Makét 02

Nhiếp Ảnh Như Một Lối Vào Lịch Sử

Là nghệ sĩ người Úc gốc Việt, Phương Ngô luôn đau đáu với câu hỏi mình đến từ đâu. Những tác phẩm nghệ thuật của anh sử dụng nhiếp ảnh như một phương thức khảo cứu, nhằm lật lại danh tính của chính anh trong lịch sử chung. Phương Ngô chia sẻ với Matca về tiềm năng vượt lên mặt phẳng in của nhiếp ảnh, góc nhìn khác về chiến tranh qua kho lưu trữ ảnh cá nhân, và những tầng lớp phức tạp khi là một người Việt sinh ra tại Úc.

© Phuong Ngo

Nhiếp ảnh nằm ở đâu trong thực hành nghệ thuật của anh?
Tôi không thực hành nhiếp ảnh theo lối thông thường mà liên kết chặt chẽ tới nghệ thuật ý niệm. Tuy vậy, có thể nói rằng nền tảng của thực hành này vẫn là công cụ nhiếp ảnh. Tôi quan tâm đến di sản và lịch sử của gia đình mình, nhưng rộng hơn là lịch sử của chính cộng đồng người gốc Việt và của Việt Nam, mối quan tâm này cũng chạm tới chủ nghĩa thực dân, chiến tranh, xung đột và chủ nghĩa đế quốc. Như vậy thực hành của tôi xoay quanh tiềm năng của nhiếp ảnh, những gì hình ảnh có thể nói lên với sự trợ giúp của nhận thức, lịch sử, thời gian, cũng như những nghiên cứu mà hình ảnh có thể dẫn tới.

Mối quan tâm của anh tới nhiếp ảnh đã xuất phát như thế nào?
Là con của những người tị nạn, tôi khó có thể theo đuổi nghệ thuật khi vẫn còn sống chung với gia đình. Tôi bắt đầu học Nghiên cứu châu Á, rồi lại tiếp tục theo một bằng nghiên cứu Chính trị mà đã không diễn ra như mong đợi. Trong khoảng thời gian này, tôi mới bắt đầu xem xét lại các ý tưởng và định nghĩa về nghệ thuật, điều đó đã khiến tôi bỏ ngang và đăng ký vào trường nghệ thuật.

Mối quan tâm tới nhiếp ảnh của tôi tới khá ngẫu nhiên. Tôi cần đăng ký học trường nghệ thuật nhưng đã chẳng làm gì liên quan trong vòng 7 năm, vậy nên tôi quyết định cầm máy ảnh lên và chơi đùa với nó. Tôi bắt đầu nhìn lại lịch sử của gia đình mình, và câu chuyện về những người Việt tị nạn là gần gũi nhất. Chiến tranh Việt Nam dần trở nên nổi bật trong nghiên cứu của tôi, bởi đó là một “điểm nóng” giúp tôi thấu hiểu sự tồn tại của mình. Nguồn hình ảnh trong nhiếp ảnh vốn phong phú nhất nên nó đã trở thành phương tiện chính trong thực hành nghệ thuật.

© Phuong Ngo
© Phuong Ngo

Cuộc điều tra lịch sử của cá nhân anh và của cộng đồng người gốc Việt được thể hiện rõ trong dự án The Vietnam Archive Project. Kho lưu trữ hình ảnh cá nhân này đã định hình và định hướng thực hành của anh ra sao?
Dự án thu thập ảnh cá nhân đã bắt đầu khá tình cờ. Vào thời điểm đó, tôi gần như đã dừng lại việc chụp ảnh theo cách truyền thống, và bắt đầu thử nghiệm với những hình thức mở rộng khác của nhiếp ảnh. Tôi tham khảo trên mạng và tình cờ bắt gặp một tập film dương bản trên eBay, do người vợ của một lính Mỹ rao bán sau khi ông qua đời. Việc tôi có thể mua chúng như một món hàng cũng thật kỳ lạ, như thể chúng chẳng có gì quý giá. Phần lớn kho ảnh đến từ Mỹ và Pháp, còn mua từ Úc thì rất khó. Hiện nay kho lưu trữ đã lên đến khoảng 20,000 tấm ảnh, chủ yếu là ảnh in và film dương bản, bên cạnh đó cũng có hiện vật, sách và ảnh gia đình.

Tôi có những ranh giới nhất định trong việc sưu tập. Chúng phải là một bộ đầy đủ, một cuốn album hoặc cả tập film dương bản, vì tôi đang thu nhặt một câu chuyện, một trải nghiệm toàn bộ về cuộc chiến. Thực hành của tôi nặng tính nghiên cứu, và tôi cũng coi việc nghiên cứu như là một nghệ thuật thực sự. Kho lưu trữ này là một lĩnh vực nghiên cứu khổng lồ, và cũng là một tác phẩm nghệ thuật phản ánh cách suy nghĩ, giám tuyển và sưu tập của tôi.

