Makét 02

Bài Viết Thu Hoạch: Những Phản Tư Từ Hai Nửa Địa Cầu

MATCAxC4 JOURNAL: Đối thoại nhiếp ảnh giữa Việt Nam & Vương quốc Anh

Chuỗi bài viết thảo luận những khía cạnh đa dạng xoay quanh hình ảnh. Do Quỹ Digital Arts Showcasing của Hội đồng Anh tài trợ.

????✍️??


Tiếp nối quỹ Digital Arts Showcasing của Hội đồng Anh vào tháng 11/2021, hai nền tảng độc lập Matca và C4 Journal đã khởi động chuỗi 12 bài viết khám phá nhiều khía cạnh của nhiếp ảnh tại Việt Nam và Vương quốc Anh. Mục đích dự án nghe chừng đơn giản: để hai bên cùng đóng góp hiểu biết về những vận động tại mỗi quốc gia thông qua bài giới thiệu tác phẩm, phỏng vấn người làm nghề, hay các tiểu luận về một số vấn đề đương thời của ngành ảnh. 

Con đường nào cũng có những gập ghềnh và dự án này cũng không ngoại lệ. Dù đã tận dụng cơ hội hiếm có này để mổ xẻ những chủ đề cốt lõi, chúng tôi đã vấp phải vài thách thức như làm sao để tìm điểm cân bằng giữa hai bối cảnh quá khác biệt, hay hoàn thành nhiệm vụ viết, dịch thuật và biên tập trong hoàn cảnh không mấy lý tưởng. Trước thềm kết thúc dự án hợp tác, biên tập viên hai bên ngồi lại để trao đổi về những khó khăn và bài học đúc kết được trong nhiều tháng qua.

Những mảnh ghép từ chuỗi trò chuyện trực tuyến giữa hai bán cầu.

Chúng ta đã học được gì trong những tháng cùng làm việc vừa qua?

Hà Đào (H): Trước hết, tôi được truyền cảm hứng từ trọng tâm nhất quán hướng đến cộng đồng và cổ vũ những nhân tố mới của C4 Journal. Điều này đã khuyến khích tôi chủ động tìm kiếm và giới thiệu những tác phẩm mới đang trong quá trình thực hiện thay vì chờ đợi một kiệt tác, cũng như những nhiếp ảnh gia thuộc nhóm bị lề hoá như phụ nữ, người queer, người với xuất phát điểm không thuận lợi hay sáng tác về chủ đề bị coi là nhạy cảm. Tôi không mong chỉ dừng lại ở những lời đãi bôi mà thực sự hy vọng khơi mào những thảo luận đa chiều về thực hành nhiếp ảnh mang tính cấp thiết của họ. 

Việc viết về nhiếp ảnh không đơn thuần dừng lại ở phân tích hình thức tác phẩm mà còn chạm đến bối cảnh lịch sử, văn hoá, xã hội. Do trật tự thế giới hiện tại đặt Việt Nam ở vị trí ngoại vi và Vương quốc Anh ở trung tâm của nền nhiếp ảnh (hay bất cứ thứ gì được coi là đáng quan tâm trong văn hoá), một số chương trình trao đổi ngầm cho rằng người Việt nên học hỏi kinh nghiệm chuẩn mực từ Vương quốc Anh thay vì ngược lại. Trên thực tế, những gì đã thành công ở Anh chưa chắc đã thành công ở Việt Nam vì cơ sở hạ tầng ở đây rất đặc thù. Hãy lấy ví dụ về các không gian nhiếp ảnh độc lập. Nhiều địa điểm do nghệ sĩ vận hành có thể tồn tại qua nhiều thập kỷ ở Anh, nhưng ngay cả khi áp dụng một mô hình được coi là khuôn vàng thước ngọc, các không gian tại Việt Nam vẫn phải đối mặt với một loạt vấn đề kinh niên về kinh phí, nhân lực và kiểm duyệt, và do đó có vòng đời ngắn hơn đáng kể. Dù sao, tôi vẫn thấy được mở mang tầm mắt khi đọc về lịch sử sôi động của các không gian độc lập ở nước bạn, như một minh chứng rằng nghệ thuật có thể phát triển rực rỡ nếu có đúng người, đúng hoàn cảnh. Vốn đã quá quen với những ràng buộc thực tế, đôi khi tôi tự hỏi nếu chúng được tháo gỡ thì chúng ta sẽ làm được gì.

