Phấn khích xen lẫn hãi hùng khi tôi lần đầu lật giở cuốn sách về nhiếp ảnh gia, thi gia Ren Hang quá cố. Những bức ảnh vốn chỉ quen xem trên màn hình máy tính nay thành hình trên giấy. Thân thể trần truồng – chủ đề chính trong đây – mời gọi vuốt ve, đơn giản chỉ là đầu ngón tay lướt nhẹ trên trang sách.
Được đặt tên theo tác giả, ấn bản Ren Hang bởi Taschen được quảng bá là tuyển tập ảnh đầu tiên của anh dành cho độc giả quốc tế. Thế nhưng khi anh tự kết liễu đời mình ít lâu sau khi ra mắt sách vào năm 2016, cuốn sách lại trở thành một kho lưu trữ quan trọng về gia tài nghệ thuật anh để lại. Vai trò làm tài liệu tham chiếu lại càng rõ rệt bởi trang web gốc, mái nhà cho biết bao tác phẩm thuở nào, đã không còn. Mạng xã hội với cơ chế kiểm duyệt gắt gao cũng không cho phép đăng tác phẩm nguyên gốc. Còn đâu tinh thần nghệ thuật khi ảnh bị bôi đen không thương tiếc.
Khó lòng xem nhẹ Ren Hang, cuốn sách nặng gần hai ký, dày hơn 300 trang, bìa cứng bọc vải một màu đỏ thắm. Đỏ là màu của tình yêu say đắm, cũng là màu của bạo lực và hiểm nguy, như thể xem ảnh là nếm trái cấm. Quả thật, trang bìa ám chỉ quốc kỳ Trung Hoa, nhưng thế chỗ ngôi sao vàng lại là chân dung người bạn đời của Ren Hang đang mơn trớn hõm nách của mình.
Thái độ khiêu khích, đặc biệt trong bối cảnh chính quyền chuyên chế, từ lâu đã được cho là gắn liền với thực hành nhiếp ảnh của anh. Nhưng bất kỳ người hâm mộ nào cũng biết anh vô tư lự và chẳng có mưu đồ chính trị gì. Thấy gì đẹp, anh chụp không ngơi nghỉ. Cái đẹp theo ý thức sống của Ren Hang – cơ thể trần trụi nõn nà với bộ phận sinh dục phơi bày – thường không được nhìn nhận như một đối tượng biệt lập mà lại bị đo lường theo khuôn khổ đạo đức của xã hội sở tại. Bởi thế mà anh đã không ít lần gặp rắc rối với chính quyền. Trong một lần phỏng vấn, Ren Hang chia sẻ anh không coi việc bị bắt giam như biểu hiện của sự thực thi quyền lực mà chỉ là chút sự cố cỏn con trong công cuộc mang cái đẹp đến với đồng bào.
Mong muốn ấy của anh có phần chệch với mục tiêu cuốn sách đề ra: phổ biến đến độc giả quốc tế một tầng lớp giới trẻ Trung Quốc phóng túng, dạn dĩ thể hiện tính dục và cả những ham muốn bị gán mác truỵ lạc. “Tôi không muốn người khác nghĩ rằng người Trung Quốc là rô-bốt không cặc không lồn, hay là có bộ phận sinh dục nhưng lại khư khư che đậy như thể báu vật riêng. Tôi muốn nói cặc và lồn của chúng tôi chẳng có gì đáng xấu hổ,” trích dẫn từ phần giới thiệu.
Ảnh nối tiếp ảnh, anh chụp liên tục như thể bị ám. Hiện thân của cái đẹp trong mắt Ren Hang là những người trẻ gầy guộc, gần như lúc nào cũng loã thể, nữ tóc dài đen nhánh, nam húi cua, làn da trắng lợt không tì vết trước ánh đèn flash rọi thẳng. Bày ra trước ống kính là âm hộ banh rộng và dương vật cương cứng, điểm xuyết bằng thuốc lá, môi son và móng tay đỏ. Hoa và thú chung vui trong những sắp đặt vừa rùng rợn, vừa hài hước: cành hồng lởm chởm gai chỉ chực chọc thẳng vào háng, bạch tuộc nhớp nháp nằm trên đầu, xúc tu bện cùng lọn tóc. Nhiều bức khiến người xem tưởng như đang liếc trộm một màn làm tình thăng hoa, lúc thì trên sân thượng nhìn ra quang cảnh đô thị vô danh, lúc thì ngoài thiên nhiên xanh mát, hoặc trong một bể cá lạ lùng thay lại an vị trên giường khách sạn. Bên cạnh vòng tay và đôi môi khóa chặt còn có những cử chỉ ân ái như liếm chân hay tiểu tiện vào nhau. Ren Hang cũng ưu tiên lột tả thẩm mỹ tạo hình của cơ thể: một ngôi sao tỏa tròn được xếp từ nhóm người nữ trong tư thế đan xen, bố cục đối xứng cấu thành bởi một mẫu nam giấu mình sau hai dương vật. Đôi khi một bộ phận được phóng đại, uốn vặn thành hình khối trừu tượng – những bờ mông san sát như đụn cát trập trùng, người giăng qua cành cây, cặp đùi thon thả đung đưa, dang vừa đủ để lộ vùng kín trước mắt kẻ nhìn.
