“Sự công nhận, không chỉ dành cho nhiếp ảnh gia, mà hơn cả là dành cho nhân vật” – Yumi Goto, thành viên ban giám khảo Ảnh Báo chí Thế giới 2019
Từ ngày 06/12 đến ngày 15/12/2019, triển lãm Ảnh Báo chí Thế giới 2019 diễn ra bên Hồ Hoàn Kiếm đưa tới khán giả Hà Nội hơn 150 tác phẩm nhiếp ảnh báo chí xuất sắc nhất trong năm với nhiều chủ đề và cách tiếp cận đa dạng. Triển lãm được tổ chức thường niên chu du tới hơn 45 quốc gia và quay lại thủ đô sau thành công của sự kiện năm 2018.
Là một tổ chức với bề dày hoạt động, Ảnh Báo chí Thế giới đã nỗ lực theo sát và phản ánh những biến chuyển trong ngành báo ảnh, đặc biệt là trong thời đại số. Không chỉ có những bức ảnh tin nóng mang thông điệp trực diện, cuộc thi lần thứ 62 này ghi nhận nhiều tác phẩm khai thác những tầng lớp phức tạp của hiện thực hay cho thấy quá trình theo đuổi đề tài bền bỉ. Triển lãm đưa khán giả vào một hành trình nhiếp ảnh đầy bất ngờ, từ vấn đề di cư nổi cộm tới câu chuyện địa phương đầy tính nhân văn.
Cái nhìn thấu hiểu hơn về khủng hoảng di cư.
Cuộc di cư của những người Trung Mỹ, khu vực tập trung những quốc gia bất ổn nhất thế giới, là tâm điểm thời sự trong năm qua và chủ đề của nhiều tác phẩm đạt giải thuộc hạng mục Điểm tin.
Giải Ảnh của năm danh giá nhất cuộc thi thuộc về bức Girl Crying on the Border (Bé gái khóc ở biên giới) ghi lại khoảnh khắc bé gái hai tuổi người Honduras khóc thét trong đêm khi mẹ của em bị lực lượng biên phòng Hoa Kỳ khám xét tại bang Texas vào tháng 06/2018. Bức ảnh của nhiếp ảnh gia người Mỹ John Moore đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội trước đó và trở thành biểu tượng của chính sách chia rẽ gia đình người nhập cư gây tranh cãi khi xuất hiện trên bìa tạp chí TIME. Một hình ảnh đơn đương nhiên không thể khái quát đầy đủ thực trạng, nhưng nó có sức mạnh làm lay động công chúng và tạo sức ép lên các nhà lập pháp. Ngay trong tháng 06, chính quyền Trump đã xóa bỏ chính sách chia cắt cha mẹ với con cái người nhập cư tại biên giới Mỹ.
Cũng theo đuổi chủ đề tương tự, dự án The Migrant Caravan (Đoàn di cư) của Pieter Ten Hoopen đạt giải Câu chuyện ảnh của năm, một hạng mục mới được vinh danh ngang hàng giải Ảnh của năm nhằm mở rộng không gian cho những bộ ảnh khơi gợi nhiều suy ngẫm. Theo chân đoàn người di cư bộ hành được cho là đông kỷ lục tiến về biên giới Mỹ vào tháng 10/2018, nhiếp ảnh gia người Hà Lan khắc hoạ những cảnh sinh hoạt thường ngày bình dị như khoảnh khắc bé trai ngủ say bên người bố hay cô bé hái bông hoa bên vệ đường. Những tấm ảnh khổ vuông với sắc độ nhạt làm nổi bật mối quan hệ giữa người với người và toát lên niềm hy vọng về một cuộc sống mới, mà suy cho cùng chính là ước muốn duy nhất của người trong cuộc khi rời bỏ quê hương. Không ghi lại tình huống kịch tính, tác giả lựa chọn truyền tải thông điệp một cách tinh tế hơn và đồng thời yêu cầu khán giả phải chủ động đào sâu khi quan sát những tấm ảnh thoạt nhìn có vẻ bình yên này.
Nhiếp ảnh gia nữ: Chủ đề, quyền tiếp cận và thẩm mỹ riêng.
Với một ngành nam giới chiếm đa số như báo ảnh, sự gia tăng kỷ lục của nhiếp ảnh gia nữ trong số những tác giả thắng cuộc là một điều đáng ghi nhận, đặc biệt là khi kêu gọi sự đa dạng đã trở thành một làn sóng toàn cầu.
