Makét 02

Bộ Sưu Tập Rollei Của Nhiếp Ảnh Gia 8x

Dân chơi máy film Việt Nam chắc chẳng lạ gì Hoàng Huy, không chỉ với tư cách nhiếp ảnh gia mà còn là người sở hữu bộ sưu tập máy ảnh analog đồ sộ gồm nhiều máy hiếm và máy phát hành hạn chế. Hẹn gặp anh vào một buổi chiều ở Cộng, Matca đã được nghe rất nhiều câu chuyện thú vị về lịch sử các dòng máy cổ trong bộ sưu tập cũng như về hành trình đến với máy film. Và sau nhiều năm đam mê tìm kiếm những cỗ máy tinh xảo này, Hoàng rút ra rằng không có máy nào là chụp “xấu” kể cả khi chúng có không hoàn hảo.

© Hoang Huy
© Hoang Huy

Anh có phải là người có bộ sưu tập nhiều máy ảnh cổ nhất ở Hà Nội bây giờ, nếu không phải là ở Việt Nam?
Anh nghĩ anh là người thuộc thế hệ 8x sưu tầm nhiều máy ảnh film nhất. Sau này anh có biết thêm một số người ở Việt Nam sưu tầm nhiều máy hiếm hơn nhưng họ không phải thế hệ 8x, thường là lớn tuổi và không phải lo về kinh tế. Những người này có sự hiểu biết và đam mê rất lớn với máy ảnh film.

Máy ảnh film không giống với máy ảnh số (DSLR). Máy ảnh số thường có tính thanh khoản rất cao, trong khi máy ảnh film được coi như một dạng đồ cổ để sưu tầm và cần những người có hiểu biết nhất định. Số lượng người có hiểu biết rõ về máy ảnh film ở đây cũng chưa nhiều.

Chắc sẽ không bao giờ có nhiều?
Anh nghĩ trong khoảng 10 năm tới cũng sẽ không nhiều. Ví dụ như anh có một ống kính Kinoptik đắt hơn ống kính Leica rất nhiều nhưng nếu hỏi 10 người thì chắc có lẽ đến 9 người không biết.

Anh có một người bạn Nhật rất am hiểu về máy ảnh film. Chính người bạn đó đã giới thiệu với anh nhiều dòng máy cổ mà anh cũng chưa nghe tên bao giờ. Anh tình cờ biết người bạn này trong một lần ngồi cafe ở Lò Sũ, ông đi qua thấy anh bày nhiều máy film nên tới bắt chuyện. Ông tên là Saito và đang giảng dạy tại trường ĐH Quốc gia.

Anh chụp bằng cả máy số và máy film, vậy khi nào anh dùng thiết bị gì để chụp?
Phần lớn thời gian anh chụp bằng máy số cho công việc chụp ảnh của mình. Máy film anh dùng để chụp người thân trong gia đình và chụp sáng tạo như một thú vui vậy. Thường anh chụp máy film lúc nào có thời gian đi dạo, chụp để giải toả stress. Anh chụp mọi thứ, cả những người anh gặp trên đường, đồ vật, cảnh vật,…

Anh dùng máy ảnh film chụp người trong gia đình vì những khoảnh khắc đó có rất nhiều cảm xúc. Chẳng hạn như anh hay chụp con gái anh bằng rất nhiều loại máy và khổ film khác nhau vì đối với anh đó là một nguồn cảm hứng.

© Hoang Huy
© Hoang Huy
© Hoang Huy

Anh có thể kể thêm về hành trình đến với máy ảnh film của mình?
Máy ảnh đầu tiên của anh là máy số, sau đó anh chuyển sang thử máy film. Dùng máy film rồi anh thấy chất lượng ảnh còn tốt hơn máy ảnh số nên anh bắt đầu tìm hiểu. Máy film hồi đó anh dùng là máy 35mm và cho đến khi cầm trong tay chiếc máy medium format hiệu Rolleiflex đầu tiên thì anh thực sự bị cuốn vào niềm đam mê với máy ảnh film.

Vào thời của anh, ở Hà Nội số lượng máy medium format rất ít, chỉ có một số tay chơi kì cựu mới có. Từ Rolleiflex anh bắt đầu tìm hiểu thêm về các hãng TLR (Twin-lens Reflex – máy ảnh song kính) khác và cả các hãng SLR (Single-lens Reflex – máy ảnh ống kính đơn), tất cả đều là medium format, các khổ khác nhau từ 3×4, 4×4, 6:6, 6:7, 6:8, 6:9, 6:12, 6:17,… Có rất nhiều khổ và mỗi khổ lại có một loại máy khác nhau.

