Makét 02

Polaroid – Kí Ức Trong Lòng Bàn Tay

Khi máy Polaroid (máy ảnh chụp lấy liền) được đưa ra thị trường vào cuối những năm 40, nó lập tức trở thành một hiện tượng. Từ gia đình đến nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên nghiệp, tất cả đều mê ảnh lấy liền, sự tiện dụng, tông màu lãng mạn, đặc biệt là trải nghiệm thi thú mà việc chụp ảnh mang lại. Như một phép thần trong lòng bàn tay, film lấy liền biến quá trình làm ảnh rườm rà nhiều công đoạn thành một vài giây chờ đợi. Nhưng thời hoàng kim của Polaroid chẳng kéo dài lâu. Khi kỷ nguyên số phát triển cùng điện thoại thông minh hiện diện khắp mọi nơi, ảnh lấy liền không còn là độc quyền của Polaroid và công ty đã buộc phải phá sản ít lâu sau đó. Nhưng film lấy liền thực tế sống dai hơn dự đoán: năm 2015, film lấy liền của hãng Fuji là sản phẩm bán chạy nhất trên chuyên mục máy ảnh của Amazon. Hiển nhiên là cộng đồng nhiếp ảnh Instagram khổng lồ ngày nay đã lấy cái tên từ tấm film nhỏ này.

Trước thời kỹ thuật số, dùng máy Polaroid cũng giống việc bây giờ nhà nhà dùng điện thoại chụp ảnh, đơn giản nhằm mục đích lưu lại những khoảnh khắc đời thường. Vậy nên rất khó để giải thích tại sao nhiều người vẫn dành sự ưu ái đặc biệt cho film lấy liền khi giờ đây điện thoại luôn kề tay, ảnh ra cũng nhanh gọn tiện lợi mà lại chẳng tốn xu nào. Hay đây lại là một trào lưu hoài cổ nữa? Vì tông màu nhẹ nhàng mơ màng đáng đồng tiền bát gạo? Hay có lẽ bởi vì khi nhìn khuôn hình và màu sắc hiện lên trên tấm film viền trắng một cách tĩnh lặng và từ tốn, ta được an ủi rằng dù khoảnh khắc đã trôi qua, ta vẫn còn sự hiện diện hữu hình của nó ở đây, trong lòng bàn tay. Nhu cầu ghi lại thời gian hay làm thời gian ngưng lại là một nhu cầu rất con người đã có từ lâu, nay trở nên thiết yếu hơn nữa khi nhịp sống ngày càng bận rộn quay cuồng.

© Instax Camera

Quay trở lại thị trường với sản phẩm phổ biến Fuji Instax Mini 8 nhỏ nhắn xinh xắn, ấn tượng về máy chụp lấy liền thường gắn với những tấm ảnh selfie hay đi tiệc, chụp lại thời gian vui vẻ bên nhau. Có thể nói rằng bởi tính ngẫu nhiên, tông màu lệch chuẩn và khả năng bị mờ nhoè cao, film lấy liền thường được sử dụng để lưu lại những khoảnh khắc thường nhật thân thuộc hơn là theo đuổi một dự án ảnh nghiêm túc. Nhưng chính những đặc trưng vốn được coi là hạn chế đó lại ẩn chứa khả năng sáng tác nghệ thuật chưa được khai thác.

Andrei Tarkovsky, đạo diễn điện ảnh Xô Viết nổi tiếng với những cảnh quay chậm rãi, đã dùng film lấy liền để bắt lấy những khoảnh khắc chớp nhoáng từ dòng thời gian chảy không ngừng nghỉ. Ông lưu lại cách ánh sáng đậu trên lọ hoa, một sớm lạnh mù sương ở xứ Bạch Dương hay sự hiện diện âu yếm của người vợ và chú chó nhà. Những chủ đề quen thuộc hiện lên ảnh của Tarkovsky qua cái nhìn yêu thương và cũng đầy nhung nhớ. Dù con người cảnh vật trong cuốn tự truyện bằng hình này vẫn đây, tĩnh như bất động, ảnh để lại cảm giác mang mác buồn như một lời tiễn biệt. Tarkovsky có một nỗi ám ảnh đặc biệt với thời gian, theo ông, thời gian không phải một yếu tố trừu tượng không cầm nắm được, nó hiện hữu và có trọng lượng nặng nề. Loạt ảnh polaroid này hoàn toàn có thể là một tác phẩm nghệ thuật độc lập, nhưng ta có thể nhận ra dấu ấn của triết lý làm phim của ông về việc miêu tả thời gian như một yếu tố hữu hình. Tông màu ám xanh của film tô đậm thêm sự hoài niệm và huyền hoặc, gợi nhớ đến một lời nhận xét về những tác phẩm điện ảnh của Tarkovsky: chúng “nắm bắt cuộc sống như một sự phản chiếu, như một giấc mơ”, thể hiện nỗi ưu tư về sức nặng của quá khứ và sự tồn tại ngắn ngủi của con người trên chốn trần ai.

