Sinh ra ở TP. Hồ Chí Minh, hiện đang sinh sống và làm việc tại New York, nhiếp ảnh gia kiêm đạo diễn An Lê được biết đến với sự nghiệp đặc biệt thành công khi thường xuyên cộng tác cùng nhiều thương hiệu và tạp chí thời trang hàng đầu thế giới. Anh sở hữu bộ portfolio phong phú, dung hoà tinh tế giữa nghệ thuật và thương mại: từ tác phẩm đầu tay chụp những hoạt cảnh mang dáng dấp của hội hoạ cổ điển cho tới chiến dịch cho những nhãn hàng cao cấp cùng dàn sao hạng A. Tôi may mắn có dịp gặp anh tại một quán cafe ở Park Slope, Brooklyn và lắng nghe những chia sẻ giản dị về hành trình tại Mỹ, nơi anh tới theo học nghệ thuật năm 15 tuổi. Xuất phát điểm là người tha hương mang theo tham vọng lớn, An Lê lý giải tại sao “theo đuổi nỗi sợ” có thể là phương châm tốt hơn “theo đuổi giấc mơ”.
Anh có thể chia sẻ về hành trình của mình, từ một sinh viên năm cuối trường Savannah College of Art and Design đến vị trí ngày hôm nay?
Trước khi tốt nghiệp đại học, tôi đăng ký tham gia cuộc thi New Exposure Photography của tạp chí Vogue dành cho nhiếp ảnh gia thời trang mới, do hãng RED Cameras và Bottega Veneta tài trợ. Vừa trở về Việt Nam sau bảy năm và vẫn đang chống chếnh vì lệch múi giờ, tôi nhận được email thông báo mình đã lọt vào vòng cuối và cần phải thực hiện một dự án nữa sử dụng máy ảnh RED. Ra đi vào năm 15 tuổi và trở lại năm 22 tuổi, tôi không quen một ai trong ngành, thậm chí còn chẳng biết “softbox” tiếng Việt gọi là gì. Rất may là giám đốc sáng tạo Hà Đỗ của Tạp chí Đẹp đã hỗ trợ tôi thực hiện bộ ảnh này. Tôi cũng đồng thời tìm được một địa điểm cách thành phố hai giờ chạy xe mà cho thuê máy ảnh RED với giá thấp hơn rất nhiều ngoài thị trường. Bộ ảnh đã mang về cho tôi giải cao nhất với phần thưởng chính là chiếc máy ảnh RED trị giá 40,000 đô – đó là khi sự nghiệp của tôi chính thức bắt đầu.
Tiếp sau chiến thắng lớn đó là sáu tháng ăn ngủ trên chiếc sô pha của bạn tôi ở New York, nơi tôi đầu tư toàn bộ thời gian, tiền bạc vào việc xây dựng portfolio và các mối quan hệ từ con số 0. Bây giờ nhìn lại, tôi nhận ra mình chưa bao giờ lựa chọn giải pháp an toàn trong đời mà luôn chơi liều, từ việc đơn thân lên New York cho tới quyết định bán đi chính chiếc máy ảnh RED ấy để chi trả cho các dự án cá nhân. Ban đầu tôi tìm thông tin liên lạc của mọi người trên Linkedin, mày mò mọi cách cho đến khi tìm được đúng địa chỉ email để gửi portfolio. Việc này dẫn đến việc kia, đại khái là vậy. Trong cuộc sống không có gì là bảo đảm chắc chắn, bạn phải tiếp tục làm những gì mình tin là đúng cho đến một ngày biết đâu sẽ trúng số độc đắc.
Hiện tại nhiều nghệ sĩ thị giác đang chịu áp lực phải trở nên toàn diện trên mọi lĩnh vực. Tác phẩm của anh cũng đa phương tiện, kết hợp nhiếp ảnh với hội hoạ, video và gần đây là VFX. Anh nghĩ sao về vấn đề này?
Hãy lấy Leonardo da Vinci làm ví dụ, ông không chỉ là hoạ sĩ, mà còn là nhà toán học, vật lý học và triết gia. Tôi tin rằng đó là định nghĩa của nghệ sĩ. Thực ra tôi đã muốn trở thành một giáo viên dạy Văn hồi học cấp ba; nhiếp ảnh chỉ là sở thích sau này. Tôi cũng có chút kỹ năng hội hoạ có ích cho tư duy tạo hình, bởi quá trình vẽ yêu cầu sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi đến được với tác phẩm cuối cùng. Với nhiếp ảnh, đôi khi mọi thứ diễn ra quá nhanh, và bạn sẽ không nhận ra những chi tiết không mong muốn lọt vào khung hình cho đến khi bức ảnh đã được chụp.
Tôi luôn muốn học hỏi nhiều điều. Trong cuộc sống, ta luôn gặp người mới và có những trải nghiệm mới, thì mắt nhìn và phương thức sáng tạo cũng nên thay đổi. Thời gian đầu ở New York, nhiều agency khuyên tôi nên tập trung theo đuổi một thể loại để gây dựng tên tuổi, nhưng bản thân tôi lại tò mò về nhiều phương tiện đa dạng, tóm lại là tò mò về cuộc sống nói chung. Tôi thích kể những câu chuyện khác nhau trong tác phẩm của mình, như dự án VFX gần đây mà mọi thứ đều là kỹ xảo dựng lên hay một dự án khác mà chẳng có can thiệp chỉnh sửa gì.
