Cầu Long Biên trên ảnh là một biểu tượng văn hoá lâu đời của Hà Nội, ngoài đời thực là xóm cư ngụ ổ chuột của dân lao động tứ xứ nhiều năm nay. Khi được yêu cầu chụp Long Biên, tác giả thường đứng giữa ngã ba đường: hoặc tiếp tục miêu tả “chứng nhân lịch sử” đã tồn tại cả thế kỷ hoặc ghi lại những câu chuyện không mấy đẹp đẽ là thực tế dưới chân cầu. Còn nhiếp ảnh gia người Pháp Boris Zuliani lựa chọn rẽ ngang bằng cách chụp chân dung những cặp đôi tình tứ dọc cầu Long Biên bằng film lấy liền polaroid mà không nhằm mục đích nói lên thông điệp gì sâu sắc.
“Tôi không cần phải nói nhiều, bản thân polaroid đã là một ngôn ngữ rồi”
Thoạt nhìn bản scan còn nguyên cả viền phim của Boris vừa cũ mà lại vừa như không có tuổi. Tông màu nhẹ nhàng của film hết hạn luôn mang tới cảm giác hoài niệm, mà cây cầu ở hậu cảnh thì trăm năm nay vẫn “bắc qua sông bằng sắt thép già nua” (*). Người xem chỉ có thể dò đoán bằng cách quan sát kĩ những nhân vật trong hình: những kiểu quần áo, tóc tai, giày dép họ mang tới buổi hẹn hò thuộc một thời nào đấy. Dù vậy cũng thật khó để biết được chính xác những tấm hình này được chụp từ năm nào, bởi đã từ rất lâu rồi, người trẻ yêu nhau đã lê la đi uống trà chanh trong cốc nhựa và đỗ xe trên cầu, nơi gió mát thổi từ sông Hồng và không gian riêng tư gói gọn trên yên xe máy tạo nên khung cảnh phần nào lãng mạn. Quay lưng lại với dòng xe cộ hối hả không ngừng, họ tụ tập dọc cây cầu cũ xưa này, một trong số ít nơi chốn tại thủ đô mà cho phép các cặp đôi thể hiện tình cảm nơi công cộng.
Boris đang sống tại Hà Nội khi công ty Polaroid đưa ra quyết định ngừng sản xuất film năm 2009. Dốc hết số tiền anh có thể vào lúc ấy và bằng cách kì diệu nào đó, anh đã chuyển được 121kg film polaroid về đây để dùng dần – không một nhân viên hải quan nào tin được số lượng film lớn như thế chỉ cho mục đích chụp ảnh cá nhân mà không để kinh doanh.
Một năm sau, anh tiến hành chụp Người Tình Long Biên cho dự án nhóm Buổi Chiếu Bóng Long Biên, với chủ đề là mỗi cá nhân nghệ sĩ tham gia sẽ tự do sáng tác mà không cần ép mình theo ý nghĩa cụ thể nào. Với mấy chữ tiếng Việt nghèo nàn, Boris đi loanh quanh xin phép mọi người để anh chụp họ với chiếc máy Linhof lỉnh kỉnh và đèn pin Xenon. Dù nhân vật chọn tạo dáng hay ngồi tự nhiên, họ phải giữ nguyên tư thế trong quãng thời gian phơi sáng 1 phút. Khi màu mực hiện lên, kết quả là những tấm chân dung kỳ ảo với ánh sáng vàng từ cột đèn, những vệt trắng dài của dòng xe cộ đằng sau và từ đèn pin nhiếp ảnh gia dùng để chiếu vào nhân vật.
Boris không có gì để bày tỏ về dự án ảnh này, ý tưởng nghệ thuật hay tính xã hội của nó. Anh cũng không nói nhiều về chuyện tiếp cận những cặp đôi trẻ lúc ấy như thế nào và tại sao họ, lạ lẫm với cả người Tây và việc chụp ảnh, lại đồng ý để anh ghi lại những giây phút riêng tư. Boris tái tạo lại thế giới theo cách riêng của anh bằng công cụ film được tuyên bố là đã hết thời, nhưng nhân vật của anh trông lại thật hợp thời và sống động. Anh chỉ đơn giản là thích giao tiếp với mọi người, sáng tác bằng film lấy liền, và quan sát sự bất ngờ của họ khi nhận một tấm ảnh làm quà: “Tôi không cần phải nói nhiều, bản thân polaroid đã là một ngôn ngữ rồi”. Hiển nhiên là cái đẹp của polaroid cần được nhìn thấy và cảm nhận hơn là được mô tả bằng lời.
(*) trích thơ Xuân Quỳnh.
Boris Zuliani là một nhiếp ảnh gia thời trang người Pháp sống tại Hà Nội sống từ năm 2007. Ngoài các công việc với NỘI Pictures, Boris thực hiện những dự án cá nhân ghi lại tư liệu đất nước con người tại nhiều nơi trên thế giới bằng film lấy liền. Năm 2010, anh trở thành một số ít những nhiếp ảnh gia được chọn tham gia The Impossible Project, một tổ chức với nhiệm vụ phục hồi film Polaroid.
Kết nối với Boris tại Instagram.