Những tấm hình này phần lớn do lính Mỹ chụp. Anh có nhận ra những mô-típ nào xuất hiện trong đó không?
Khi xem chuỗi hình này, tôi thấy đây là những chàng trai rất trẻ – cách chụp và chủ thể đã chỉ ra rằng họ là những người trẻ tò mò không biết chính xác mình đang làm gì. Rất nhiều trong số đó chỉ lang thang, gặp mấy cô gái địa phương hay tới thăm những vùng lân cận. Tôi cũng có một nhóm hình do một vị quan chức cao hơn chụp trong những kỳ nghỉ lễ, có nhiều tấm chụp từ máy bay và không có tấm nào trên chiến tuyến.

Một điểm chung nữa là nhãn hiệu thuốc lá Park Lane được bán tại khu vực Đông Nam Á trong chiến tranh. Những năm 60 – 70 là đỉnh điểm của phong trào hippie và tình yêu tự do tại Mỹ và Úc. Loại “thuốc” phổ biến là cần sa, và cần sa được buôn bán dưới dạng thuốc lá Park Lane tại Sài Gòn. Tôi xem lại ảnh và nhận ra mấy chàng trai này thực chất đang rất phê pha. Thật kỳ lạ khi nghĩ rằng họ đang chiến đấu ngoài mặt trận, nhưng cùng lúc cũng thuộc về một thứ văn hoá nhóm cấp tiến. Tại nước Mỹ nơi quê nhà họ, những gì họ làm đang bị kịch liệt phản đối.

© Phuong Ngo
© Phuong Ngo
© Phuong Ngo

Đó là những khía cạnh hầu như hoàn toàn vắng bóng trong hình ảnh chúng ta thường thấy về chiến tranh Việt Nam. Nếu so sánh ảnh cá nhân với những tấm ảnh báo chí đã thành biểu tượng, sự khác biệt ở đây là gì?
Chúng gần như là một sự đối nghịch hoàn toàn với ảnh báo chí. Người chụp không tìm kiếm sự kịch tính, và họ cho thấy một bức tranh đầy đủ hơn về những gì đang xảy ra trong cuộc chiến từ một góc nhìn riêng. Dù đây chỉ là một mặt của vấn đề, góc nhìn này toàn diện và cá nhân hơn rất nhiều. Ảnh báo chí không nhất thiết phải nêu tên tuổi, nhưng với những tấm ảnh cá nhân này, bạn có thể thấy tên của họ trên ve áo, vai áo và tìm được đích danh họ là ai.

Trong triển lãm về kho lưu trữ gần đây, anh đã trưng bày hình ảnh với nhiều chất liệu khác nhau như thế nào?
Tác phẩm đầu tiên trong triển lãm, Colony, sử dụng ảnh tôi tìm được trong một khu chợ ở Sài Gòn. Khuôn mặt của Alexandre de Rhodes được dán đè lên khuôn mặt của người Việt trong mỗi tấm chân dung. Tác phẩm này quan sát cách mà danh tính được hình thành bởi lịch sử thuộc địa. Người Pháp đã để lại ảnh hưởng tới danh tính Việt Nam, nhưng trước đó còn cả ngàn năm Trung Quốc đô hộ. Đây là lí do tại sao cấu trúc treo những tấm ảnh này trông rất Trung Quốc, màu đỏ, cách treo, nút thắt đều là những biểu tượng Trung Quốc.

Một tác phẩm khác có tên là The Hunt. Sắp đặt này bao gồm một tấm ảnh da hổ trên hộp đèn và loạt chăn dệt kỹ thuật in hình xác của lính Việt Nam Cộng Hoà. Nó suy xét việc biến người lính thành công cụ của chiến tranh, quá trình cơ giới hoá trong chiến tranh và trong việc tạo nên những tấm chăn này. Và cuối cùng, chiến tranh là gì ngoài bài toán kinh tế của cái chết.

Tác phẩm đầu tiên tôi làm từ kho lưu trữ có tên là Apocalypse Now and Then. Đây là một loạt ảnh chụp trực thăng được tua đi tua lại, lồng nhạc nền Ride of Valkyries và câu nói nổi tiếng “I love the smell of napalm in the morning” (tạm dịch: “Tôi yêu mùi bom napalm vào buổi sáng”) trong bộ phim Apocalypse now. Tác phẩm khám phá không gian giữa lịch sử và hư cấu, liệu qua thời gian cái này có thể thay thế cái kia. Nó truy vấn vũ trụ điện ảnh, sự phức tạp trong cách chúng ta nắm bắt thông tin, phần nào của lịch sử được trình bày và những khoảng trống nào đang bị bỏ lại hay được tô đậm.