Hiển nhiên những bức hình này không đại diện cho giới trẻ Trung Quốc, mà chỉ bao hàm số ít những ai đủ táo bạo, hay là đủ dại dột, để dám phô bày những gì thuộc về chốn riêng tư. Tuy thế, với sức ảnh hưởng của Ren Hang, chúng đưa ra một tuyên ngôn phản kháng thành kiến về tính dục châu Á. Ngay thời điểm hiện tại, quan niệm phổ biến vẫn cho rằng xã hội Âu Mỹ mới cho phép tự do tình dục, còn văn hoá châu Á vẫn coi đây là chủ đề cấm kỵ. Dựa trên logic đối lập nhị phân, tính dục châu Á vẫn bị coi là thấp kém: đàn ông thì nhỏ bé và kém cỏi trong chuyện chăn gối so với đàn ông da trắng lực lưỡng và nam tính; trong khi phụ nữ lại được coi là của lạ biết vâng lời trong ảo tưởng dục vọng của phương Tây.
Tác phẩm của Ren Hang gỡ rối tính dục châu Á ra khỏi mạng lưới ý niệm này. Hình ảnh vừa là trò tiêu khiển cho nghệ sĩ, bạn bè và cộng đồng nhỏ của anh, nhưng cũng đồng thời là minh chứng trực quan rằng người châu Á sở hữu giới tính và xu hướng tính dục của mình. Ham muốn nhục dục là của riêng họ, và chỉ cần mình họ thấu hiểu mà thôi. Liệu hình ảnh có vi phạm quy tắc đạo đức hay phục vụ suy tưởng hoang đường của ai khác hay không chỉ là thứ yếu.
Cũng cần cẩn trọng khi sử dụng “châu Á”, “tính châu Á”, “người châu Á”, những thuật ngữ có khả năng đồng hoá các sắc thái và lịch sử riêng của một châu lục quá mênh mông và đa dạng. Trên thực tế, Ren Hang chưa bao giờ nhắc đến người châu Á mà chỉ nói về người Trung Quốc. “Người châu Á” ở đây có ý đơn thuần là một định danh cho bất cứ ai coi mình thuộc chủng tộc này, và theo tôi suy đoán, họ có thể tìm thấy trong ảnh anh những mảnh ghép của tính dục của mình. Với độc giả châu Á, Ren Hang mang tới một rương hình gợi cảm đầy ắp cơ thể có nhiều nét tương đồng hơn là những gì xuất hiện trong ảnh của Ryan McGinley và Terry Richardson. Bối cảnh và đạo cụ có chăng cũng bắt nguồn từ một nơi chốn quen thuộc hơn vùng đất của Guy Bourdin và Robert Mapplethorpe. Một cách vô tư, những cử chỉ trần tục của Ren Hang góp phần nới rộng nhận thức về tính dục châu Á. Tác phẩm của anh là lát cắt mỏng trong lãnh địa bao la ấy, giúp độc giả châu Á định hình biểu hiện tính dục, giải phóng những uẩn ức khó nói, hay đơn giản là tìm cái bình thường trong những gì được coi là “dị biệt”.
Không có gì để bàn cãi về thành công của cuốn sách trong việc giải thiêng những định kiến về tính dục người Trung Quốc và châu Á nói chung. Nhưng tôi vẫn dè dặt trước cách Ren Hang được khắc họa thông qua đây. Không hẳn là vì nó cường điệu hoá sự dung tục; chính tác giả cũng coi tác phẩm của mình khiêu dâm hơn là gợi tình. Điều làm tôi lấn cấn là lối trình bày khá một chiều, đặc biệt khi đặt cạnh những ấn phẩm anh tự xuất bản về chủ đề “tình yêu và sự tồn tại”. Ví dụ, số tháng 06/2016 là một chuỗi ảnh đôi bao gồm mặt biển gợn sóng và nhóm mẫu nữ khoả thân vui đùa trên nước; số tháng 11 xen kẽ chân dung với cảnh vật hiền lành trìu mến. Những ấn phẩm khiêm tốn này gợi ra một Ren Hang thật khác biệt, một người có nhiều mối quan tâm đa tầng lớp cũng như định hướng sáng tạo nhất quán về trải nghiệm đọc. Điều này đi ngược với nội dung sách, thứ mà trông như muốn tạo tin giật gân hơn là mang lại một hình dung lớp lang về tác giả.
Nếu bỏ qua vai trò đưa ra giới thiệu tổng quan, dễ thấy cuốn sách sa đà khai thác những hình ảnh đã làm nên tên tuổi anh thay vì soi chiếu những góc cạnh khác trong di sản của Ren Hang. Bằng cách kích động yếu tố gây sốc nhằm lật đổ quan niệm phương Tây về tính dục của người Trung Quốc, cuốn sách vô tình đã chủng tộc hoá chủ thể: họ được nhìn nhận trước hết là người Hoa, người Á, sau đấy mới đến là thực thể tính dục. Nhãn quan phương Tây vẫn bao trùm, tiếp tục nhận định cơ thể người châu Á là thứ ngoại lai dị hợm.
Giờ đã giã từ chốn trần gian, Ren Hang không thể nào lên tiếng. Nhưng đây là chuyện nhỏ; có vẻ anh chưa từng để ý tác phẩm được người khác tuyển chọn và trưng bày thế nào. Miễn là những ai quan trọng với anh – giới trẻ trong nước, người theo dõi, hay đơn giản là bạn bè, người yêu – hiểu và thích thú với những gì anh kiến tạo, thì anh đâu cần gì nữa. Nếu mà anh còn để tâm đến điều gì nơi đây.