MATCAxC4 JOURNAL: Đối thoại nhiếp ảnh giữa Việt Nam & Vương quốc Anh
Chuỗi bài viết thảo luận những khía cạnh đa dạng xoay quanh hình ảnh. Do Quỹ Digital Arts Showcasing của Hội đồng Anh tài trợ.
????✍️??
Không thể phủ nhận rằng cộng đồng queer*, dù chiếm thiểu số trong xã hội, là một mắt xích trong cấu thành xã hội và văn hóa Việt Nam. Họ xuất hiện trên phim ảnh và truyền thông đại chúng, qua lời truyền miệng hay những cuộc chạm mặt ngoài đời. Tuy đã phải trải qua một hành trình dài để có thể hiện diện công khai, người queer đa số vẫn phải tuân theo quy chuẩn chuyên biệt về cách cư xử và trình diện bản thân.
Nhiếp ảnh, với bản chất tức thời và khả năng cho người chụp toàn quyền kiểm soát, tạo cơ hội để người queer chủ động dựng lên một không gian riêng, nơi thực trạng queer có thể le lói một cách thực lòng. Với hy vọng phác thảo các hướng đi và hệ quả của những thực hành đó, tôi liên hệ với bốn nghệ sĩ: Mắt Bét, Hoàng Anh Nguyễn, Nguyễn Quốc Thành và Kai Nguyễn, để thảo luận về các phương thức mà hình ảnh có thể trau dồi hay soi rọi những căn tính và trải nghiệm queer đương thời.
Nhật ký cuộc sống thường nhật của Mắt Bét cùng bạn gái được cô chia sẻ trên trang Instagram cá nhân và gần đây là trong triển lãm nhóm Bảo tàng Tan Vỡ (2021). Đúng như tựa đề Bên nhau, người bạn gái hiện lên gần đến giật mình, chỉ cách máy ảnh không hơn một sải tay, như thể bất kỳ xáo trộn thỏ thẻ nhất cũng sẽ tác động lên dáng điệu bình thản của cô. Cự ly gần ấy là điểm tương phản với bộ ảnh Yêu là Yêu (2012) nổi tiếng của Maika Elan ra mắt gần mười năm trước. Dù cùng khai thác khung cảnh đời tư, Maika giữ khoảng cách với chủ thể, nhất quán với vị trí là người quan sát đơn thuần. Mắt Bét xóa đi khoảng cách đó. Ngay cả khi cô không xuất hiện trong khung hình, sự cận kề của người chụp cũng toát lên bao trìu mến không giấu diếm. Ta ngầm hiểu bối cảnh ở đây là không gian sinh hoạt chung của hai người.
Ảnh của Mắt Bét gửi gắm một lời mời trải nghiệm những cung bậc cảm xúc mong manh và chân thành trong mối quan hệ queer từ góc nhìn người trong cuộc. Thông điệp này được nhấn mạnh trong thiết kế triển lãm Bảo tàng Tan vỡ. Bước bộ lên tầng lửng và qua hành lang, người xem dừng chân trước một tấm màn che in hình đồ lót treo trên giàn phơi. Mắt Bét chia sẻ rằng đồ phơi lẫn lộn của cặp đôi ngoài ban công giúp một phần che giấu đời tư khỏi ánh nhìn của cư dân bên căn hộ đối diện. Còn tại triển lãm, mảnh vải trong mờ lại không có tác dụng phân cách, mà đóng vai trò thuyên chuyển tâm thế người xem từ người ngoài cuộc thành khách ghé thăm. Khoảng phòng trưng bày tác phẩm nửa kín nửa hở, tựa góc nhà ấm cúng nơi gác xép. Tại đây, bản in cỡ nhỏ treo tường kéo người xem tiến lại gần, tương tự việc bước vào cuộc sống riêng tư của cặp tình nhân, nơi tình yêu được thổ lộ qua những cử chỉ dung dị. Việc trao cho người xem những trải nghiệm thân mật này xuất phát từ sự tin cậy của Mắt Bét nơi những vị khách tới thăm nhà, rằng họ sẽ bước khỏi căn phòng tái dựng ấy thêm phần thấu hiểu và cảm thông với thế giới quan của chủ thể queer.