Sau đó anh tìm hiểu sang các kĩ thuật tráng, rửa film. Anh tự tráng scan ảnh đen trắng và học các kĩ thuật về rửa ảnh. Chơi ảnh film có rất nhiều thứ thú vị và các bức ảnh cũng mang lại nhiều cảm xúc. Ví dụ có một số thứ với máy film mà máy số không bao giờ làm được như phơi sáng không bị hạn chế thời gian, máy số có pin nên không thể làm được. Đã từng có người phơi sáng trong vòng một năm. Một ưu điểm nữa ở máy film là việc ghi nhận hình ảnh. Với máy số, thứ để ghi nhận hình ảnh là cảm biến. Ở máy film thì ghi nhận hình ảnh là một tấm film và tấm film này có thể được phóng ra với kích cỡ tuỳ thích.

© Hoang Huy
© Hoang Huy

Điều gì anh thấy thú vị nhất ở dòng máy Rolleiflex?
Với Rolleiflex, anh thấy là không phải máy đắt nhất mới cho ra ảnh đẹp nhất. Giữa một máy hình thức đẹp và một máy hình thức xấu, nhiều lúc chiếc xấu lại cho ra ảnh đẹp hơn. Lí do là vì máy ảnh film đã qua tay rất nhiều chủ và điều quan trọng là những người đó đã sử dụng chiếc máy ảnh như thế nào. Anh luôn quan niệm máy film cũ là máy tốt vì máy đó đã được sử dụng rất nhiều. Máy film còn mới thường mang tính sưu tầm cao, rất ít khi được dùng đến.

Tất cả các máy Rolleiflex hồi xưa đều được lắp ráp bằng tay và kiểm định xem có đúng yêu cầu hãng đưa ra không. Theo một số bài viết anh đọc trên các diễn đàn về Rolleiflex, kỹ sư kiểm định của hãng là một người rất nghệ sỹ. Đôi khi kiểm tra máy lại thêm vào một thứ gì đó và từ đó cho ra đời các bản limited (bản hiếm chỉ sản xuất số lượng rất ít). Ví dụ như với trường hợp của Rolleiflex 3.5T, người kiểm định vào kho thấy còn một ít linh kiện thừa nên lắp thêm vào. Bản 3.5T này về sau bán rất chạy vì máy gọn nhẹ, giá thành vừa phải và cho ra ảnh chất lượng tốt.

Chiếc máy yêu thích nhất trong bộ sưu tập của mình là gì?
Anh nghĩ là có 2 chiếc anh sẽ không bao giờ bán, mà chắc là cũng không bán được. Chiếc thứ nhất là chiếc Rolleiflex đầu tiên anh có, Rolleiflex Original. Máy đó ngoại hình không đẹp lắm, trông khá giống ống bơ. Hồi đấy anh mua chưa đến 100 USD và tình trạng máy gần như hoàn hảo. Anh tình cờ tìm thấy trên mạng và bản thân người bán cũng không biết rõ về chiếc máy này. Họ chỉ ghi chú đó là máy ảnh được ông nội để lại và không biết còn hoạt động không. Máy đó là bản prototype (phiên bản mẫu) của dòng Original, chỉ có 300 chiếc được sản xuất vào năm 1929. Cho đến bây giờ nhiều máy bị thất lạc, trải qua chiến tranh nên anh không rõ trên thế giới còn lại bao nhiêu chiếc.

Chiếc máy thứ 2 anh sẽ không bán là Exakta 66 bản vertical sản xuất năm 1953 rất hiếm. Thỉnh thoảng anh thấy trên eBay có bán máy đó giá khoảng 3,000 – 5,000 USD.

© Hoang Huy
© Hoang Huy

Anh cũng tìm hiểu câu chuyện xoay quanh những chiếc máy ảnh film của mình?
Anh hay tìm hiểu về lịch sử của những chiếc máy ảnh film và những hãng sản xuất. Một điều anh thấy khá thú vị là máy ảnh của quốc gia nào sản xuất đều mang đặc trưng của quốc gia đó.

*Lấy ví dụ “chuyến tàu tự do” của Leica. Công nhân trong nhà máy phần lớn là người Do Thái. Khi Thế chiến thứ II xảy ra, Phát xít Đức muốn giết toàn bộ người Do Thái, vì vậy ông chủ Leica là Ernst Leitz lúc bấy giờ đã cố gắng gửi những công nhân và gia đình người thân của họ lên tàu sang Mỹ, Anh, Pháp, Hồng Kông…Chuyến tàu ấy được gọi là “chuyến tàu tự do” bởi đã cứu sống cho hàng trăm người Do Thái khỏi nạn diệt chủng.