Callum Beaney (C): Tôi rất cảm phục những người đang nỗ lực chia sẻ về những gì đang xảy ra từ địa phương nơi họ sống. Kể từ khi biết về ấn phẩm Makét, tôi đã biết chắc mình muốn làm gì đó cùng Matca – mối quan tâm sâu sắc với lịch sử và văn hóa thị giác ở mức độ ấy là điều khá hiếm. 

Trên bình diện văn hóa, tôi tin rằng bối cảnh nước Anh hiện tại không ổn định như chúng ta vẫn nghĩ. Các tác phẩm tạm gọi là “kinh điển” đang đối diện với một sự đổ vỡ mang tính lịch sử trong tương lai gần. Các phương thức truyền bá tác phẩm phổ biến cũng chỉ tồn tại ngắn ngủi: website và bài viết trên nền tảng này chết như thiêu thân. Sách là một phần quan trọng trong điển phạm (canon) của nhiếp ảnh Bắc Mỹ và Nhật Bản, nhưng lại đang bị thổi giá và tẩu tán quá nhanh vào các thư viện luôn đóng cửa của nhà sưu tập. Đến mức sách ảnh dù chỉ hơi có tầm quan trọng thôi cũng sẽ bị thu nạp vào kho lưu trữ, và có chăng sẽ được số hóa cho công chúng xem – khi mà chúng đã trở nên xa xỉ đến nỗi chỉ có các nhà học giả và quý tộc được xem trực tiếp (điều này còn đang xảy ra với một số cuốn sách về sách ảnh!). Đa số các tổ chức chính thể lâu đời như British Journal of Photography, cùng các collective độc lập và tổ chức phi lợi nhuận ở Anh đang thay đổi bộ máy và nguồn tài trợ với tốc độ chóng mặt. Tình hình khá bi quan, nhưng tôi không nghĩ nước Anh sẽ duy trì được sức ảnh hưởng hoặc sự gắn kết lịch sử được lâu nữa. Tôi tin rằng ngành nhiếp ảnh sẽ trở nên ngày càng phân mảnh, sớm nở chóng tàn và gắn chặt với bối cảnh địa phương trong vòng 30 năm tới tại Anh, trừ khi có biến cố gì khác.

Do trật tự thế giới hiện tại đặt Việt Nam ở vị trí ngoại vi và Vương quốc Anh ở trung tâm của nền nhiếp ảnh (hay bất cứ thứ gì được coi là đáng quan tâm trong văn hoá), một số chương trình trao đổi ngầm cho rằng người Việt nên học hỏi kinh nghiệm chuẩn mực từ Vương quốc Anh thay vì ngược lại.

– Hà Đào
Hiện vật của Luminor Photo studio được giới thiệu trong cuốn Makét 01: Có Một Làng Nghề Nhiếp Ảnh.