Nếu đồ lót trong ảnh Mắt Bét được coi như minh chứng cho cuộc sống bên nhau, thì chiếc áo nịt ngực (binder) lại là vật thể đầy mâu thuẫn trong bộ ảnh Gender Bound (2019) của Hoàng Anh Nguyễn. Một mặt, áo nịt ngực giúp Hoàng Anh tự tin hơn khi siết lại một bộ phận mà cô, với định danh là butch*, không muốn phô ra ngoài. Mặt khác, món đồ tác động vật lý lên cơ thể, tạo cảm giác gò bó khó chịu và thậm chí có thể để lại hậu quả lâu dài về sức khỏe. Việc trình diễn với áo nịt ngực trước ống kính là cách để cô truy vấn mối quan hệ với món đồ tưởng chừng vô tri mà bao hàm nhiều rắc rối. Trong bức ảnh đầu, cô soi mình trong gương khi đang cố chèn nén ngực bằng áo nịt. Hình dạng bộ ngực bó chặt được tái hiện ở bức tiếp theo, lần này do một cô gái giấu mặt ôm ghì. Không còn bận chỉnh sửa áo nịt cho vừa vặn, Hoàng Anh thả lỏng tay trên mắt cá chân người kia. Thay đổi trong điệu bộ đi liền với biến chuyển trong tâm lý: cô chia sẻ rằng mình không còn muốn chịu đựng sự bức bối khi phải nịt ngực nữa, rằng bạn tình theo lẽ thì vẫn yêu cô dẫu cơ thể có được cải hoán theo ý nguyện hay không.
Gender Bound được Hoàng Anh đăng tải trên trang web cá nhân, tiết lộ với khán giả nỗi khổ sở riêng tư và độc nhất của những cá nhân quyết đánh đổi nỗi đau thể xác để có được hình ảnh cơ thể tương thích hơn với bản dạng giới. Cô không ít lần trăn trở trước quyết định công khai những khoảnh khắc riêng tư, để lộ không những da thịt mà còn cả muộn phiền về hình ảnh cơ thể, những tâm tư vốn thường giấu kín hay chỉ thì thầm với người thân cận nhất. Việc trình bày dự án cởi mở như vậy đồng nghĩa với việc bản thân cô trước hết phải thừa nhận và chấp nhận sự bất toàn của thân trạng hiện tại. Qua đây, Hoàng Anh mong muốn chia sẻ nỗi niềm với gia đình và bạn bè, những ai chưa hiểu được trải nghiệm sống bất đồng với đặc điểm sinh học và chưa công nhận sự chính đáng của biểu hiện giới nằm ngoài tiêu chuẩn về tính nam, tính nữ. Xuất phát điểm là phương thức để nghệ sĩ đối mặt với sang chấn tâm lý cá nhân, dự án cũng mang hy vọng rằng khi tiếp xúc đủ nhiều, khán giả sẽ dần coi những thân thể bất tuân với chuẩn mực về giới là lẽ thường tình của cuộc sống vốn muôn hình vạn trạng.
Nguyễn Quốc Thành cũng nhận định thân thể queer không phải là một thực thể trung lập mà là nơi tiềm ẩn những khao khát và xung đột. Loạt ảnh trong tác phẩm Lost Pixels (2016) được lấy từ các ứng dụng hẹn hò và nền tảng chia sẻ ảnh khiêu dâm đồng tính nam rồi trải qua công đoạn xóa bỏ mọi dấu vết vật chất của thân thể. Ảnh được in trên decal trong suốt và dán lên cửa kính trong triển lãm Mise-en-scene (2016) tại Nhà Sàn Collective, lúc ấy còn toạ lạc trên tầng cao của tòa nhà Hanoi Creative City. Những chi tiết tiết lộ danh tính đã biến mất, nhưng đường viền còn lại vẫn cho ta hình dung về những thân hình săn chắc, điểm xuyết nào là vòng eo thon gọn, tấm lưng vạm vỡ, bờ mông cong. Đây là những lý tưởng trong cộng đồng đồng tính nam vốn đặt nặng tiêu chuẩn ngoại hình, coi cơ thể như vật giá cho mọi trao đổi tình dục, hay đối tượng cho sự ham muốn và tôn thờ.
Tại triển lãm, khoảng trống của những cơ thể vô hình được lấp đầy bởi nhiều chủ thể khác nhau tuỳ vào góc nhìn và thời điểm trong ngày, như là bầu trời xanh mời gọi mơ mộng ái tình, hay mái nhà lổn nhổn và xe cộ đan xen của thủ đô. Sự vắng mặt của nhân vật khiến ánh nhìn dạt tới hậu cảnh trong hình. Cùng lúc, tâm trí người xem cũng thoát ra khỏi không gian triển lãm và hướng ra thực tại đô thị bên ngoài.
