Hình thức và nội dung của ảnh ‘xấu’.
Cặp đôi đang khiêu vũ, người đàn bà bỗng phá lên cười. Chỉ nhìn liếc qua ảnh của Winogrand thì thấy vậy, nhưng ngắm lâu hơn, ta sẽ thấy người đàn bà kia như biến sắc. Cô cười điên dại với khuôn miệng há to và cồn cào như mở ra một khoảng trống hoác. Bàn tay đầy móng vuốt sắc tỳ chặt lấy vai người đàn ông. Điệu nhảy sôi nổi bỗng trở nên dữ dội, vây quanh bởi bóng tối.
Garry Winogrand, nhiếp ảnh gia đường phố người Mỹ, người luôn chán ghét khái niệm nhiếp ảnh gia đường phố và chỉ coi bản thân đơn thuần là một nhiếp ảnh gia, từng khẳng định rằng “Mỗi tấm hình đều là một cuộc đấu tranh giữa nội dung và hình thức”. Ta hiểu “hình thức” là tất cả mọi yếu tố thị giác cấu thành nên bức ảnh – khung hình, lớp lang, đường nét, cách chơi đùa với ánh sáng, còn “nội dung” là ý nghĩa của chủ thể và vật thể trong ảnh.
Cái xấu, hay hình thức xấu có chủ đích, là một sự đánh cược lớn trong cuộc đấu tranh này. Sự căng thẳng giữa hình thức và nội dung trong ảnh xấu phá vỡ khái niệm thị giác thông thường và thách thức thực tế như ta thường thấy.
Ở thời kỳ mà ảnh ‘đẹp’ đang có mặt ở khắp mọi ngõ ngách của cuộc sống, cái đẹp dần trở nên đồng nhất và bão hòa. Trong bối cảnh tri thức / văn hóa của thế giới hậu hiện đại nhiều hoài nghi, phi lý trí và nặng tính phê phán, ta thấy xuất hiện một luồng tư tưởng càng ngày càng xa rời những giá trị mỹ học truyền thống vốn luôn tôn vinh lý trí, phẩm giá, tinh thần lạc quan và đặc biệt là cái đẹp. Trong thế giới hỗn độn đó, ảnh xấu có khả năng khám phá và biến đổi thực tế.
Hình thức xấu phá bỏ quy tắc.
SAI. Chữ in đậm đó đánh dấu tấm hình nổi tiếng của John Baldessarri. Nếu tấm hình đã được định nghĩa là sai như vậy thì còn gì là đúng mà phải bàn nữa? Ở đây, chúng ta bị buộc đối mặt với sự căng thẳng trong ảnh của Baldisseri. Những khái niệm truyền thống có thể quyết định bố cục này ‘sai’ hết – Baldesseri đặt nhân vật ngay chính giữa tấm ảnh, trông như thể cây dừa mọc lên từ đầu ông vậy. Nhưng nếu quyết định đó là sai, ắt hẳn Baldesseri không muốn làm cho đúng. Ảnh ‘sai’ thách thức ta phải vượt qua khái niệm phương thức ‘đúng’ – ‘sai’ để được quyền thể hiện quan điểm cá nhân trong nghệ thuật. Nói cách khác, mỗi tác phẩm sẽ có giá trị của riêng chúng dựa vào chủ đích cuối cùng của nhiếp ảnh gia. Khi được cởi trói khỏi khái niệm đúng sai, nhiếp ảnh gia sẽ hiểu việc mình cần làm không dừng lại ở việc ghi chép mà là sáng tác. Cũng như người nghệ sĩ được tự do trong sáng tác, người xem cũng hoàn toàn được tự do khi xem ảnh, không còn bị trói buộc bởi những luật lệ hà khắc lỗi thời.
Hình thức xấu làm hình ảnh hoá những điều phi thị giác.
Nhiếp ảnh từ thuở sơ khai đã luôn luôn bị so sánh với hội họa và hai hình thức nghệ thuật này vẫn thường xuyên đối thoại với nhau qua nhiều thập kỉ. Ta không thể phụ nhận rằng hội họa là nơi bắt nguồn của các khái niệm trong nhiếp ảnh, từ “bố cục”, “ánh sáng” đến “màu sắc” và đặc biệt là “thẩm mỹ”. Nhưng chính bởi khả năng lưu giữ ánh sáng của máy ảnh, nhiếp ảnh làm ta tưởng rằng hình thái nghệ thuật này có thể ghi chép lại ‘sự thật’ một cách trung thành hơn tranh vẽ. Trong lịch sử, việc ghi chép ‘sự thật’ bằng nhiếp ảnh đòi hỏi ta phải tôn trọng những luật lệ đã được đề ra để tạo nên những hình ảnh tốt.
