Makét 02

Prune Phi: Ba Cuộc Gọi Đến Việt Nam

 

Là người Pháp với một phần tư gốc Việt, nghệ sĩ thị giác và nhiếp ảnh Prune Phi luôn trăn trở trước sự phai mờ dấu vết của lịch sử gia đình qua mỗi thế hệ, không chỉ trong văn hóa mà cả cơ thể. Trong chuỗi tác phẩm giao thoa giữa nhiều chất liệu, cô đặt câu hỏi về cơ chế của di truyền, ký ức và sự đa căn tính thông qua cách tiếp cận tạo hình với nhiếp ảnh.

Từ năm 2017, cô bắt đầu lên đường tìm kiếm những mảnh ghép trong lịch sử cá nhân. Kết quả của hành trình xuyên lục địa đó lần lượt là hai dự án Long Distance Call (Cuộc Gọi Đường Dài) Appel Manqué (Cuộc Gọi Nhỡ). Trong chương trình lưu trú Villa Saigon năm 2020, Prune hoàn thành Hang Up (Gác Máy), chương cuối của cuộc điều tra bằng hình ảnh tại nơi chứa một phần cội rễ của mình. Tất cả khởi nguồn từ cuộc gọi tới những người họ hàng mà cô chưa từng gặp mặt. 

 
© Prune Phi
 

Từ miền nam nước Pháp qua Mỹ rồi đến Việt Nam, công cuộc tìm kiếm nguồn gốc của bạn đã tiến triển như thế nào?

Dự án Long Distance Call được thực hiện trong sáu tháng sống cùng những người họ hàng Việt của tôi ở Mỹ. Đây là nỗ lực giải đáp thắc mắc về sự nối truyền trong gia đình, bao gồm những điều không được truyền lại hay chia sẻ. Tôi gặp khó khăn về giao tiếp với thế hệ lớn tuổi, không chỉ do rào cản ngôn ngữ mà bởi có nhiều chuyện khó giãi bày, thậm chí còn cấm kỵ, gắn liền với những tổn thương trong quá khứ. Vậy là tôi hướng về anh chị em họ mình và giao lưu với các tổ chức sinh viên. Mối quan tâm của tôi tới thế hệ trẻ bắt đầu từ đó, rồi tiếp nối trong dự án Appel Manqué khi trở về Pháp. Tôi muốn biết thế hệ thứ hai, thứ ba tiếp nhận văn hóa Việt ra sao. Điểm khởi hành là câu chuyện của riêng tôi, nhưng qua việc gặp gỡ nhiều người trẻ gốc Việt, tôi đã thu lượm được những mảnh còn thiếu để tái dựng danh tính của mình. 

Chương cuối cùng, Hang Up (Gác Máy), tiếp tục khai thác đề tài tuổi trẻ. Nhan đề này lấy cảm hứng từ một câu thoại thường thấy trong phim tuổi teen, bạn biết đấy, lúc nhân vật nói “Không, cậu dập máy trước đi”. Tôi muốn khép lại với dư âm này, khi ta còn nhiều điều muốn thổ lộ nhưng đã đến lúc gác máy. Điều thú vị trong giao tiếp qua điện thoại chính là khoảng cách: người ở đầu dây bên kia hiện diện qua giọng nói nhưng đồng thời vẫn cách xa. Đó là một phương thức kết nối đặc biệt.

 
© Prune Phi
© Prune Phi
 

Nhiếp ảnh nằm ở đâu trong thực hành nghệ thuật tạo hình đa chất liệu của bạn? 

Tôi sử dụng nhiếp ảnh như một phương tiện nghiên cứu, để thu thập và lưu trữ những quan sát, trải nghiệm và cuộc gặp. Chụp ảnh là bước đầu của quá trình sáng tạo. Sau đó, tôi chỉnh sửa và dán ghép ảnh mình chụp với ảnh tư liệu, hình tạp chí, nội dung chữ, video. Nhiếp ảnh không bao giờ xuất hiện nguyên vẹn và đơn chiếc trong tác phẩm của tôi, mà chính sự liên kết giữa những mảnh ghép và chất liệu mới tạo nên ý nghĩa. Tôi nghĩ cách thực hành này xuất phát từ nhu cầu làm sáng tỏ những thành tố, nguồn gốc khác nhau định nghĩa nên tôi là ai. 