Nữ nhiếp ảnh gia từ hãng ảnh Magnum Diana Markosian giành giải nhất hạng mục Vấn đề đương đại (Ảnh đơn) với tấm ảnh chụp lễ sinh nhật tuổi 15 (quinceañera) đánh dấu sự trưởng thành của một thiếu nữ tại thành phố Havana, Cuba. Đây là một phần của dự án đa phương tiện Quince khám phá góc độ giới tính của tục lệ này trong xã hội Cuba đương đại mà nam giới nắm quyền.
Đáng chú ý, giải nhất và nhì hạng mục Vấn đề đương đại (Ảnh bộ) thuộc về hai câu chuyện dường như đối lập nhưng đều phản ánh cuộc đấu tranh cho quyền toàn vẹn và tự chủ thân thể của phụ nữ. Đưa tin về chiến dịch vận động xóa bỏ luật chống phá thai đã tồn tại lâu đời ở Ireland, dự án Blessed Be the Fruit (Thiên chức thiêng liêng) của Olivia Harris khắc họa một cách dí dỏm ý nhị những cuộc biểu tình ngoài phố đậm tính sân khấu, từ đó thể hiện những tác nhân xã hội đa dạng tham gia vào cuộc tranh luận này.
Cách đó một phần tư vòng Trái Đất, dự án Colombia, (Re)Birth (Colombia, (hồi) sinh) của nhiếp ảnh gia Catalina Martin-Chico khám phá niềm hạnh phúc làm mẹ của cựu nữ du kích ở Colombia, những người từng bị cưỡng ép phá thai hay bỏ con trong thời gian chiến đấu cho lực lượng nổi dậy FARC. Những khung hình thân mật ghi lại cảnh sinh hoạt của người mẹ và gia đình trong trại quân sự là lời gợi ý về dạng câu chuyện mà quyền tiếp cận đặc biệt của nhiếp ảnh gia nữ cho phép.
Hạng mục Dự án dài hạn dành cho bộ ảnh được thực hiện trong khoảng thời gian ít nhất 3 năm. Năm 2019, giải nhất của hạng mục này thuộc về dự án Beckon Us from Home (Tổ quốc vẫy gọi) của Sarah Blessener chụp tại nhiều trại hè và trường học quân đội cho thanh thiếu niên tại hai quốc gia Nga và Mỹ. Một cách có chủ đích, tác giả không để lộ thông tin về địa điểm trong ảnh nhằm chỉ ra sự tương đồng đáng ngạc nhiên trong tinh thần tuổi trẻ yêu nước giữa hai cường quốc với thể chế đối lập. Đặt những tấm chân dung chụp nhóm bạn vui đùa bên hình ảnh huấn luyện trẻ sử dụng súng, cô đặt ra nhiều câu hỏi lớn về tác động của ý thức hệ, tôn giáo và nỗi lo âu thường trực sau các vụ việc bạo lực trong xã hội lên tâm lý giới trẻ – những người nắm giữ tương lai quốc gia.
Giải nhất hạng mục Chân dung Land of Ibeji (Vùng đất của thần Ibeji) là một thử nghiệm thẩm mỹ độc đáo do Bénédicte Kurzen và Sanne de Wilde phối hợp thực hiện tại Nigeria, nơi có tỉ lệ cặp song sinh cao nhất thế giới. Mọi yếu tố của bộ ảnh đều thể hiện tính nhị nguyên trong niềm tin về các cặp song sinh: đã từng bị ruồng bỏ, nay lại được tôn vinh. Sự sáng tạo của hai nhiếp ảnh gia được thấy trong nhiều khía cạnh, như hiệu ứng thị giác từ đèn flash và các bề mặt phản chiếu, hay cách cặp song sinh tạo dáng để thể hiện các khái niệm đối lập nhưng luôn song hành như đồng hành và đơn độc, sự sống và cái chết.
Có thể thấy việc Ảnh Báo chí Thế giới 2019 vinh danh những hình ảnh không mang thông tin hiển hiện hàm ý hai điều: sự cởi mở với thẩm mỹ riêng của nhiếp ảnh gia trong ngành báo ảnh, và tầm quan trọng của việc tìm hiểu bối cảnh trong quá trình đọc ảnh của khán giả. Những tác phẩm đạt giải năm 2019 phản ánh nỗ lực của Ảnh Báo chí Thế giới để bám sát những thay đổi trong ngành ảnh, đồng thời mở ra đối thoại về vai trò và ảnh hưởng của ảnh báo chí trong bối cảnh đương thời. Đây cũng là những chủ đề nổi bật được bàn luận trong Chuỗi hoạt động cuối tuần diễn ra tại Matca vào 07-08/12/2019.
Cuộc thi Ảnh báo chí Thế giới 2020 đã mở đơn, đón nhận tác phẩm từ nhiếp ảnh gia thuộc mọi độ tuổi, giới tính và quốc tịch. Thông tin và đăng ký trực tuyến tại đây.