Khoá học Hà Nội On The Go diễn ra bên lề Triển lãm Ảnh Báo chí Thế giới tại Hà nội, do Matca tổ chức dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam. Trong vòng ba ngày cuối tuần từ 17-19/12, 13 học viên trẻ đã hoàn thiện một dự án ảnh nhỏ dưới sự hướng dẫn của hai nhiếp ảnh gia, biên tập ảnh Maika Elan và Phương Hoàng.
Trong buổi gặp mặt đầu tiên, các học viên đã được giao một đề tài mang tính thời sự: chụp tàu điện Cát Linh – Hà Đông mới đi vào hoạt động trong thời gian gần đây. Việc di chuyển trên một phương tiện công cộng mới sẽ giúp đem lại những trải nghiệm khác lạ về thành phố quen; đồng thời, đây cũng là thách thức khi mỗi người phải tìm kiếm cách tiếp cận riêng cho cùng một chủ đề trong khoảng thời gian ngắn.
Các học viên đã nỗ lực thực hiện câu chuyện bằng những cách thức đa dạng: tìm cách xâu chuỗi các ảnh đơn bằng điểm tương đồng thị giác thị giác, quan sát hành khách, kiến trúc thành phố từ trên cao, lồng ghép những cảm xúc nội tâm, chọn điểm nhìn từ khung cửa sổ căn hộ ngay sát nhà ga, hay trình diễn trên tàu và chụp lại. Hãy cùng xem thành quả lao động của họ dưới đây.
Nguyễn Phi Cường
Bộ ảnh là tập hợp những gì màu xanh xuất hiện trên đường tàu như trang phục, kiến trúc, ánh sáng, biển chỉ dẫn, gạch lát nhà ga.
Đặng Thùy Anh
Những hành động riêng tư trên một không gian công cộng, vào một ngày bình thường trên một chuyến tàu chung.
Lê Nguyên Phương
Khi ghé thăm lại Hà Nội sau 12 năm xa nhà, tác giả ghi lại nhật ký hành trình từ căn hộ nhỏ của người bà tới bến tàu Cát Linh rộng 18 000 m². Anh chụp những con người đang trong hành trình của riêng mình, có người đi tìm một đích đến, có người mong đợi được về nhà giống như anh.
Nguyễn Khánh Linh
Bộ ảnh được chụp tại căn nhà riêng của ông bà tác giả nằm ngay dưới chân nhà ga. Qua góc máy cố định, bộ ảnh ghi lại chuỗi sinh hoạt thường ngày, khi mà từ rất lâu rồi nhà ga và những chuyến tàu qua lại đã không còn là mối bận tâm của các thành viên trong gia đình.
Nguyễn Thị Minh Ánh
Chân dung những nhân viên làm việc tại nhiều bộ phận trên chuyến tàu Cát Linh – Hà Đông, những con người nhỏ bé đằng sau hệ thống to lớn.
Hoàng Thanh Tùng
Tác giả sử dụng kỹ thuật chồng hình để lồng ghép khung cảnh trên và dưới đường tàu.
Nguyễn Vũ Như Quỳnh
Chọn thời điểm chuyến tàu cuối trong ngày của tuyến đường sắt trên cao, bộ ảnh ghi lại con người, cảnh vật và những xúc cảm riêng tư. Quá trình thực hiện khiến tác giả nhớ về những chuyến tàu cuối cùng ở các vùng đất cô từng đi qua.
Phạm Quang Bách
Như đã trở thành thông lệ, bất cứ thứ gì xuất hiện và làm khác đi cuộc sống nơi thành phố ngột ngạt đều được giới trẻ biến thành “địa điểm check-in”. Bộ ảnh phản ánh cách người trẻ tiếp cận cái mới, phảng phất trong đó là sự kết nối giữa người với người trong không gian này.
Nguyễn Quang Đô
Quan sát của tác giả về tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông cả trên cao và dưới mặt đất vào một ngày bình thường, với những câu hỏi về tính hiệu quả, sự ảnh hưởng xen lẫn đôi chút tò mò.
Nguyễn Thành Trung
Những biện pháp phòng chống dịch COVID-19 đang được thực thi tại nhà ga và tàu điện.
Phạm Quyết Thắng
Tác giả thử nghiệm với chụp cảnh tĩnh nhằm thoát khỏi lối nắm bắt hành động tiêu biểu trong phóng sự ảnh. Khi bầu trời bắt đầu chuyển tối, ánh đèn xanh từ các nhà ga trên cao toả xuống cảnh quan xung quanh. Liệu ánh sáng đó có nói lên sự hiện đại của Hà Nội?
Phạm Thái Sơn
Tác giả chọn góc nhìn từ khung cửa sổ – điều đã luôn thu hút cậu từ những ngày thơ bé, khi đi trên những chuyến tàu về quê cùng gia đình, cùng bạn bè rong ruổi trên những cung đường đi chơi xa, hay một mình trong xe bus trên đường đi học. Từ khung cửa, tác giả có thể ngắm nhìn cuộc sống bên ngoài với những cảnh vật xung quanh liên tục thay đổi.
Vũ Khôi Nguyên
Trước khi đi vào hoạt động chính thức, đường sắt trên cao Cát Linh Hà Đông đã hình thành một mối quan hệ đặc biệt với môi trường đô thị xung quanh. Tác giả đã khám phá mối quan hệ này, nơi con người, thiên nhiên và kiến trúc cùng trở thành một đại diện chung của quá trình đô thị hoá tại thành phố.