On Photography được xuất bản năm 1977 là tuyển tập những tiểu luận về nhiếp ảnh xuất sắc nhất của cây viết người Mỹ Susan Sontag. Ngay từ khi mới ra mắt, những phê bình sắc sảo về vai trò của nhiếp ảnh trong xã hội trong sách đã nhanh chóng trở thành một tài liệu nghiên cứu quan trọng cho những ai yêu thích loại hình thị giác này.
Mới đây, cuốn sách đã được Trịnh Lữ dịch hoàn thiện sang tiếng Việt và chuẩn bị được Nhà sách Phương Nam xuất bản tới đông đảo độc giả. Trịnh Lữ có thể là cái tên lạ với cộng đồng nhiếp ảnh, nhưng ông đã có một sự nghiệp dài gắn bó với hình ảnh và văn học. Ông là hoạ sĩ tự do, là dịch giả nhiều cuốn tiểu thuyết nổi tiếng như Rừng Nauy và Cuộc đời của Pi, và cũng từng có cuộc chơi với nhiếp ảnh trong thời gian làm việc tại New York. Sau quá nhiều lời đề nghị, Trịnh Lữ quyết định đọc và dịch On Photography chỉ vỏn vẹn trong vài tháng. Tuy cuốn sách đã được viết cách đây nửa thế kỷ, ông chia sẻ rằng những suy nghĩ của tác giả không hề lạc hậu, mà trái lại động đến những vấn đề rất sâu sắc về mặt triết học, xã hội và nghệ thuật.
Với những ai chọn theo đuổi nhiếp ảnh như một nghề, Bàn Về Nhiếp Ảnh sẽ giúp bạn khảo sát thực hành chụp ảnh của chính mình, đưa cho bạn những góc nhìn mới về quyền năng của hình ảnh. Không chỉ là nền tảng kiến thức cho người chụp, cuốn sách còn giúp người xem tăng khả năng “đọc”, giải mã ảnh, đặc biệt có ích trong bối cảnh văn hoá thị giác ngày càng phát triển, yêu cầu sự tích cực trau dồi tư duy hình ảnh từ công chúng.
Cuốn sách phân tích ảnh của nhiều tác giả phương Tây đầu thế kỷ XX, với tư tưởng mới và lối hành văn phong phú có thể gây nản lòng những ai không đủ tò mò. Không thể đọc cuốn sách này với mong đợi tìm được câu trả lời bao quát gãy gọn nào, bởi bạn sẽ gấp sách lại với càng nhiều câu hỏi. Nhưng có lẽ điều quan trọng nhất là độc giả có thể thách thức chính những nhận định của tác giả, đưa ra và tham gia các tranh luận để tiếp tục đẩy hiểu biết về nhiếp ảnh đi xa hơn.
Vào buổi ra mắt sách ở Hà Nội vừa qua, Matca đã có một trò chuyện thân mật với dịch giả Trịnh Lữ về suy nghĩ cá nhân của ông trước một số luận điểm đáng chú ý trong cuốn sách.
Nhiếp ảnh ngày nay đã trở thành một hình thức giải trí phổ biến rộng rãi, Susan Sontag so sánh là giống như “tình dục và khiêu vũ”. Vậy theo chú khi nào nhiếp ảnh trở thành một loại hình nghệ thuật?
Nhiếp ảnh đã phải đấu tranh rất lâu để được công nhận là nghệ thuật. Nói nhiếp ảnh là nghệ thuật thì không có gì sai, nhưng những người đi vào ảnh nghệ thuật đã biến nó thành một thứ khác hẳn và có mục đích khác hẳn. Cái ranh giới phân định khó là do công cụ nhiếp ảnh không có sự phân biệt, ai cũng có thể dùng được quá dễ dàng.
Có một định nghĩa về nghệ thuật mà chú rất thích: “Nghệ thuật là lao động điêu luyện”. Một người thợ mộc, thợ gốm hay thợ cơ khí, khi đã đạt đến cái đạo của nghề, họ tạo ra nghệ thuật chứ không chỉ là những vật dụng thông thường. Bạn đi vào nhiếp ảnh với một ý thức và công việc như thế thì nó là nghệ thuật, nếu tranh cãi chỉ có hội hoạ mới là nghệ thuật thì vô lý và có phần hẹp hòi.
Sau này Sontag có tranh luận rằng khi nhiếp ảnh trở thành nghệ thuật và ở trong môi trường của phòng triển lãm, nhiều sự chú ý sẽ hướng về bản thân tấm ảnh hơn là về chủ thể. Nói cách khác, hình thức tấm ảnh được chú trọng hơn là nội dung. Chú nghĩ sao về điều này, nhất là khi ảnh trước đây chỉ được nhìn nhận là một hình thức lưu trữ tư liệu?