Eugenie Shinkle (E): Dù đồng tình với nhận định của Callum về điển phạm nhiếp ảnh phương Tây ở thời điểm hiện tại và tương lai, tôi lại có một góc nhìn tích cực hơn về sự tác động của đường hướng phát triển này đối với các khu vực “bên rìa” của nhiếp ảnh thế giới. Đúng là hạ tầng ở Anh, cũng như ở châu Âu và Bắc Mỹ có lịch sử dài hơn và cũng đem lại nhiều lựa chọn hơn về tài chính hay hậu cần cho các tổ chức nhỏ. Tuy vậy, sự cam kết bao hàm và đại diện trong mảng chương trình cộng đồng và xuất bản đang dần thay thế lối tiếp cận ‘vị cứu tinh da trắng’, tức việc tìm kiếm rồi cài cắm các tác phẩm ít được biết tới vào lịch sử nhiếp ảnh phương Tây. Chỉ có vô cùng ít các tổ chức chính thể tại Anh giờ này còn quyết tâm bám trụ với điển phạm của đàn ông da trắng phương Tây. Chặng đường vẫn còn dài, nhưng tôi nhận thấy các tổ chức phương Tây đang có sự dịch chuyển trong tư tưởng về tính sở hữu độc quyền – điều họ nắm giữ lâu nay, cũng như đã sẵn sàng cộng tác một cách bình đẳng hơn với các cộng đồng nhiếp ảnh khác. 

Có một kiểu hình ảnh đặc thù về Việt Nam theo trí tưởng tượng của phương Tây – chúng đã in sâu vào giác mạc và rất khó bị xoá bỏ khỏi nhận thức tập thể. Kể từ sau cuộc chiến tranh Việt Nam, mối quan tâm về nhiếp ảnh khu vực Đông Á đã chuyển hướng sang Trung Quốc và Nhật Bản. Khi nhắc đến Campuchia, Philippines, Myanmar, Thái Lan, Singapore hay các nước Đông Nam Á khác, tôi cho rằng kiến thức của phần đông mọi người về lịch sử và văn hóa nhiếp ảnh ở các quốc gia này là rất hạn hẹp.

H: Đó chính là lý do tôi muốn bao gồm phỏng vấn với nhiếp ảnh gia người Indonesia Muhammad Fadli trong chuỗi bài này. Dù gần gũi về mặt địa lý, cộng đồng Việt Nam chưa chắc đã nắm rõ tình hình hay tìm kiếm cảm hứng tại khu vực – ngược lại là đằng khác. Nhưng hãy để dành chủ đề ấy cho dịp sau.

Không thể phủ nhận sự hiện diện Việt Nam trong nhiếp ảnh có liên đới đến chiến tranh, nhưng chúng tôi không nhất quyết phải chống lại nhận định ấy. Xuyên suốt dự án, chúng tôi vẫn tiếp tục giới thiệu các tác phẩm đương đại đáng được quan tâm bởi luôn có những dòng chảy ngầm dưới bề mặt lặng lẽ của nhiếp ảnh nước nhà. Chúng tôi kiên định với mục đích ban đầu này, vì thế mà vượt qua thứ áp lực không đáng có là phải đại diện cho đất nước – tâm lý chung trong các chương trình giao lưu. 

Từ đầu ta đã bàn về vấn đề “giải thuộc địa” trong phê bình nhiếp ảnh – tạm hiểu là từ chối việc sử dụng khung lý thuyết phương Tây để soi xét tác phẩm ra đời trong những bối cảnh khác biệt. Tôi nhận thấy vẫn tồn tại phản xạ trích dẫn một học giả nổi tiếng hoặc so sánh một nghệ sĩ trẻ ở địa phương với một nghệ sĩ nổi danh quốc tế, không chỉ trong dự án này mà trong phê bình nghệ thuật ở Việt Nam nói chung. Làm thế đem lại cảm giác chính đáng hay có thể thu hút một đối tượng độc giả nhất định chăng? Điều này không hẳn là xấu nhưng ta cũng nên thừa nhận hiện tượng này, đồng thời chấp nhận rằng mình không thể hoàn toàn tách khỏi điển phạm của phương Tây. Hàng ngày, chúng tôi vẫn đi qua những quán cà phê với trích dẫn tiếng Anh trên mặt tiền, cũng như chứng kiến những toà nhà hơi hướng kiến trúc tân cổ điển mọc lên ở cả thành thị lẫn nông thôn Việt Nam.