© Andrei Tarkovsky
© Andrei Tarkovsky
© Andrei Tarkovsky

Việc một tấm film có thể tự hiện thành ảnh đã từng là một hiện tượng thần kỳ – nhờ những thành phần hoá học đặc biệt trong film, quá trình tráng rọi phức tạp chỉ còn là vài giây ngồi không chờ đợi. Chính sự sẵn có này đã khiến film lấy liền trở thành công cụ hoàn hảo để Mike Brodie ghi lại những cuộc gặp gỡ thoáng chốc với những đứa trẻ bụi đời khi anh theo chân những con tàu chở hàng vòng quanh nước Mỹ. Năm 2004 khi Broadie 17 tuổi, anh quyết định đi du lịch khắp đất nước bằng cách nhảy tàu chở hàng, từ chuyến này sang chuyến khác. Vô tình nhặt được một chiếc SX-17 ai đó bỏ quên, anh bắt đầu dùng nó để chụp chân dung những người bạn đồng hành trên chuyến đi ngắn ngủi, biệt danh “đứa trẻ polaroid” gắn với anh từ đấy. Brodie quá hiểu cuộc hội ngộ chẳng phải chuyện thường với những kẻ lữ hành, và sau này anh thú nhận rằng có rất ít cơ hội gặp lại những người anh đã chụp trong cuốn sách “Tones of Dirt and Bone”. Chỉ sự tiện dụng của Polaroid đã khiến anh có thể chia sẻ ngay những tấm chân dung với bạn đồng hành trong chốc lát.

Film lấy liền không rẻ và chỉ có 10 tấm mỗi hộp. Hơn một năm sau, dòng film này ngừng sản xuất, buộc Brodie phải ngừng dự án này để chuyển sang film 135. Nhưng chính bởi số lượng ít ỏi đó, mỗi tấm hình, mỗi khoảnh khắc đã trở nên độc nhất. Cuốn sách ảnh kể súc tích tinh thần phiêu lưu của chàng trai trẻ, những cuộc gặp gỡ tình cờ, và thực tế không mấy lãng mạn của cuộc sống coi đường là nhà trong đằng đẵng hai năm. Nhưng cũng bộc phát như khi bắt đầu cầm máy và sống trên đường, Brodie bất ngờ bỏ ngang, quay lại với cuộc đời “bình thường” của mình, tạm biệt lối sống lang bạt, những cuộc gặp gỡ chóng vánh và cả chiếc máy ảnh.