Thành chia sẻ rằng thao tác xoá bỏ cơ thể chỉ là phương tiện để từ đó hé mở những gì mắt ta dễ bỏ qua. Thông qua đây, anh đề xuất cái đẹp hay nghệ thuật tồn tại ngoài kia nơi đường phố chứ không bó buộc trong bốn bức tường, và cộng đồng đồng tính nam phải chăng có thể nhìn nhận nhau bằng chuẩn mực nào đó thay vì gọng kìm của vẻ đẹp ngoại hình. Bên cạnh đó, cách xử lý hình ảnh cũng nhen nhóm một ý niệm khác về thực trạng queer. Việc xoá đi thân thể tước bỏ hiệu ứng mãn nhãn đối với người đồng tính nam—đối tượng gốc cho những hình ảnh này. Một khi không còn kích thích giác quan, ta chợt nhận ra sợi chỉ len lỏi xuyên suốt loạt ảnh. Trình diễn trước ống kính, mọi chủ thể đều khao khát cảm giác được ai khác thèm muốn; họ dò tìm trong những cơ thể săn chắc bảnh bao một cơ hội được gần gũi và yêu thương.
Mối quan hệ queer không nhất thiết phải được soi chiếu qua lăng kính của tình dục và yêu đương. Với Kai Nguyễn, thay vì tình dục hoá hay lãng mạn hoá, sự thân cận chiếm vị trí trung tâm trong mối quan hệ giữa nhiếp ảnh gia và nhân vật. Kai nhìn thấy một phần bản thân mình trong bạn bè của anh, tin rằng căn tính của mỗi người được hình thành bởi cộng đồng mà họ thuộc về. Những dự án chữ xen hình như (On) queerxposure và chiếu | uềihc mà Kai hợp tác với Phạm Thu Uyên có sự tham gia của nhiều nhân vật, đa phần trong đó là bạn bè. Những bức chân dung không chỉ cho thấy người trẻ với vẻ ngoài khác biệt mà còn bộc lộ tâm trạng bấp bênh của nhiếp ảnh gia lúc ấy: Kai thú nhận mình đôi khi cảm thấy chơi vơi, đôi khi yếu đuối, có lúc muốn gào lên những gì kìm nén trong lòng. Cảm xúc vang vọng trong loạt hình thoạt nhìn rực rỡ hào nhoáng, trong những cá nhân tự tin đối diện với ống kính dẫu đang trần trụi hay mang trên mình lấp lánh phục trang.
Mối quan hệ mật thiết giữa cái tôi và các chủ thể, cùng với sự thiếu vắng mô tả về nhân vật, đặt ra câu hỏi: tính queer nằm ở đâu trong tác phẩm? Liệu nó ở nhân vật hay ở chính nhiếp ảnh gia – trong danh tính và thế giới quan của anh, trong cách anh tương tác và ghi hình bạn bè? Sự mơ hồ là có chủ đích, làm lung lay định nghĩa của tính queer dựa trên những quan niệm bất biến về bản dạng giới và ham muốn tính dục. Tính queer trở nên phù du, khó nắm bắt và biến đổi theo cách nhìn và cử chỉ trình diễn. Người xem tự do suy đoán thứ gì làm một bức hình nhìn “queer”; có phải vì anh chàng kia trông yểu điệu, cơ thể này nhìn vừa nam vừa nữ, hay vì nhiếp ảnh gia với người mẫu có vẻ như đang hẹn hò? Chính hành động nhìn với những phỏng định chủ quan của người xem lại là yếu tố làm queer hình ảnh.
Nhiếp ảnh là loại hình có khả năng lưu hành rộng rãi và dễ dàng, nhưng điều ấy không đồng nghĩa với việc người xem hiển nhiên tiếp cận được vô số căn tính và trải nghiệm queer trong đây. Nhiếp ảnh đối với người queer có thể hoàn toàn phục vụ cho mục đích cá nhân nhằm lưu trữ trải nghiệm của bản thân hay để giải tỏa bức bối trong tâm trí. Nhưng hơn thế nữa, họ sử dụng nhiếp ảnh như một công cụ để sẻ chia những nỗi niềm và khúc mắc đặc thù mà phần nào vẫn chưa thoát khỏi điểm mù của xã hội. Họ hiện lên chỉ trong thoáng chốc, da thịt kề nhau, trần trụi, phó thác cho người xem toàn quyền định đoạt những tâm thế mong manh chới với phơi bày qua hình. Họ có đang yêu người, yêu mình? Họ sống thế nào? Họ ổn chứ?
*queer: thuật ngữ khái quát chỉ những người có nhận dạng giới và xu hướng tình dục khác với quan niệm truyền thống về giới.
*butch: người đồng tính nữ có ngoại hình, biểu hiện giới nam tính.