Makét 02

Biết Mua Film Gì Với 100 Ngàn Đồng Đây?

Trót mê film khi còn đang đi học nhưng mình vẫn cố cắn răng thử nhiều nhất các loại film cơ bản có thể. Số tiền 100.000 nghìn bố mẹ cho mình mỗi tuần thay vì dù để mua các nhu yếu phẩm hàng ngày, xăng xe… thì đã được dành cho cuộn film và “vỗ béo” các lab film ở Hà Nội. Sau một quá trình dài nhịn ăn mua film thì mình đã rút ra được một số đặc điểm cơ bản mà các bạn cần chú ý và nên biết về những loại film phổ biến, dễ tiếp cận có giá dưới 100.000 đồng.

Khái niệm “phổ biến” và “dễ tiếp cận” mà mình muốn đề cập tới có thể hiểu như sau:
-Người dùng dễ dàng mua các loại film này ở hầu hết các lab tráng rửa film khắp cả nước.
– Giá thành tương đối thấp (từ 50.000 – 100.000 đồng).
– Chụp được trong nhiều hoàn cảnh, nhiều mục đích.
– Tất cả là film 135mm.

Xin lưu ý rằng màu của ảnh không chỉ phụ thuộc vào film mà còn ở những yếu tố khác như ống kính, ánh sáng tại thời điểm chụp, máy scan lẫn người chỉnh màu khi scan, nên những nhận xét thu nhặt từ kinh nghiệm cá nhân dưới đây chỉ mang tính tham khảo. Nếu bạn cũng muốn thử nghiệm và tìm hiểu trước khi tiêu những đồng tiền xương máu thì đọc tiếp nhé!

Fujifilm Industrial 400. © Long Nguyen

1. Agfacolor Vista.
– Khoảng 65.000 đến 80.000 đồng.
– ISO 200 hoặc ISO 400
– Một cuộn (roll) có 24 hoặc 36 frames.

Agfa từng là một tên tuổi lớn của Đức có tiếng trên toàn Châu Âu những thập niên trước, có thể đứng ngang hàng với Kodak của Mỹ và Fuji của Nhật. Một sự thật thú vị là hầu hết ảnh mà phóng viên nước nhà chụp trong chiến tranh Việt Nam là sử dụng film Afga do Liên bang Xô Viết trợ cấp. Thế nhưng theo sự thoái trào của máy ảnh film, tên tuổi Agfa đã dần trôi vào quá khứ. Công ty AgfaPhoto ngày nay cũng không còn hoạt động sôi nổi như trước.

Thường xuyên xuất hiện nhiều ở dạng indate (còn hạn sử dụng), Agfa Vista đem lại dải màu tươi, rực rỡ; đặc biệt ở màu đỏ rực như vỏ film. Màu xanh da trời và màu xanh lá cây là thế mạnh của Vista, được thể hiện một cách hài hòa và nhẹ nhàng trong điều kiện ánh sáng tốt. Ngược lại màu đỏ và cam thường bị đẩy lên quá mức, ảnh nếu chụp trong điều kiện thiếu sáng sẽ dễ bị ám đỏ, ám cam.

Vista sẽ là một lựa chọn tồi nếu bạn định chụp chân dung hay bất cứ gì liên quan đến con người. Da người sẽ đỏ như tôm luộc và khiến cho mẫu ảnh của bạn như người Sao Hỏa. Mình khuyên dùng Agfa Vista với thể loại ảnh phong cảnh, thiên nhiên; đặc biệt là ngoài bãi biển, chân trời. Ngoài ra, chất lượng grain của Afga Vista cũng rất tuyệt vời nữa.

Tips:
– Hạ 1 chút EV xuống!
– Không dùng Vista để chụp người.

Afga Vista 200. © Long Nguyen
Afga Vista 200. © Long Nguyen
Afga Vista 200. © Long Nguyen
Afga Vista 400. © Chi Nguyen

2. Fujilm C200/Fuji nội địa.
– Khoảng 60.000 đến 100.000 VNĐ.
– Fujifilm C200: ISO 200 – 36 frames/cuộn.
– Fujifilm nội địa: ISO 100 – 24 frames/cuộn.

Đây là hai mẫu film nổi tiếng của Fuji được nhiều người biết tới tại Việt Nam. Thể hiện đúng chất ám xanh nổi tiếng như màu vỏ film, Fuji cho ra màu của cây lá, thiên nhiên rất đẹp, phù hợp để chụp phong cảnh khi đang lên rừng xuống biển.