Vậy làm thế nào để ghi chép một thực tại vốn dĩ phi thị giác hay quá biến thái để xuất hiện trước con mắt của công chúng? Trong ảnh của Bill Armstrong và Kohei Yoshiyuki, hình thức xấu tạo nên thực tại thị giác mới. Cả hai tấm ảnh trên đều tồi về mặt kỹ thuật – mờ, thiếu sáng, nghiêng xẹo. Dù bị tách ra khỏi bộ ảnh, ta có thể thấy cả hai tấm này đều sử dụng hình thức tệ và cái xấu để giải nghĩa chủ đề về bệnh mù và thói thị dâm mà ta không tận mắt “nhìn” thấy được. Qua hình thức xấu, Armstrong và Yoshiyuki đã chủ đích tạo nên một thế giới khác qua hình ảnh. Chúng chệch ra khỏi không gian thực tế mà nhiếp ảnh thông thường chiếm đóng. Cái xấu, cái lệch lạc khỏi chủ nghĩa hiện thực đã hình dung được thực tế phi thị giác này.
Hình thức xấu giúp kể chuyện chân thực.
Khi nói về tính chớp nhoáng đầy rủi ro của việc chụp ảnh một vật thể chuyển động, Winogrand đã phát biểu: “Những tấm ảnh xuất sắc luôn đứng trên bờ vực của sự thất bại”. Sự bấp bênh, chông chênh đó càng thể hiện rõ trong trong ảnh tư liệu về những vấn đề xã hội của Richard Billingham và Sohrab Hura.
Ảnh của cả Billingham and Hura đều trông như được chụp ngẫu hứng bằng một cái máy rẻ tiền – mờ, nhiễu, lúc thừa sáng lúc thiếu sáng. Họ chủ đích chụp như vậy như một lần nữa khẳng định lời tuyên bố SAI của Baldessari. Hình thức xấu đẩy những tấm ảnh đến bờ vực như Winogrand đã nói. Cái xấu trong Ray’s A Laugh của Billingham miêu tả một gia đình người Anh hạ lưu một cách nhẹ nhàng, hài hước và làm sáng lên tính nhân văn trong những cá nhân nhiều phức tạp. Bộ The Coast của Hura đưa ta lên một chiếc tàu lượn kì quái qua đất nước Ấn Độ hiện đại, khắc họa chân dung bí ẩn và nhuốm màu bạo lực về tình yêu và tinh thần phiêu lưu của giới trẻ của Ấn Độ ngày nay.
Hình thức xấu đập vỡ lối suy nghĩ truyền thống của ta về tình yêu và gia đình trong thế giới hậu hiện đại. Không lãng mạn hóa và lý tưởng hóa chủ đề này, Billingham và Hura chọn sử dụng hiệu ứng thị giác gai góc để thể hiện thực tế mà nghệ sĩ trải nghiệm.
Hình thức xấu tạo nên ý nghĩa mới.
Ảnh xấu không nhất thiết phải làm người xem choáng ngợp. Sasha Rudensky, Terttu Uibopuu và Viviane Sassen sử dụng một cách tiếp cận thẩm mỹ khác – sự kì lạ. Hình thức xấu này tuy có chất thơ trong màu sắc và ánh sáng, nhưng lại bị bao trùm bởi không khí bí hiểm và bất an như khoảng lặng trước cơn bão.
Ví dụ như, bộ đôi ảnh của Rudensky chụp những nơi chốn bị bỏ hoang với trung tâm có màu đỏ để miêu tả khoảng không (rèm đỏ và dưa hấu). Sắc đỏ là một điểm tham chiếu để từ đó người xem có thể suy luận ra ý nghĩa ẩn của bức ảnh.
Uibopuu và Sassen thì sử dụng ánh sáng flash để nhấn mạnh màu sắc và chi tiết của hai không gian khó mô tả này, biến chúng trở thành các hình khối trừu tượng. Trong ảnh, chủ thể và vật thể đã khoác lên mình một lớp nghĩa mới, một câu chuyện mới.
Càng xem xét lâu hơn, ta càng thấy hình thức xấu của những tấm ảnh này đã được suy niệm kĩ càng. Cảm giác bất an tiềm ẩn trong cách sắp xếp hình khối này làm ta nán lại và đặt câu hỏi về ý nghĩa của chúng. Đó là cảm giác kì lạ chạm đến tiềm thức của ta…
Một thực tế mới.
Mượn lời của Tolstoy trong tiểu thuyết Anna Karenina, mọi tấm ảnh đẹp đều giống nhau, còn mỗi tấm ảnh xấu lại xấu theo một cách hoàn toàn riêng biệt. Bằng cách tạo nên sự bất hòa giữa hình thức và nội dung, ảnh xấu hướng đến việc sáng tác, đưa ra quan điểm về vấn đề hơn là ghi chép sự việc, đặt câu hỏi chứ không đưa lời giải đáp cụ thể. Có lẽ phương thức này phù hợp hơn trong thế giới hỗn độn phi lí trí mà ta sống. Ảnh đẹp hiện diện ở khắp nơi và phần lờn dần trở nên vô nghĩa, nên có thể ảnh xấu là cái ta cần thử nghiệm để tìm ra một lý lẽ nào đó cho sự tồn tại của ta.
*Bài viết đồng tác giả bởi Dorothy Lutz và Đạt Vũ.