© Phuong Ngo
© Phuong Ngo

Anh cởi mở nói về những thất bại – khi anh quay trở lại trại tị nạn để tìm cách tái hiện hành trình trên thuyền đau thương của cha mẹ đến Úc. Tại sao anh cho rằng đó là thất bại? Và theo đuổi một điều không thể có ích gì?
Tôi đã có những hình dung rất lãng mạn về việc tìm hiểu trải nghiệm của cha mẹ bằng cách quay trở lại những điểm quan trọng trong hành trình di cư của họ.

Tác phẩm đầu tiên mà tôi thực hiện về lịch sử gia đình có tên My Dad the People Smuggler. Tôi đã đi và quay phim hành trình của họ từ Việt Nam tới đảo Bidong. Tôi đến thăm trại tị nạn, lên thuyền, quay về khu nghỉ mát ở bãi biển tư nhân này, rồi phóng tầm mắt đến trại tị nạn trên bờ biển. Khi nhận ra rằng trải nghiệm của tôi về nơi chốn này hoàn toàn không giống với cha mẹ, tôi cảm thấy nỗ lực này đã thất bại.

Sự thất bại cũng có vẻ đẹp riêng, vì tôi đã cố gắng làm gì đó để tôn vinh cha mẹ và để học hỏi. Thất bại cố hữu này sẽ luôn xảy ra bất kể tôi làm gì để tiếp cận với lịch sử ở mức độ sâu hơn là qua lời kể. Khi thừa nhận rằng mọi thứ đều là một thất bại xinh đẹp, tôi quyết định sẽ đi tiếp.

Theo quan sát của tôi, những nghệ sĩ gốc Việt thường có xu hướng làm tác phẩm về chiến tranh và danh tính mâu thuẫn của mình. Anh nghĩ tại sao xu hướng này lại tồn tại?
Tôi phải di cư vì hoàn cảnh chứ không theo chủ đích. Tôi thấy rằng đây là trường hợp chung của nhiều nghệ sĩ gốc Việt tại Úc và các nước phương Tây, bởi họ sinh sống ở một nơi mà luôn nhắc họ rằng họ không thực sự thuộc về. Từ khía cạnh lịch sử, đây là nỗi đau được tiếp nối từ việc làm con của những thuyền nhân. Tôi sinh ra tại Úc nhưng đi khắp nơi trong đất nước này tôi đều bị hỏi rằng tôi đến từ đâu. Và khi quay lại Việt Nam, rõ ràng tôi cũng không hoàn toàn thuộc về nơi đây và tiếp tục nhận được câu hỏi tương tự. Tất cả các tác phẩm của tôi đều xoay quanh ý tưởng giải mã câu hỏi mình đến từ đâu. Trong quá trình tự vấn, tôi đã phát triển mối quan tâm tới lịch sử rộng hơn.

© Phuong Ngo
© Phuong Ngo
© Phuong Ngo

Theo anh, tính Việt Nam là gì?
Tôi chỉ có thể nói về tính Việt Nam của chính mình, đó là ý nghĩa của việc tồn tại như một người Việt không sinh sống tại Việt Nam. Phải tìm tính Việt Nam của tôi qua những sự kiện lịch sử xảy ra trước khi tôi có trên đời, và cố gắng hiểu những quân cờ domino đã dẫn tới sự tồn tại của mình ngày hôm nay. Tôi cho là tính Việt Nam của tôi được xây dựng bằng những câu hỏi, về tôi là ai, lịch sử đã tạo ra tôi như thế nào, và tôi phải đi sâu vào lịch sử tới đâu để hiểu. Tôi đang trả lời câu hỏi của bạn với rất nhiều câu hỏi lớn nhưng thực sự là tôi phải làm như vậy.

Phương Ngô là một nghệ sĩ thị giác sống tại Melbourne, Úc. Anh tốt nghiệp cử nhân Mỹ thuật tại Đại học RMIT năm 2012. Thực hành nghệ thuật của anh sử dụng nhiều phương tiện như nhiếp ảnh, video, sắp đặt và trình diễn. Hiện nay anh đang phát triển Hyphenated Projects, một không gian giới thiệu tác phẩm của các nghệ sĩ người Úc gốc Á ở bang Victoria, và hợp tác sáng tạo cùng nghệ sĩ Hwafern Quach với dự án Slippage.
Kết nối với anh qua Instagram.

Nguyễn Phương Thảo tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Truyền thông tại Đại học Toulouse Jean Jaurès (Pháp) với trọng tâm là văn hoá thị giác. Các bài viết của cô đã được đăng trên Diggit Magazine.
Kết nối với Thảo qua Facebook.