trong cuộc phiêu lưu ngắn hạn, không vướng bận những gì đang bỏ lỡ ở khu đô thị sầm uất bên kia sông.

Minh tình cờ bắt gặp khung cảnh này khi chính anh đang tìm cho mình một chốn bình yên. “Việc lang thang ở những nơi tách biệt với thành phố vào cuối ngày giúp mình giải tỏa cảm xúc cũng như tạo thêm cảm hứng mới,” anh chia sẻ. Cảnh tượng dị thường của những đứa trẻ chơi đùa trên ống bê tông, hay đàn trâu đắm mình trong sắc lục lam biến ảo là một trong số vô kể những hình ảnh phong phú tồn tại ngoài phạm trù của đô thị. Thật vậy, môi trường tạo dựng vừa mở rộng, vừa hạn chế trải nghiệm sống; nhưng chính quá trình đô thị hóa đã khiến cái đô thị và cái phi đô thị giao thoa, tạo nên những khung hình bất ngờ mà qua đó khái quát lên thái độ của người dân về tính đối ngẫu và sự chuyển mình của thành phố.

© Nhut Minh
© Nhut Minh

© Nhut Minh

© Nhut Minh

© Nhut Minh

Nhiếp ảnh không nhất thiết phải mang tính ghi chép thuần túy; chúng hoàn toàn có thể là cách tác giả biểu đạt sự thật của riêng mình. Đạt Vũ chụp tĩnh vật tầm phào tìm thấy trên đường, mà có lẽ nói lên được – hoặc không – lối sống riêng của người dân tại một khu vực cụ thể. Một bức ảnh mô tả mấy tấm vải trải trên đường và dải phân cách. Có thể suy đoán hoàn cảnh đằng sau tấm hình này: ai đó, có thể thuộc tầng lớp trung lưu thấp, đã mưu mẹo tận dụng công trình công cộng thay cho giá phơi đồ.

© Dat Vu

© Dat Vu

© Dat Vu

© Dat Vu

Thế nhưng Đạt bật cười khi nghe lời diễn giải: “Nó không phải để hiểu, mà là để cảm”, anh tiếp lời. Chủ nghĩa hiện đại vốn đề cao lý tính và Đạt chẳng mảy may để tâm. Thay vì phản ánh một hiện thực nằm ngoài tác giả, tác phẩm của anh cho thấy hiện thực qua lăng kính chủ quan và có phần châm biếm. “Nhiếp ảnh đối với tôi là tự sự. Nó ghi lại tôi đã đi đâu, làm gì, tạo ra một quá khứ tôi muốn giữ, muốn có.” Với sự phát triển và biến đổi không ngừng của thành phố, điều anh sợ không phải là mất đi diện mạo đô thị, mà là những ký ức gắn liền với chúng.

© Lien Pham

Thú vị thay, thành phố vẫn có sự hiện diện rõ rệt cả trong những dự án ảnh mang tính nội tâm.  Ta thấy điều này trong dự án Trở về của Liên Phạm, được thực hiện trong lần tác giả quay về Sài Gòn với mong muốn thấu hiểu và hàn gắn xúc cảm hỗn độn của chính mình. Với bối cảnh chính là không gian nhà ở, các thành viên trong gia đình cô xuất hiện trong những tình huống lạ lùng, ẩn ý những mâu thuẫn ngầm. Câu chuyện đời tư được kể một cách mơ hồ; không nói rõ nguyên cớ gì gây nên những phiền muộn này. 

Qua trao đổi, Liên hé lộ đôi chút về quá trình phát triển dự án. Nhiều cảnh trong hình được dàn dựng từ quan sát của cô về người thân trong quá khứ và những gì họ chia sẻ mà cô không tận mắt chứng kiến. Sử dụng ngôn ngữ thị giác có khả năng mô phỏng thực tế, Liên tái hiện hình dung của mình về người thân, đồng thời tái tạo những khoảnh khắc thường nhật với họ trong không gian riêng mà cô từng bỏ lỡ. Sau quãng thời gian sống xa nhà, quá trình này giúp Liên một lần nữa kết nối với gia đình và thành phố nơi mình sinh ra và lớn lên.

© Lien Pham

Từ những bức hình của Liên và Đạt, ta quan sát thế giới, hay “giấc mơ” của họ, theo cách nói của Đạt. Những câu chuyện thị giác bé nhỏ này cá nhân và cụ thể, thường chẳng thể hiểu thấu đáo, lại càng khó hơn khi chắp vá lại thành một mớ bòng bong. Nhưng chúng chối bỏ cách hiểu theo lối giản hóa về mặt kinh tế và kiến trúc vĩ mô. Nhờ đó, ta nhận được chiếc kính vạn hoa soi chiếu những mảnh ghép muôn màu của Sài Gòn, hay TP.HCM, hay bất kỳ tên nào mà ai khác muốn gọi nó, ở những dạng thức chân thật nhất. 

Trước khi kết thúc phỏng vấn, tôi đều hỏi mỗi nhiếp ảnh gia rằng họ nghĩ gì về tương lai của thành phố trước dòng chảy đổi thay. Một số đã chuẩn bị cho viễn cảnh mà chả còn ai còn nhận ra được, nơi khó sống trên phương diện kinh tế, xã hội, và môi trường; khi đó họ sẽ không ngần ngại rời đi. Số khác thì lạc quan hơn. Mặc cho quang cảnh về môi trường đô thị không mấy sáng sủa, Cương nhận xét, “Qua quá trình tiếp xúc với người dân, anh thấy rằng Sài Gòn vẫn duy trì được sự bao dung của mình. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng Sài Gòn vẫn là nơi dễ sống.”

Ngay cả với vô số hình chụp, tương lai chỉ có thể phỏng đoán, không bao giờ thực sự biết trước được. Chúng sẽ vẫn là kỷ vật để ta sống lại những tình cảm riêng và chung neo lại ở thành phố này, nơi đã quá thân thương để có thể thực sự chia ly, dù chỉ là trong tâm thức.


Đan Trần hiện đang theo học tại Đại học Quốc gia Singapore. Tập trung vào Đông Nam Á, anh viết về điện ảnh, kiến trúc, và nghệ thuật thị giác.