Bước vào phòng, khán giả đối diện với hình ảnh chiếc ô đỏ đơn độc che nắng cho những nén hương cắm ngoài biển. Tấm ảnh với màu sắc rực rỡ và tươi sáng được in khổ lớn choán một bức tường, dẫn dắt người xem vào một cuộc hành trình kì lạ.
Những Cuộc Đối Thoại (C)âm là triển lãm cá nhân đầu tiên của Đạt Vũ tại Việt Nam, mở màn cho chương trình Materialize do Trung Tâm Nghệ Thuật Đương Đại The Factory tổ chức. 43 tấm ảnh và một sắp đặt video 2 phút rưỡi trong đây là một phần của dự án dài hơi nhằm khám phá tính tâm linh, mê tín trong những thực hành tín ngưỡng đời thường của người Việt ngày nay. Đạt đã đi khắp Việt Nam để sáng tác, từ nông thôn đến thành thị, từ không gian công cộng tới riêng tư. Chuyến đi dài này không chỉ nhằm mục đích tìm hiểu đất nước mà còn là quá trình Đạt cố gắng nắm bắt danh tính của mình sau nhiều năm học tập tại nước ngoài và mất kết nối với xã hội Việt Nam đang chuyển mình từng ngày.
Bước vào không gian triển lãm, khán giả có thể cảm thấy choáng ngợp và không rõ phải bắt đầu từ đâu với khá nhiều những tấm ảnh cỡ vừa và lớn co cụm lại với nhau. Tuy vậy, nơi treo ảnh khá rộng rãi và tác phẩm được sắp xếp có chủ đích với sự chuyển tông màu mượt mà; có hiệu quả dẫn dắt người xem đi từ ngần ngại tới hiếu kì. Nấn ná thêm một chút, khán giả sẽ bị hút vào một thế giới khác, nơi của địa hình kì quặc và màu sắc biến ảo.
Đạt truyền tải những suy nghĩ phóng khoáng của mình vào những hình ảnh không theo quy tắc. Không có tấm nào trực tiếp miêu tả những nghi thức, cách thực hành tôn giáo tín ngưỡng thường thấy. Thay vào đó, ta gặp những khoảnh khắc dễ bị bỏ qua trong cuộc sống thường ngày mà không kèm tựa đề hay chú thích nhằm đẩy người xem tới một định hướng hình dung cụ thể. Không tập trung vào chốn đền chùa, ống kính của Đạt hướng đến một tấm áo mưa trên phố, một người đàn ông cúi rạp dưới tấm rèm xanh hay nhóm thanh niên chơi điện tử dưới bàn thờ treo tường – những khung cảnh quen thuộc hiện lên siêu thực với một ẩn ý hài hước. Trong góc tường là một sắp đặt video trong chiếc bàn thờ ông Địa nhỏ. Dù ảnh của Đạt có thể tạo cảm giác xa cách với nhiều người, đoạn phim ngắn ghi lại cảnh một con lợn đang bị làm thịt hay một bia mộ đang bị đập bỏ lại rất sống động và lôi cuốn bởi tại/ bất chấp sự bạo lực của nó. Người xem dán mắt vào màn hình theo dõi, cố gắng tìm một cái kết có ý nghĩa nhưng vô vọng.
Người viết cũng rời triển lãm với những cảm xúc mơ hồ. Tôi không được biết những câu chuyện đằng sau mỗi tấm hình, cũng như không thấy được nội dung của tuyên ngôn nghệ thuật “mong muốn làm nổi bật vai trò của phong tục truyền thống trong thời kì Việt Nam đang nhanh chóng thay đổi và hoà nhập vào kỷ nguyên mới”; dù hoàn toàn hiểu cách tiếp cận cá nhân tới vấn đề mang tính vĩ mô của nghệ sĩ. Tuy vậy, hình ảnh và quan sát của nghệ sĩ vẫn cuốn hút tôi. Những chi tiết nhỏ như một ngọn gió bất ngờ tốc rèm bay lên, chú mèo trèo lên ban thờ uống nước hay người phụ nữ đứng tần ngần như trời trồng giữa mưa giông. Giữa chốn trần gian, ta có thể thấy những dấu hiệu của sự kết nối với thế giới bên kia, với cái chưa được biết và phi vật chất.
Tại buổi khai mạc, nhiếp ảnh gia đồng thời là nhà sáng lập InLen Gallery – Quang Lâm cũng chia sẻ sự bối rối của anh trước chuỗi ảnh lộn xộn. Dù người xem có thể ra về với cảm giác không thoả mãn khi không có một cốt truyện cụ thể, Những Cuộc Đối Thoại (C)âm vẫn là một show thành công về góc độ thể hiện triết lý cá nhân độc đáo của nghệ sĩ về việc giao tiếp bằng hình ảnh. Đây là một dự án nhiều triển vọng và tôi mong đợi nghệ sĩ sẽ tiếp tục sáng tác và sản xuất tác phẩm hoàn chỉnh hơn. Đạt Vũ đã mang tới một tiếng nói trẻ, tươi mới và cần thiết trong thời điểm thị trường đã bão hoà với những hình ảnh “Việt Nam đất nước con người”.
Triển lãm Những Cuộc Đối Thoại (C)âm
Địa điểm: Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory 15 Nguyễn Ư Dĩ, P.Thảo Điền, Q.2, TP.HCM
Thời gian: 10/8 đến 17/9 năm 2017.