 
© Prune Phi
 

Trong tác phẩm collage của bạn, nhiếp ảnh thường tập trung tái hiện những chi tiết cơ thể. Ảnh đơn sắc phần nào gợi liên tưởng tới hình ảnh y khoa. Dường như bạn có mối quan tâm đặc biệt tới cơ thể?

Tôi đã luôn yêu thích ngành sinh học và hình ảnh giải phẫu. Những chất vấn về di truyền chính là điều thôi thúc tôi tìm hiểu sâu hơn về gốc gác Việt của mình. Việc lựa chọn hình thức collage và chia nhỏ hình ảnh cũng là một thử nghiệm để thấu hiểu cách căn tính hình thành trong cơ thể con người, tương tự như ngành giải phẫu học mổ xẻ cơ thể thành nhiều phần để nghiên cứu. Trong nhiều dự án, tôi đã có dịp cộng tác với các nhà khoa học về thị giác, trí nhớ và thần kinh. Những góc nhìn của họ có sự ảnh hưởng lớn đến cách tôi tiếp cận đề tài.    

 
© Prune Phi

Qua lần trao đổi với một nhà thần kinh học, tôi được biết về hiệu ứng ký ức giả, nghĩa là những gì ta nhớ luôn tự tái tổ chức và biến đổi theo thời gian, thậm chí có thể trôi dạt về địa hạt hư cấu. Tôi khai thác chính khía cạnh này khi thực hiện sắp đặt. Tôi không muốn kể mãi một câu chuyện, bởi ký ức và cách nhìn nhận của chính tôi cũng thay đổi theo năm tháng.

 

Long Distance Call đã được phát triển thành nhiều triển lãm ở Pháp và châu Âu, mỗi lần triển lãm như một tác phẩm sắp đặt riêng biệt. Bạn có thể chia sẻ về các cách trình bày tác phẩm đa dạng này?

Tôi hiếm khi trưng bày bản gốc. Khi làm triển lãm, tôi luôn hình dung xem tác phẩm có thể tương tác với không gian ra sao. Tôi cũng tư duy về tác phẩm tại một thời điểm cụ thể. Qua lần trao đổi với một nhà thần kinh học, tôi được biết về hiệu ứng ký ức giả, nghĩa là những gì ta nhớ luôn tự tái tổ chức và biến đổi theo thời gian, thậm chí có thể trôi dạt về địa hạt hư cấu. Tôi khai thác chính khía cạnh này khi thực hiện sắp đặt. Tôi không muốn kể mãi một câu chuyện, bởi ký ức và cách nhìn nhận của chính tôi cũng thay đổi theo năm tháng.

Tại Festival Nhiếp ảnh trẻ Châu Âu Circulation(s), Paris, tôi thực hiện sắp đặt cho dự án Long Distance Call xoay quanh khái niệm “băng qua”. Tôi trưng bày các bức collage bên cạnh một video không tiếng, không hình, chỉ có phụ đề là lời kể của bác tôi về hành trình di cư qua đường biển. Phông nền là một collage khác bao gồm những mảnh xé ra từ một hình ảnh mặt biển và ảnh chụp màn hình phim tài liệu về chiến tranh Việt Nam. Khoảng trống lộ ra giữa các đường xé gợi lên một hành trình đứt đoạn. Màu trắng và khoảng trống là phần cốt yếu để thể hiện sự im lặng mà tôi thường đối diện trong cuộc tìm kiếm của mình. Tôi muốn đem lại hình hài cho điều không hiện diện.

 
© Prune Phi
© Prune Phi
 

Tác phẩm của bạn nhằm ghi lại và tái hiện cái vắng mặt: phần căn tính thất lạc, ký ức ẩn giấu, di sản đánh mất. Làm sao tái hiện được những điều này bằng hình ảnh?

