Triển lãm ảnh Một thành phố khác – Công cộng, riêng tư, thầm kín của Joseph Gobin và Phương Nguyễn do Mai Nguyên Anh giám tuyển hiện đang diễn ra ở Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace cho tới ngày 30/12/2019. Dù chủ đề khác nhau, bộ ảnh của hai tác giả trẻ đều chọn không gian Hà Nội làm bối cảnh chính và thử nghiệm hoá chất lên film để tạo hiệu ứng thị giác.
Người thực hiện đã đối mặt với một bài toán khó: trưng bày hai tác phẩm riêng biệt trong sảnh triển lãm không theo lối “khối vuông trắng” (white cube) truyền thống. Tuy vậy, giám tuyển Mai Nguyên Anh đã khéo léo tối ưu hoá không gian để tạo ra sự kết nối giữa hai tác phẩm và trải nghiệm xem mới lạ.
Hai tấm đèn led lớn ở cuối sảnh là cách giám tuyển vẽ đường biên của không gian triển lãm, cũng nhằm dẫn hướng người xem bắt đầu hành trình xem từ đây.
Tác phẩm của Phương Nguyễn được trưng bày ở hai bên tường vuông góc. Một bên treo ảnh xen kẽ trên nền một tấm decal âm bản phóng lớn, một bên lẫn giữa những tấm ảnh mờ nhoè là một chiếc gương cũ. Chiếc gương được đặt đối diện với mặt phố, vừa phản chiếu không gian bên ngoài, vừa là đạo cụ để khán giả chụp selfie, soi chiếu hình ảnh bản thân trong chiếc gương mốc meo.
Là người gốc Hải Phòng, Phương Nguyễn cảm thấy khá lạc lõng khi bắt đầu cuộc sống tại Hà Nội, nơi ô nhiễm môi trường vẫn tồn tại ở nhiều dạng thức nhưng luôn ẩn mình dưới lớp áo hào nhoáng của đô thị. Những cuộn film chụp cuộc sống đời thường ở Hà Nội được anh ngâm xuống sông Tô Lịch, để dòng nước mang chất thải sinh hoạt và công nghiệp của thành phố tác động lên âm bản. Thay vì lên án vấn đề ô nhiễm một cách trực diện, Phương Nguyễn để phản ứng hoá học “bào mòn” những hình ảnh quen thuộc của khuôn mặt, đám đông ngoài phố hay sự tương tác giữa con người, từ đó gợi nhắc sự huỷ diệt âm thầm đang diễn ra trong cuộc sống dân cư.
Tiếp đến là 16 bức ảnh khổ vuông với nhiều kích cỡ khác nhau từ dự án Trà đá của nhiếp ảnh gia Joseph Gobin trải dài trên một bức tường lớn sát cửa kính ra vào. Là người Pháp hiện đang sống tại Hà Nội, Joseph luôn tò mò với khung cảnh quán nước được dựng tạm bợ, ngẫu nhiên trên hè phố, tách biệt khỏi nhịp sống tấp nập. Sử dụng 5 cuốn phim 120mm hết đát, anh ghi lại những không gian sinh hoạt cộng đồng mini, nơi tụ họp không phân biệt của nhiều tầng lớp trong xã hội.
Dự án được thực hiện trong khoảng thời gian gần đây nhưng hiệu ứng tráng ngược từ dương bản thành âm bản (cross process) với film hết đát tạo ra các hiệu ứng lạ mắt, xoá đi dấu hiệu chỉ thời gian trong tác phẩm, như hàm ý rằng những không gian ngẫu hứng như vậy đã tồn tại và trở thành một phần trong đô thị nhiều năm qua.
Ở giữa sảnh triển lãm là tấm bạt da cam sơn kín những dòng chữ “khoan cắt bê tông” được tái dựng thành một không gian kín tượng trưng cho quang cảnh trà đá vỉa hè. Đây là một lựa chọn thông minh vừa để lấp đầy khoảng trống trong sảnh triển lãm, vừa để tận dụng cột nhà thành nơi treo ảnh và sắp đặt tiếng còi xe, cười đùa, trò chuyện, những âm thanh thường nhật quen thuộc ở các quán trà đá lề đường. Giám tuyển Mai Nguyên Anh chia sẻ: “Âm thanh của bộ ảnh Trà đá là một phần cần có trong triển lãm này. Quán trà đá ở ngoài địa điểm công cộng, nhưng bước vào quán là nơi chốn riêng tư, như đi vào một không gian khác, dễ thở hơn, ít khói bụi hơn và mọi người có thể chia sẻ những điều thầm kín trong những cuộc chuyện trò. Đó cũng là một phần lý do triển lãm có tên như vậy.”
Vị trí trưng bày hai tác phẩm cũng thể hiện ý đồ của người thực hiện. Nếu như Trà đá là cái nhìn từ bên ngoài của Joseph, được đặt ở vị trí ngay gần cửa kính ra vào, nơi có nhiều ánh sáng tự nhiên và như hoà mình vào đường phố bên ngoài; thì bộ ảnh của Phương Nguyễn lại được đặt phía trong, mời người xem đi sâu hơn để khám phá những trăn trở riêng. Tấm âm bản phóng lớn của Joseph được lồng ghép vào các tác phẩm của Phương và ngược lại, bởi ranh giới giữa những gì “công cộng, riêng tư, thầm kín” của Hà Nội có lẽ chưa bao giờ rõ ràng.
Hai dự án đem tới góc nhìn cá nhân và phản biện xã hội nhẹ nhàng của hai tác giả, có thể không quá ấn tượng khi đứng đơn lẻ; nhưng triển lãm đã cho chúng một lý do để đứng bên nhau, tạo nên cuộc đối thoại và trải nghiệm xem thú vị. Để triển lãm thành hình, không thể thiếu sự hỗ trợ của Trung tâm Văn hoá Pháp khi đã cởi mở dành không gian cho những nghệ sĩ trẻ với cách thực hành nhiếp ảnh khác biệt, có thể trở thành bệ phóng cho tên tuổi nghệ sĩ sau này.
Triển lãm Một thành phố khác – Công cộng, riêng tư, thầm kín
Nghệ sĩ: Joseph Gobin & Phương Nguyễn
Giám tuyển: Mai Nguyên Anh
Địa điểm: Sảnh triển lãm Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội – L’Espace, 24 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Thời gian: 07/11 đến 30/12 năm 2019
Miễn phí vào cửa.