Tôi tin rằng bối cảnh nước Anh hiện tại không ổn định như chúng ta vẫn nghĩ. Các tác phẩm tạm gọi là “kinh điển” đang đối diện với một sự đổ vỡ mang tính lịch sử trong tương lai gần.

– Callum Beaney
Những mảnh ghép từ chuỗi trò chuyện trực tuyến giữa hai bán cầu.

Chúng ta đã gặp phải những khó khăn nào trong dự án này? 

H: Việc viết lách thật cực nhọc. Tôi đã dành nhiều giờ để cùng cây viết xác định hướng tiếp cận hợp lý, trao đổi qua lại để làm rõ một ý trong bài, hay vò đầu bứt tai tìm cách diễn đạt gãy gọn hơn. Viết bằng tiếng Anh đã khó, nhưng viết bằng ngôn ngữ mẹ đẻ cũng chẳng dễ dàng, bởi vốn không có nhiều tài liệu phê bình nhiếp ảnh bằng tiếng Việt để học hỏi. Những cuộc đối thoại tự phát giữa các nhiếp ảnh gia thì tản mát nhiều nơi, trong khi chương trình đào tạo chính quy tại đây cũng lấy cảm hứng nhiều từ Nga và Đông Đức – cũng là một điển phạm phương Tây nhưng hoàn toàn khác biệt và đã có phần lạc hậu. 

Hai bên đã cùng xem xét các vấn đề quan trọng như đạo đức chụp hình, mối quan hệ giữa nhiếp ảnh và sự thật, các ấn phẩm dưới dạng sách hay zine. những chủ đề này được khai thác nhiều trong văn bản tiếng Anh nhưng vẫn còn rất mới trong bối cảnh Việt Nam. Sự mới lạ này dẫn đến nhiều cản trở trong dịch thuật, vì thuật ngữ chính xác trong tiếng Việt không tồn tại hoặc các nghe có vẻ xa lạ, mơ hồ. Lạ thay, những từ phổ biến như “narrative” (cốt truyện, câu chuyện) hoặc “institution” (kinh viện, tổ chức chính thể) rất khó dịch thoát nghĩa. Thậm chí từ “giám tuyển” mới xuất hiện khoảng 20 năm trở lại đây, ấy là khi những triển lãm do cá nhân tổ chức yêu cầu một vị trí mà trước đây chưa từng có trong các triển lãm của nhà nước. Những tranh cãi xung quanh định danh cũng như vai trò của giám tuyển vẫn còn diễn ra đến ngày nay. Tóm lại, thách thức nằm ở chỗ lấp đầy khoảng cách không chỉ trong ngôn ngữ mà còn trong nhận thức. 

C: Đúng vậy, dịch thuật rất tốn sức. Công nghệ có lẽ còn lâu nữa mới đảm gánh được việc này. Tôi cũng đã có trải nghiệm tương tự khi dịch các bài từ viết từ tiếng Anh sang tiếng Nhật.

Cơ bản mà nói, dành thời gian cho cả việc viết và biên tập là rất khó khăn khi công việc và cuộc sống đang mất cân bằng. Nhiếp ảnh là thứ tôi làm vì đam mê – Tôi viết về những thứ mà bản thân thấy thú vị và mong muốn chia sẻ với những người chung đam mê khác. Tôi cũng tự làm ấn phẩm từ một chiếc máy photocopy rẻ tiền. Nhưng bạn biết đấy, tôi đang chuyển hướng sang học ngành phần mềm… Theo đuổi những việc trên như một sự nghiệp là bất khả thi. 