Một năm làm việc với tư cách nhiếp ảnh gia/đạo diễn toàn thời gian của anh như thế nào? Bao nhiêu phần trăm là chụp ảnh và bao nhiêu phần trăm là những công việc khác?
Chỉ có 60 ngày trong năm dành cho chụp ảnh, phần còn lại thực sự chỉ là đi họp, làm moodboard, trình bày ý tưởng với khách hàng, và làm kế toán. Kiểm soát tài chính rất quan trọng. Trong hai năm đầu sự nghiệp, nếu làm ra 10,000 đô, tôi sẽ đổ toàn bộ số tiền đó vào dự án ảnh tạp chí bởi tôi quan niệm được ăn cả, ngã về không. Bây giờ tôi cẩn trọng hơn. Nếu bạn chưa tìm được ai khắc phục điểm yếu của mình, bạn cần giảm thiểu chi phí và xem xem mình đang làm ra bao nhiêu hoặc muốn tiêu từng nào vào một bộ ảnh tạp chí. Hẳn nhiên tạp chí không trả quá nhiều nhưng bạn cần những hình ảnh đó để thuyết phục khách hàng thương mại, nên cũng không thể lơ là phần này được.
Với Internet, thế hệ chúng ta có đặc quyền rất lớn và việc thu thập hình ảnh tham khảo cho một dự án chưa bao giờ dễ dàng đến thế. Cá nhân anh tìm nguồn cảm hứng từ đâu?
Ngày còn học đại học, tôi thường thực hành tráng rọi ảnh đen trắng trong phòng tối một mình. Sau này khi chụp ảnh thương mại, tôi luôn phải thảo luận và làm việc với một đội ngũ lớn; quy trình này khác hẳn so với dự án nghệ thuật cá nhân. Nhưng tôi tin rằng không nên đốt cháy giai đoạn vì nhiếp ảnh đen trắng đã dạy tôi rất nhiều về ánh sáng và bố cục. Khác với một video ngắn bắt mắt trên Instagram để xem vài lần, chụp màn hình rồi quên đi, ảnh tĩnh có một vẻ đẹp trường tồn. Tôi luôn có thể lật lại những tác phẩm nhiếp ảnh mình yêu thích, ví dụ như những bức ảnh thời trang từ những năm 90.
Tôi tìm cảm hứng trong mọi thứ từ âm nhạc đến hội hoạ đến văn học. Tôi đang đọc cuốn sách Art & Physics (tạm dịch: Nghệ thuật & Vật lý) nói về mối tương quan giữa các phong trào trong nghệ thuật và khoa học, ví dụ như trường phái Lập thể với thuyết tương đối. Ta nên có triết lý của riêng mình, dành thời gian một mình để khám phá thế giới và tìm hiểu bản thân mình là ai. Những năm tháng tuổi 20 là thời điểm phù hợp để đầu tư vào bản thân, bởi bạn có thể ngủ trên ghế sô pha suốt sáu tháng mà không bị đau lưng, cũng chưa phải bận tâm với khoản vay thế chấp hay con cái. Người ta thường nói hãy theo đuổi giấc mơ, nhưng theo tôi, hãy theo đuổi nỗi sợ: hãy làm điều gì khiến bạn sợ hãi bởi đó là cách để trưởng thành.
Văn hoá và nền tảng tại Việt Nam đã ảnh hưởng đến tác phẩm của anh như thế nào?
Tôi rời Việt Nam vào năm 15 tuổi, không quá nhỏ để quên đi gốc gác và không quá già để tiếp nhận kiến thức mới. Đối với tôi, điều quan trọng là đi được trên lằn ranh giữa hai nền văn hoá Đông – Tây. Khi còn bé, tôi là đứa không bao giờ quên làm bài tập về nhà. Cách giáo dục về kỷ luật bản thân của bố mẹ tôi đã giúp tôi chuẩn bị tinh thần cho môi trường làm việc áp lực cao hiện tại. Tôi đã luôn rèn luyện bản thân theo phong cách quân đội: ngày còn học đại học, tôi chỉ đặt một báo thức duy nhất bởi đôi khi cuộc sống không cho bạn cơ hội thứ hai.
An Lê sinh sống và làm việc tại New York, nhưng anh thường xuyên di chuyển để chụp hình và thưởng thức đồ ăn ngon. Anh là đồng sáng lập NowOpen, agency sáng tạo chuyên về hình ảnh tĩnh và động. An đã chụp bìa và ảnh bộ cho nhiều ấn phẩm, có thể kể đến tạp chí British GQ, Vogue, W magazine, Paper magazine, Numero Russia, vv. Anh cũng cộng tác cùng nhiều hãng thời trang và chụp người nổi tiếng Mariah Carey, Victoria Beckham, Naomi Campbell, Lupita Nyong’o, Karlie Kloss và John Legend.
Kết nối với An tại Instagram.