© Mike Brodie
© Mike Brodie
© Mike Brodie
© Mike Brodie

Như Mike Brodie, nhiếp ảnh gia Jamie Livingston quá cố cũng sử dụng chiếc SX-70 để ghi lại cuộc hành trình của mình – nhưng thay vì đi tha thẩn, anh biết rõ con đường này đang dẫn tới đâu. Livingston bắt đầu chụp một tấm Polaroid mỗi ngày từ hồi còn là sinh viên và vẫn tiếp tục sau khi anh biết mình bị u não. Dự án “Photo of the day” của anh được thực hiện cho tới ngày 25 tháng 10 năm 1997 khi anh trút hơi thở cuối cùng. Sau 18 năm, 6697 tấm ảnh Polaroid còn lại. Ít lâu sau, người bạn thân của Livingston đã thu thập tất cả những tấm Polaroid này và tổ chức triển lãm tại trường đại học Bard College nơi Livingston theo học và bắt đầu chụp ảnh. Hơn 6000 tấm ảnh đặt trong không gian hơn 90m2, sắp xếp theo thời gian tuyến tính, kể câu chuyện về cuộc đời và cái chết của một thanh niên. Livingston đã ghi lại mọi thứ, bạn bè, món ăn, bạn gái và sau này là vợ, quang cảnh thành phố, bản thân mình khi khoẻ mạnh và bệnh tật, những giây phút thường nhật và những cột mốc trong đời. Những tấm ảnh đứng một mình không có mấy ý nghĩa nhưng khi được xếp đứng cạnh nhau thành một sê-ri, chúng tự tạo nên cốt truyện cho riêng mình. Một người bạn của Livingston đã nói về bộ sưu tập: “Khi tôi nhìn một tấm ảnh có tôi trong đó hay biết câu chuyện xảy ra trong ảnh, tôi như có thể đi ngược thời gian và nhớ lại tất cả mọi thứ xảy ra ngày hôm đó”. Câu chuyện của Livingston và Brodie, hai người sử dụng máy chụp lấy liền để lưu lại những ngày hữu hạn của mình trước khi biến mất, đưa ra một kết luận buồn nhưng có phần trung thực về việc con người sử dụng nhiếp ảnh như một kho bảo quản kí ức: khi người không còn đây, không còn giọng nói tiếng cười, những tấm ảnh hai chiều chẳng níu giữ được gì.

© Jamie Livingston
© Jamie Livingston
© Jamie Livingston
© Jamie Livingston
© Jamie Livingston

Không phải là những bản in lớn hay ảnh treo đóng khung, film lấy liền chỉ sản xuất ra tấm ảnh nhỏ khiêm tốn đủ để cầm trên tay. Khi hiện nay máy ảnh đua nhau sản xuất máy ảnh độ phân giải lớn, sự độc nhất và gần gũi của film lấy liền là một lựa chọn vừa hoài cổ vừa mới mẻ. Những câu chuyện được kể bằng Polaroid bài nhắc đến có lẽ hơi nặng nề, nhưng ta hoàn toàn có thể sử dụng film lấy liền để chụp những thứ nhẹ nhàng, để kỷ niệm những dấu ấn đặc biệt trong đời.

© Aaron Huey

Khi giới thiệu cậu con trai 4 tuổi Hawkeye đến với nhiếp ảnh, NAG Arron Huey của tạp chí National Geographic không nghĩ tới việc cho cậu dùng một chiếc iPhone. Trong chuyến du lịch đầu tiên của hai bố con, Huey tặng cậu bé một chiếc máy ảnh film giống như máy chính anh dùng khi còn trẻ. Một phần vì nỗi luyến tiếc máy film, một phần vì anh không muốn một cậu bé học chụp ảnh bằng cách bấm liên tiếp vào màn hình một thiết bị điện tử. Anh muốn quá trình đó diễn ra từ từ, mỗi tấm ảnh phải có ý nghĩa riêng, và cậu bé có thể cầm ảnh trên tay hay cất chúng trong hộp. Khái niệm chụp ảnh để lưu giữ kỉ niệm vốn xa lạ với cậu nhóc nhiều năng lượng này – cậu khám phá mỗi ngày với niềm vui thú vô tận, và coi việc chụp ảnh đồng nghĩa với những cuộc trò chuyện hay nụ cười của mọi người xung quanh. Những tấm film lấy liền của Hawkeye không hoàn hảo – có những tấm mờ, out nét, cắt chân tay chủ thể. Chúng đầy lỗi và cũng đầy tự do phóng khoáng.

© Hawkeye Huey
© Hawkeye Huey
© Hawkeye Huey

Không kể đâu xa, NAG Linh Phạm đã dùng máy Instax Mini 90 Neo Classic phổ biến và 10 hộp film để chụp ảnh cho đám cưới người bạn của anh. Đây là những tấm ảnh cưới dễ thương và đáng nhớ. Không biết sau này chúng sẽ trở thành ký ức ngọt ngào hay cay đắng, nhưng ta có thể nói gì ngoài “Carpe Diem” – hãy sống trọn với ngày hôm nay?

© Linh Pham