Nếu hình ảnh không diễn đạt, khơi gợi hay chuyên chở được gì thì nó sẽ chỉ là một tấm ảnh bình thường. Khái niệm về nghệ thuật đối với mọi người phải là một cái gì đấy đèm đẹp. Nhưng thật ra để tách rời hình thức và nội dung là không thể. Cái đẹp chỉ có hình thức mà không truyền tải được nội dung thì sẽ rỗng tuếch. Cái đẹp ở đây nó chỉ là trang trí, là mối quan hệ của bố cục và màu sắc, và nếu tác phẩm không vượt qua được điều này nó sẽ chết. Tác phẩm cần phải có năng lượng, sức sống, phải có một cái gì đấy khơi gợi, làm người ta phải tìm hiểu.
Nhưng liệu hình ảnh đẹp có làm mất đi giá trị hiện thực ?
“Khi đẹp thì không thể thực tế” – đây là một cái bẫy. Thế nào là không được đẹp và thế nào là thực tế?
Đúng, thực sự là con người đang thích nhìn vào những bức ảnh hơn là thực tế. Mắt của mình cũng như lối nhìn bị nhiếp ảnh chi phối hoàn toàn, cũng như nghệ thuật đã bị chi phối bởi quảng cáo. Và đúng như Sontag nói, nhiếp ảnh là siêu thực nhất, siêu thực hơn cả những thể loại nghệ thuật khác.
Cái tai hại là nó khiến mình sống xa rời với thực tế mà chỉ nhìn vào hình ảnh. Thử nghĩ xem có bao nhiêu người đã nhìn vào ảnh rồi khi trải nghiệm thực tế và nghĩ rằng “ôi sao trông ảnh đẹp thế mà ngoài đời lại thế này!”
Về mặt tâm lý xã hội, đấy là cái nguy hiểm và khiến mọi thứ giả tạo dần đi. Thế nào là nhiếp ảnh chân chính, thế nào là hiện thực sẽ càng khó để có thể trả lời.
Cháu nghĩ nhiếp ảnh sẽ không bao giờ là hiện thực cả vì khi nhìn qua ống kính, người chụp đã lựa chọn khuôn hình của mình và bỏ lại những thứ hiện hữu khác ra ngoài.
Nhưng nếu không chỉnh sửa thì mục đích đó là sự thật của mình, của người chụp.
Nhiếp ảnh với mục đích ban đầu là khám phá cái đẹp, nhưng sự phát triển quá ồ ạt của nó đã khiến nhiếp ảnh trở thành tiêu chuẩn cái đẹp mà mọi người đi theo thay vì sáng tác cái mới. Theo chú điều này có đang ảnh hưởng xấu đến nhiếp ảnh và thẩm mỹ công chúng? Liệu sự ồ ạt của nhiếp ảnh có đang tự hại chính nó?
Chú không nghĩ vậy. Tiêu chuẩn cái đẹp luôn khác nhau. Trong sách có nói về tác phẩm của Diane Arbus, vẻ đẹp trong ảnh ở đây là của sự kinh khủng, nhưng đó là điều mà nhiếp ảnh gia muốn truyền đạt. Điều đó khiến tác phẩm có sự sống, nó đưa người xem đến một thế giới khác thực tại mà họ phải chấp nhận.
Cuộc sống này luôn có nhiều thứ và đề tài là vô hạn. Nếu mình bắt chước làm giống hệt, đi theo lối mòn cái đẹp, ảnh sẽ trở nên nhàm chán. Nếu đọc cuốn sách, các bạn thực hành nhiếp ảnh sẽ thấy có rất nhiều gợi ý, mình không biết đến nhưng họ (nước ngoài) đã làm từ lâu, họ thử nghiệm hay đi tìm những vấn đề, câu chuyện rất cụ thể và ý nghĩa. Câu hỏi thì ở đâu cũng vậy, nhưng câu trả thì lời mỗi người mỗi khác.
Chú có nghĩ đa phần nhiếp ảnh Việt Nam đang đi theo lối mòn cái đẹp đó? Liệu người chụp và người xem ảnh có cần trang bị cho mình những kiến thức nhất định về ngôn ngữ thị giác, đặc biệt là khi hình ảnh có khả năng truyền tải câu chuyện của người khác và kể không tròn sự thật dẫn đến tạo định kiến sai lệch?
Chú không dám đưa ra nhận định về nhiếp ảnh Việt Nam vì không theo dõi. Nhưng ở Việt Nam đa phần vẫn chụp ảnh với tư tưởng du lịch. Bao giờ ảnh cũng phải đèm đẹp, khung hình phải “exotic”, chụp người thiểu số là bắt mắt nhất, người già thì phải thế này, em bé phải thế kia. Và những tấm ảnh như vậy chú nghĩ chỉ dừng lại ở ảnh du lịch chứ khó có chân trên bản đồ nhiếp ảnh thế giới.
Tuy nhiên, cái gì cũng có đối tượng ở các tầng mức khác nhau, mình không thể bắt họ hiểu như mình và được trang bị như mình. Khi nói ai cũng phải như ai là không thể được. Trong việc gì cũng thế, mỗi nơi có thị trường riêng. Mình phải xác định mình đi vào đâu và phải chấp nhận sẽ chỉ có được sự đồng cảm từ những người giống mình, không thể nào đòi hỏi mọi người đều như mình được.