Khi chiến tranh kết thúc, những đại diện của Leica tìm kiếm nơi khác để xây dựng nhà máy và Canada đã được chọn làm vùng đất hứa. Chất lượng sản phẩm ở nhà máy Đức và Canada cũng có một số khác biệt. Nước Đức vốn nổi tiếng về cơ khí nên những gì liên quan đến cấu trúc của vỏ kính sản xuất tại đây rất tốt. Một khác biệt nữa là phôi kính (của thấu kính), vì phôi làm từ cát mà tại Đức không có cát nên sẽ phải nhập cát từ Châu Phi. Trong khi đó nhà máy tại Canada có thể sử dụng nguồn cát bản địa để sản xuất phôi kính. Máy Leica Canada tuy cho ra ảnh đẹp hơn nhưng lại không bền bằng máy Leica Đức, và giá thành cũng rẻ hơn máy sản xuất tại Đức.

Máy ảnh sản xuất tại Đức cực kì bền. Nếu mở một máy Rolleiflex ra sẽ thấy rất nhiều các bánh răng được lắp khớp vào với nhau. Nếu so sánh Rolleiflex với dòng máy Hải Âu của Trung Quốc, cùng một cơ chế lên film nhưng các chi tiết của máy Hải Âu (Seagull) ít hơn hẳn máy Rolleiflex. Vì vậy mà tuổi thọ của máy Hải Âu cũng ngắn hơn nhiều so với Rolleiflex.

Nếu máy ảnh Đức sử dụng vật liệu tốt nhất, làm với cơ chế bền bỉ nhất để cho ra chất lượng tốt nhất với giá rất cao thì máy ảnh Nhật có cơ chế hợp lí, vật liệu vừa phải nhất với giá thành rất kinh tế. Hình thức của máy ảnh Đức nhìn chung trông rất chắc chắn và công nghiệp, trong khi máy ảnh Nhật chạy theo thị hiếu của từng thời kì. Người Nhật dường như đã cóp nhặt được những cái hay của công nghệ chế tác máy ảnh các nước để tạo ra những chiếc máy ảnh riêng của mình.

Những chiếc máy ảnh Pháp cũng mang đặc trưng của người Pháp, đó là khá thời trang và lãng mạn. Anh có một chiếc máy hãng Semflex của Pháp, tên máy dịch ra tiếng Việt là Niềm vui cuộc sống (Joie de vivre). Máy chỉ có 3 tốc độ chụp và hình thức máy trông khá kiểu cách. Chất ảnh của máy ảnh Pháp ra cũng khá mềm mại, diu nhẹ vừa đủ và độ tương phản không cao.

Máy ảnh của Mỹ cũng giống như tính cách của người Mỹ. Hình thức trông khá “cơ bắp”, hầm hố và máy cầm rất chắc. Máy ảnh của Anh thì có thiết kế không được cá tính lắm nhưng lại cho chất ảnh rất trong và sắc nét một cách rất tinh tế.

© Hoang Huy
© Hoang Huy
© Hoang Huy

Thách thức lớn nhất để có được bộ sưu tập máy film hiếm như bây giờ với anh là gì, bên cạnh vấn đề tài chính?
Có lẽ là công sức bỏ ra để tìm được những chiếc máy đó. Anh nghĩ nhiều người có thể bỏ ra số tiền tương đương hoặc nhiều hơn, nhưng ít ai có thể bỏ công sức tìm hiểu và tìm mua từng chiếc máy ảnh như vậy. Có nhiều máy không thể tìm được trên eBay mà phải nghiên cứu trên những trang đặc thù về máy ảnh film viết bằng tiếng Nhật hoặc tiếng Pháp.

Anh có thể đưa ra một lời khuyên tới những người có mong muốn tìm hiểu và chụp ảnh film?
Đừng quan tâm quá nhiều đến thiết bị nếu muốn chơi ảnh film được lâu. Thiết bị là vô cùng và dành nhiều công sức vào đầu tư thiết bị khiến bạn chóng nản.

Sau một thời gian tìm hiểu và dùng qua rất nhiều các dòng máy film, các ống kính khác nhau, anh nhận thấy rằng không có máy nào chụp xấu cả, ngay cả máy bị lỗi về ống kính cũng có thể cho ra chất ảnh rất hay. Quan trọng nhất là những gì được thể hiện qua các bức ảnh, là cảm xúc của người chụp được thể hiện qua những bức ảnh đó.

*Thông tin đã được người phỏng vấn đính chính lại vào ngày 20/09/2017 theo nguồn tin chính thống.

© Hoang Huy
© Hoang Huy

Hoàng Huy hiện là ông chủ của Sáng Studio. Ngoài bộ sưu tập “khủng” những máy film cổ đời hiếm, anh còn tổ chức giảng dạy các lớp nhiếp ảnh ngắn hạn tại Hà Nội và quản lí cửa hàng bán máy film Shutter Shop.