E: Tôi làm việc toàn thời gian tại một trường đại học, đồng thời chạy C4 cùng Callum lúc rảnh. Như vậy rất mệt (tôi cũng cố gắng duy trì thực hành nhiếp ảnh của mình và chợp mắt khi có thể), nhưng C4 cũng là một chiếc phao cứu sinh cho tôi. Trong vài năm gần đây, tôi đã trở nên bất bình với thế giới xuất bản học thuật – vốn đã hết sức cô lập, tốn thời gian và khó tiếp cận với khán giả đại chúng về cả mặt ngôn ngữ lẫn tổ chức. Một trong những tôn chỉ của chúng tôi là chia sẻ kiến thức và đam mê của đội ngũ (bao gồm tất cả cộng tác viên) đến với bạn đọc quan tâm, hoàn toàn miễn phí. Vào thời điểm hiện tại trong sự nghiệp, việc ấy có ý nghĩa hơn nhiều với tôi so với lại đăng thêm một bài báo trên tạp chí học thuật. 

Chặng đường vẫn còn dài, nhưng tôi nhận thấy các tổ chức phương Tây đang có sự dịch chuyển trong tư tưởng về tính sở hữu độc quyền – điều họ nắm giữ lâu nay, cũng như đã sẵn sàng cộng tác một cách bình đẳng hơn với các cộng đồng nhiếp ảnh khác.

– Eugenie Shinkle
Bài viết được đồng thời đăng tải trên website của Matca & C4.

Dự định tiếp theo khi dự án đã đến hồi kết? 

C: Rất nhiều phỏng vấn và bài dịch về nhiếp ảnh gia ở Nhật Bản và Trung Quốc. Tôi cũng đang làm một số bài viết xoay quanh “lý giải phân tích về tư tưởng triết học lục địa”, tìm cách khiến các lý thuyết cũ trở nên dễ tiếp cận hơn. Ngoài C4, tôi cũng sẽ sớm làm một dự án về nhiếp ảnh tại khu vực Đông Nam Á, cũng như hợp tác với bạn bè, trong đó có Eugenie, làm một số tác phẩm thị giác. 

E: Chúng tôi thành lập C4 lúc còn chưa tính đến mô hình tài chính, và cơ bản hoạt động trên cơ sở nền kinh tế quà tặng trong 18 tháng qua. Tuy vậy, do phát triển nhanh hơn dự tính, đã đến lúc phải nghĩ về cách duy trì trang web và trả thù lao cho người viết. Hiện tại họ được tặng sách và tư vấn chuyên môn nếu cần thiết, nhưng có một khoản nhuận bút nhỏ vẫn hơn. Tôi cũng đang tìm cách kết nối C4 với công việc ở viện nghiên cứu của mình – ví dụ như chương trình thực tập tốt nghiệp nơi sinh viên có thể hiểu cách một dự án vận hành trên thực tế. Những sự kết hợp như với Matca là rất quý giá và chúng tôi sẽ tìm cách có những cơ hội tương tự. 

H: Tôi sẽ tạm nghỉ xuất bản trực tuyến để tập trung vào cuốn sách sắp ra mắt của Matca, khởi động lại một chương trình cộng đồng thường xuyên hơn tại không gian, và tập trung vào sáng tác cá nhân. Tiền đề căn bản vẫn là xây dựng một cộng đồng tại địa phương để làm sao các nhiếp ảnh gia có đầu ra cho tác phẩm và tương trợ lẫn nhau. Chúng tôi thực hiện mục tiêu ấy thông qua viết lách, sự kiện cộng đồng hoặc bất cứ điều gì khác. Không có nghĩa là tôi hoàn toàn ngưng viết. Tôi đương nhiên sẽ tiếp tục theo dõi các tác phẩm và đối thoại mới từ C4 và các không gian trực tuyến khác như Writing Foto, một blog tập hợp bài viết về nhiếp ảnh từ khu vực Đông Nam Á.


Xin chân thành cám ơn đội ngũ C4 Journal vì đã đồng hành cùng chúng tôi trong dự án này, những cây viết của Matca vì đã tiếp cận với các chủ đề phức tạp với một thái độ chăm chút và cầu thị tuyệt vời, và Hội đồng Anh Việt Nam vì khoản tài trợ và sự tôn trọng quyền tự do sáng tạo.