Hơn thế nữa, Fuji thích hợp cho nhiều điều kiện ánh sáng khác nhau. Cho dù ảnh có hơi cháy sáng hoặc thiếu sáng một chút, chất ảnh của Fuji vẫn sẽ được giữ nguyên. Màu sắc hiện lên rất tự nhiên và được lòng nhiều người mới chơi.

Tips: Không nên dùng loại film này trong điều kiện trong nhà hoặc trong bóng râm, khi trời âm u… vì sẽ cho ra màu bệt, grain dày ngay cả với loại film ISO 400.

Fujifilm C200. © Linh Nguyen
Fujifilm Industrial 100. © Long Nguyen
Fujifilm C200. © Manh
Fujifilm C200. © Linh Nguyen

3. Kodak Colorplus.
– Khoảng 40.000 đến 50.000 đồng (hết hạn) – còn hạn: 60.000 đến 80.000 đồng.
– ISO 200.
– 36 frames/cuộn.
– Dễ mua, tiệm nào cũng bán.

Một loại film có thể khá chất lượng; nhưng lại xuất hiện nhiều ở Việt Nam đa số dưới dạng outdate (hết hạn sử dụng).

Kodak Colorplus ám vàng nặng, grain dày; thích hợp với những tay máy mới chơi, cần tìm một loại film rẻ, nhanh gọn để tập (như mình khi mới bắt đầu) hoặc những tay máy tìm kiếm chất ‘hoài cổ’ trong những bức ảnh của mình.

Mình có cảm giác rất nhiều ứng dụng tạo filter film ngày nay được lấy cảm hứng từ Colorplus, người ta coi màu của Colorplus như là chuẩn mực cho những bức ảnh film hoài niệm. Tone màu xanh da trời đẹp, màu da người không quá gắt có lẽ sẽ là sự lựa chọn thích hợp trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, từ chụp phong cảnh cho đến chân dung.

Tips: Dùng trong điều kiện đủ sáng để cho ra kết quả tốt nhất.

Kodak Colorplus 200. © Ha Dao
Kodak Colorplus 200. © Ha Dao
Kodak Colorplus 200. © Khac Hieu
Kodak Colorplus 200. © Hien Dang

4. Kodak Gold/Ultramax.
– Khoảng 75.000 đến 90.000 đồng.
– Kodak Gold : ISO 200/400 – Kodak Ultramax: ISO 400.
– Kodak Gold: 24 – 36 frames/cuộn ( Ở Hà Nội thường bán loại 24 frames, vỏ có màu tím).
– Kodak Ultramax: 24 frames/cuộn.

Với đặc trưng ám vàng của film Kodak, Gold/Ultramax vẫn luôn là sự lựa chọn của nhiều tay máy. Mình đặc biệt ấn tượng với cách Gold/Ultramax thể hiện màu xanh lá cây – đầy tự nhiên và ‘sâu’; không quá gắt và chói như nhiều loại film thông dụng khác.

Sự nhẹ nhàng trong việc thể hiện sắc trắng và xanh khiến Gold/Ultramax rất thích hợp để chụp chân dung. Màu da người sẽ hiện lên đầy chân thực. Rất nhiều nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp đã dùng Gold/Ultramax để chụp những bộ ảnh chân dung của mình.

Vốn dĩ Gold/Ultramax đã ám vàng, nên các bạn nên tránh chụp trong những điều kiện nắng gắt mà hãy chọn thời điểm ánh sáng dịu nhẹ.

Tips: Khuyên dùng với lens có coat ám xanh (như Helios) để được kết quả ấn tượng nhất.
Tránh chụp khi trời nắng gắt.

Chúc các bạn đốt film vui!

Kodak Ultramax 400. © Long Nguyen
Kodak Gold 400. © Manh
Kodak Gold 400. © Hien Dang
Kodak Ultramax 400. © Hien Dang

Đức Việt và Đức Minh là hai bạn học sinh hiện đang sinh sống ở Hà Nội. Mục tiêu lớn nhất của cả hai bạn bây giờ là vượt qua ngưỡng cửa đại học và tiếp tục dành thật nhiều thời gian nghiên cứu, phát triển đam mê nhiếp ảnh của bản thân.
Kết nối với Việt và Minh tại InstagramBôke.