Triển lãm ảnh Hội Chẩn tại Không gian nghệ thuật Manzi đã âm thầm thu hút hơn 2000 khán giả vào tháng 12 vừa qua, với 8 dự án nhiếp ảnh được thực hiện trong khoá học dài hạn do nghệ sĩ Jamie Maxtone-Graham hướng dẫn tại Hanoi Doclab. Như tiêu đề lấy từ thuật ngữ y học, Hội Chẩn là cuộc tái khám nghiệm những khoảng không riêng tư của một nhóm tác giả trẻ khác, tiếp nối triển lãm tổng kết khoá học lần một Autopsy of Days từ năm 2013 với ý niệm tương tự.
Hội Chẩn không tập trung vào chủ đề sáng tác cụ thể nào. Điều này phản ánh lối tiếp cận mở của khoá học nhiếp ảnh kéo dài 3 tháng, nơi mỗi học viên được khuyến khích theo đuổi đề tài có ý nghĩa với riêng mình cũng như cách thực hiện hình ảnh phù hợp. Chính vì thế, các tác phẩm đều mang tính cá nhân và riêng tư cao. Chúng đưa tới những khả năng khác nhau của nhiếp ảnh và không ngại thách thức ngược lại chính phương tiện này.
Trong tác phẩm đầu tiên mang tên Đỏ Xanh Truyện, Nguyễn Thị Huệ mượn những giọt màu chuyển động trong nước để nói lên mối quan hệ giữa cô và bố mẹ. Tác giả chia sẻ cô đã từng thử chụp chân dung họ nhưng không thoả mãn với hình ảnh quá trực diện, nên quyết định sử dụng màu sắc để tái hiện, gợi mở những cảm xúc vô hình. Tác phẩm không cần nhiều giải thích mà dựa vào cảm nhận trực giác của khán giả trước màu sắc và chuyển động. Tác phẩm Một Thế Giới Khác của Hạnh Trần cũng mang tính thị giác cao; cô sử dụng hiệu ứng âm bản khiến những vật thể nhỏ như vỏ ốc, cỏ dại hay sàn gỗ khoác lên mình một vẻ liêu trai kỳ bí.
Cách trưng bày đã giúp một số tác phẩm thêm một lớp nghĩa mới. Câu chuyện về những giằng xé trong mối quan hệ tình cảm của Hà Đào được chia thành bốn cụm xếp đối xứng nhau qua tấm ảnh trung tâm, cũng là tấm ảnh duy nhất có hai người ở cạnh nhau. Chân dung tác giả đối xứng với chân dung người bạn gái, như thể họ đang nhìn nhau và soi chiếu mình trong nỗi mất mát của người kia. Bộ ảnh là lời tự sự thành thật về thăng trầm của một mối tình, về những cảm xúc thầm kín mà tác giả cho rằng ai cũng có một lần trải nghiệm. Chủ đề về sự đổ vỡ đầu đời cũng xuất hiện trong ảnh Lê Xuân Tiến được trưng bày trên tầng hai, nhưng mơ hồ hơn và nhiều ẩn dụ hơn.
Từ ô cửa sổ của tầng một không gian Manzi, người xem có thể “mặt đối mặt” với chân dung đầy ám ảnh của người dân Dương Nội, những khuôn mặt như nửa chờ đợi nửa dò xét công chúng nghệ thuật. Khi bước tới con ngõ kế bên để tới gần tác phẩm, khán giả sẽ phát hiện ra những tấm ảnh khác treo ở mặt sau của toà nhà. Dự án ảnh này đã được chia sẻ trên trang Facebook Chuyện Của Thịnh nhưng cách bố trí đã khoác lên bộ ảnh một hình hài mới trong triển lãm. Chúng hoà lẫn với không gian và như ngụ ý rằng những số phận ngoài lề xã hội dù ít được để ý vẫn luôn tồn tại một cách lặng lẽ.