Tôi không sử dụng nhiếp ảnh đơn thuần. Việc làm biến đổi hình ảnh – phân tách, đổi màu, trích ra một chi tiết trừu tượng, hay ẩn danh chủ thể, là chơi đùa với danh tính và sự nhận dạng, đưa hình ảnh ra khỏi bối cảnh ban đầu để phóng chiếu câu chuyện cá nhân lên. Những mẩu băng dính trong collage giống như băng gạc mà ta có thể gỡ ra và dán lại, gợi lên tính tạm thời và mong manh của ký ức. Tôi cũng vẽ bổ sung những gì còn thiếu, hoặc để thể hiện những cảm xúc mà ảnh chụp không biểu đạt được. Sự hội tụ của tất cả những yếu tố này giúp tôi phần nào có thể khôi phục được lịch sử cá nhân.  

Bạn đã đến Việt Nam vào cuối năm 2019, rồi sau đó quay trở lại trong khuôn khổ chương trình lưu trú Villa Saigon không lâu trước khi đại dịch bùng phát. Mối quan hệ giữa bạn và Việt Nam đã thay đổi thế nào sau hai chuyến đi?

Trong ba tháng đầu tiên tại đây, tôi mới chớm hiểu về một văn hóa không có mấy điểm chung với cái mà tôi đã biết ở Mỹ và Pháp. Vào thời điểm đó, tôi tưởng rằng cuộc tìm kiếm đã gần chạm tới hồi kết, nhưng rồi chuyến đi mở ra thật nhiều hướng đi nằm ngoài dự tính. Quay trở lại TP HCM vào đầu tháng 03/2020 trong bối cảnh đặc biệt, tôi chỉ có một tuần rưỡi “tự do” trước khi dành toàn bộ thời gian còn lại để sáng tác tại nhà, sử dụng những tấm ảnh chụp từ chuyến đi trước. Rồi tôi phải rời Việt Nam sớm hơn dự định, trong sự gấp gáp. Đó là một sự bất lực khác, khi những điều nằm ngoài kiểm soát một lần nữa ngăn cản tôi tìm hiểu sâu hơn về Việt Nam, kể cả khi đã tới đây. Mặt khác, khoảng thời gian này cho phép tôi có cái nhìn bình thản hơn về quá trình sáng tác của mình. Tuy là một dự án với nhiều trắc trở và thất vọng về những điều bất khả, nhưng đó chính là một phần vốn có của công việc sáng tạo. Tương tự, tôi học cách đón nhận sự thật rằng tôi không thể biết tường tận nguồn gốc của mình, khi nhận ra những khoảng trống là cần thiết để mỗi cá nhân tạo dựng lên bản thân.

 
 
 
© Prune Phi
© Prune Phi
 

Giờ đây, khi nghĩ về Việt Nam, hình ảnh nào đến với tâm trí bạn?

Vẫn là một hình ảnh với nhiều khoảng trống thôi thúc tôi tìm kiếm thêm, nhưng có phần làm tôi yên lòng hơn. Tôi đặc biệt nhớ đồ ăn, bởi rốt cuộc thì tôi đã trải nghiệm Việt Nam trong giai đoạn giãn cách xã hội qua những bữa ăn đặt về nhà. Và khung cảnh nhìn từ cửa sổ căn hộ lưu trú, nơi tôi đã dành hàng giờ đứng ở ban công và quan sát cuộc sống bên ngoài diễn ra trước mắt. Một hình ảnh được thấy từ xa, phấp phới, mà tôi không thể chạm tới.

 
© Prune Phi
 

Prune Phi (1991) là nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia người Pháp. Sau khi học Nghệ thuật Tạo hình, nhận bằng Thạc sĩ về Sáng tác Nghệ thuật và hoàn thành một năm lưu trú tại Viện Nghệ thuật và Thiết kế Birmingham, cô tốt nghiệp Trường Nhiếp ảnh Arles năm 2018. Trong tác phẩm của mình, cô đặt câu hỏi về cách thức lưu truyền ký ức trong gia đình và cộng đồng. Thực hành của cô tập trung vào hình thức sắp đặt và collage, kết hợp nhiếp ảnh, hình họa, tư liệu được tìm thấy, văn bản và video. Các dự án của cô đã được trưng bày tại Trung tâm Hình ảnh Địa Trung Hải, SiFest Off tại Ý và Liên hoan Nhiếp ảnh Quốc tế Arles tại Pháp.