Đầu tháng 9, tôi có biết tin một khoá học thuần về ảnh đường phố sắp diễn ra ở Hội An. Khoá học do Phong Nguyễn tổ chức – một cái tên khá nổi danh trong cộng đồng với tư cách quản trị viên group Vietnam Hardcore Street Photography cũng như bộ sưu tập sách ảnh đáng nể của mình. Tôi đã xem hình anh Phong nhiều qua Instagram và sẵn không có mấy kiến thức về nhiếp ảnh, nên nhân dịp này đăng ký tham gia để học hỏi thêm về thể loại này từ anh. Trong 4 ngày liên tiếp, 7 học viên chưa bao giờ thử sức với ảnh đường phố đã lang thang ngóc ngách phố Hội để thực hành.
Phong Nguyễn đã sinh sống và làm việc ở Hội An đến nay tròn 10 năm. Trước đây, anh từng đứng lớp các khoá học ảnh đường phố mini cho du khách tại Hoi An Photo Tour & Workshop. Về lý do đằng sau quyết định tổ chức một khoá học riêng lần này, anh Phong chia sẻ: “Mình nhận thấy khái niệm và thực hành ảnh street của các bạn vẫn chưa rõ ràng, cộng với việc ở Hội An ngoài ảnh travel nặng tính thương mại kiểu “di sản vô giá” được tán tụng quá mức thì mặt bằng chung của nhiếp ảnh Hội An không có gì mới, khá thô cứng và lạc hậu, nên mình nghĩ giới thiệu một thể loại khá mới mẻ cũng là cách hay để sân chơi có nhiều màu sắc hơn.” Với anh, khoá học lần này đặc biệt hơn một chút vì thuần về ảnh đường phố – một thể loại mà theo anh giờ đã mang tính phổ quát hơn nhiều so với thời gian trước đây.
Hào hứng chờ đến khoá học – cũng là khoá học về nhiếp ảnh đầu tiên tham gia, tôi hình dung trong đầu rằng sẽ tha hồ ngồi một chỗ tiếp thu kiến thức, mà quên mất hỏi anh về chương trình thực tế sẽ ra sao để… chuẩn bị tâm lý.
Trong buổi đầu tiên dự lớp, tôi được biết mình sẽ không chỉ ngồi ở một không gian cố định để “nghe giảng” mà còn phải trực tiếp thực hành chụp ở nhiều địa điểm của Hội An mỗi ngày. Điều khiến một “tay mơ” như tôi càng mơ hồ không biết mình có theo kịp chương trình hay không vì vốn ngại tiếp cận người lạ, bị “nhát tay”, lần lữa trước những cú bấm máy mà để cơ hội, khoảng khắc đáng chụp vụt qua mất. Nhưng rất vui và may mắn là tôi cùng các học viên khác, cùng là những người lần đầu làm quen với ảnh đường phố, đều đã đi đến được từ đầu đến cuối khoá học và thu được những kết quả mong muốn.
Ngày học đầu tiên bắt đầu với các khái niệm cơ bản về ảnh đường phố, các kỹ thuật thị giác có thể vận dụng như đưa vào các yếu tố đối nghịch (juxtaposition), khung trong khung (frame in frame), lớp lang hay mảng sáng tối. Các học viên được giới thiệu những bức ảnh đường phố tiêu biểu của những tên tuổi lớn qua những bộ sưu tập sách của người hướng dẫn, và những những bức ảnh độc đáo, mới mẻ của các tài năng trẻ trên Instagram. Chiều nắng đậm tháng cuối hè hôm đó cũng là là buổi thực hành chụp đầu tiên tại phố cổ Hội An.
Khoá học và người hướng dẫn đã thổi vào mỗi người một thứ có thể gọi bằng độc một từ đơn giản nhưng mang nhiều ý nghĩa – “street”.
Ngay khi bắt tay vào thực hành, các học viên đã bước đầu biết được thế nào là chụp ảnh đường phố và nhận ra được những điểm mình cần khắc phục với nhận xét nhanh của người hướng dẫn. Anh luôn ở gần quan sát cách học viên chụp để hiểu hơn về mỗi người, và cũng cùng chụp ngay tại chỗ để cho học viên một ví dụ trực quan về cách thực hành. Như với tôi, qua những gì thể hiện trong ảnh chụp, anh Phong nhận ra ngay vấn đề và gợi mở cho tôi chụp những gì phù hợp với tính cách mình hơn, vì ảnh đường phố đâu chỉ xoay quanh việc tiếp cận nhân vật, đặc tả khuôn mặt hay các kỹ thuật thị giác.
Nếu ngày đầu tiên của khoá học khiến các học viên có phần quá tải vì rất nhiều kiến thức mới thì ngày 2 với một sự cố xảy ra tại biển Cửa Đại khi nhóm học viên đang thực hành chụp ở đây tiếp tục đem đến một trải nghiệm thú vị nữa, bao hàm cả kiến thức, kinh nghiệm trong đó.
Lúc đó, nhóm nữ du khách nước ngoài trên bãi biển đã phản ứng khi thấy một học viên hướng ống kính về phía mình và chụp. Họ tiến lại chất vấn, tự động lấy máy ảnh xem hình và xóa đi nhiều hình trong máy trước sự bối rối của nhóm bạn đang vô tư thực hành chụp ảnh. Anh Phong nhanh chóng có mặt để giải thích cho nhóm du khách, bất chấp sự không đồng tình cương quyết từ họ.
Về sự cố kể trên, anh Phong chia sẻ từ kinh nghiệm của mình: “Những “tai nạn” đến từ phản ứng của người được chụp ở những nơi công cộng thực sự cũng xảy ra, tần suất gặp phải tùy vào thái độ và kinh nghiệm của người chụp. Có thể các học viên hơi bị choáng sau sự cố đó. nhưng mình hy vọng cách mình đứng ra giải quyết vấn đề và bảo vệ ảnh của các bạn không bị xoá là một cách thị phạm tốt để các bạn hiểu rõ quyền lợi của mình khi chụp ảnh nơi công cộng. Đó là một trải nghiệm thú vị. Và những việc vậy sẽ còn xảy ra, nhưng không vì thế mà nhiếp ảnh gia street ngừng chụp street. Lời khuyên của mình là hãy chuẩn bị tinh thần cho việc đó.”
Trước khi bắt đầu buổi tổng kết, 5 giờ sáng hôm đó cả nhóm đã ghé thăm bến cá Duy Hải, Quảng Nam, cách Hội An 10 cây số. Buổi chụp cuối không làm cả nhóm bớt hào hứng mà trái lại tất cả đều hăng hái “thu hoạch” từ không khí mua bán nhộn nhịp và ánh sáng xiên xiên của giờ vàng. Phần còn lại của ngày, cả lớp cùng ngồi lại thảo luận, chia sẻ, tổng kết những gì đã học được.
Chia tay lớp, người ở lại Hội An, người quay về Sài Gòn, mỗi người lại tiếp tục với công việc, kế hoạch riêng của mình. Khoá học và người hướng dẫn đã thổi vào mỗi người một thứ có thể gọi bằng độc một từ đơn giản nhưng mang nhiều ý nghĩa – “street”. Được học hỏi từ người hướng dẫn và các bạn học viên, đặc biệt là được nhận xét, gợi ý về cách phát triển trong tương lai phù hợp với bản thân, việc tham gia khoá học lần này là một thu hoạch lớn với bản thân tôi. Dù chưa chắc đã theo nghiệp ảnh, những gì học được từ khoá học cũng sẽ giúp tôi “chơi” ảnh đúng cách hơn, bài bản hơn, thi vị hơn.