Dọc theo lối cầu thang lên tầng hai là bộ ảnh Mom-me của Việt Vũ, có thể xem xuôi hoặc ngược tuỳ theo chiều đi của khán giả. Đây không phải những hình ảnh về tình mẫu tử như hình dung thông thường. Bộ ảnh có thể được coi là một bài test tâm lý, gợi phản ứng khác nhau từ khán giả dựa trên trải nghiệm và quan điểm của riêng mỗi người.
Những hình ảnh mơ màng về người phụ nữ trong cuộc sống thôn quê nằm rải rác, ở trung tâm là hai tấm ảnh khoả thân cỡ lớn. Tác giả Việt Vũ chia sẻ rằng anh chụp bà như một người con chụp mẹ thay vì một nhiếp ảnh gia chụp đối tượng. Xuyên suốt quá trình thực hiện tác phẩm, anh luôn trăn trở với câu hỏi làm thế nào để đến gần được con người này nhất, và ảnh khoả thân là câu trả lời đủ thoả đáng. Cơ thể hằn dấu thời gian của người mẹ trở thành một cánh cổng giúp anh bước vào thế giới nội tâm của bà, để kiếm tìm và hàn gắn những đứt gãy, cũng như bện chặt thêm những kết nối đã thành hình.
Đi qua phòng tranh trên tầng là nơi trưng bày hai tác phẩm cuối, có phần tinh quái và mang màu sắc khác những câu chuyện nội tâm dưới tầng một. Choán hết một khoảng tường là tác phẩm 112 với diện tích hơn 4 mét vuông của Nguyễn Đức Huy, ghi lại quá trình những quả quýt thối dần trong 112 ngày. Hiệu ứng chuyển màu (gradient) từ cam rực đến mốc meo xám xịt gây ấn tượng mạnh, kéo người xem vào dòng thời gian đang chạy trước mắt với câu hỏi tác giả đặt ra: Những quả quýt đã chết vào thời khắc nào? Vô tình hay hữu ý, tác phẩm của Huy cũng đặt câu hỏi về khái niệm thời gian và cái chết – những đặc tính cơ bản của nhiếp ảnh.
Mai Phạm mang đến ảnh chụp đường phố kiểu mới. Bộ ảnh thoáng qua như được chụp ngẫu nhiên, nhưng nhìn lâu hơn sẽ phát hiện ra khá nhiều “trứng phục sinh” ẩn nấp trong mỗi khuôn hình bận rộn, thoáng chút mỉa mai nhưng rất nhẹ nhàng. Không theo đuổi khoảnh khắc quyết định hay ánh sáng vàng thường thấy trong ảnh đường phố, Mai khắc hoạ thủ đô Hà Nội như một thực thể sống mang trong mình nhiều chuyển động lẫn xung đột, nơi được định hướng tới sự thịnh vượng và hiện đại nhưng chưa thể rũ bỏ những lề thói cũ.
Hội Chẩn khẳng định sự dấn thân trong sáng tác và sẵn sàng thử nghiệm hướng đi mới của những người mới bước những bước đầu tiên trong hành trình làm nghệ thuật. Đây cũng là một thách thức không nhỏ đối với Jamie Maxtone-Graham xuyên suốt 3 tháng sát sao với học viên. “Thách thức của tôi dưới tư cách người hướng dẫn là thấu hiểu mỗi cá nhân đang phải trải qua những gì và giúp họ kết nối với ý tưởng trọng tâm trong tác phẩm của mình. Bởi vì mọi thứ đều mới mẻ và mơ hồ, họ rất dễ cảm thấy lạc lối và không thoải mái. Công việc của tôi là giúp học viên hiểu rằng ta sẽ học được nhiều nhất chính tại thời điểm khó khăn nhất.” Trong Hội Chẩn, các tác giả đã phần nào khám phá mối quan hệ của họ với cuộc sống và với nhiếp ảnh, một công cụ giúp họ khám phá, soi chiếu, biểu đạt, kết nối và kể câu chuyện của chính mình, để từ đó hé mở cánh cửa tới những thực tại khác.