Makét 02

Nguyễn Thị Mỹ Liên: Hiếu Thảo

Khi Nguyễn Thị Mỹ Liên thực hiện dự án Hiếu Thảo cho khóa luận tốt nghiệp đại học, cô kiêm nhiệm nhiều vai trò và liên tục di chuyển giữa nhiều nơi chốn. Cứ mỗi cuối tuần, tác giả bắt xe từ trường về nhà, bắt đầu hành trình từ ngoại cảnh vào không gian sống của gia đình, nơi “áp dụng mọi luật lệ và cách hành xử, ngôn ngữ, đồ ăn và mùi vị đều khác biệt”. Tại đây cô đóng hai vai, vừa là nhiếp ảnh gia – người kể chuyện, vừa trực tiếp tham gia vào câu chuyện với tư cách một người con và cháu gái. 

© Thi My Lien Nguyen

Ít lâu sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc, gia đình Mỹ Liên di cư từ Lào sang Thụy Sĩ, nơi tác giả sinh ra và lớn lên. Quãng thời gian trưởng thành của cô vì thế là quá trình tìm chỗ đứng giữa hai nền văn hoá khác nhau và tìm lời đáp cho nỗi băn khoăn về gốc gác của mình. Dự án Hiếu Thảo cho cô lý do chính đáng để tâm sự với bà và mẹ, đặt câu hỏi cho quan niệm về căn tính Việt Nam và Thụy Sĩ, cũng như hiểu sâu hơn về phong tục và giá trị văn hoá truyền thống mà họ luôn gìn giữ. Sợi dây mẫu hệ xuyên suốt dòng tự sự qua ảnh, kết nối quá khứ với hiện tại, chầm chậm lật mở những suy tư về ký ức, văn hoá và danh tính cá nhân.   

© Thi My Lien Nguyen

© Thi My Lien Nguyen

Dự án thành hình với cuốn sách bìa mềm được bọc bằng một chiếc áp phích gập gọn. Bức hình lưu niệm chụp chuyến đi chơi hồ Seealpsee phóng lớn gợi nhớ tới hành trình xuyên châu lục vài thập kỷ trước đây. Rặng núi trùng điệp không xuất hiện như phông nền quảng bá du lịch Thụy Sĩ thường thấy, mà trở thành bối cảnh nơi một gia đình Việt di cư dựng xây tổ ấm nơi xứ người. Bản mô phỏng những tư liệu đời thường như lá thư, thiệp mời, tờ thông báo và thẻ căn cước bằng tiếng Đức xen kẽ giữa những văn bản tiếng Việt và tiếng Anh, phản ánh đặc tính đa địa phương và xuyên văn hoá luôn hiển hiện trong cuộc sống tác giả. 

Những vật phẩm này hàm ý rằng ký ức có thể được đánh thức bằng nhiều cách khác nhau. Lá thư miêu tả trận tuyết đầu mùa được nắn nót viết tay, tấm thiệp mời cưới bằng tiếng Đức, hay bức chân dung ảnh viện của bà ngoại tác giả thời trẻ khơi gợi những cuộc chuyện trò không dứt.

© Thi My Lien Nguyen
© Thi My Lien Nguyen

Mỹ Liên nhớ lại quá trình lục tìm kho ảnh và ráp nối những mảnh ghép trong lịch sử gia đình: “Từ góc nhìn của một nhiếp ảnh gia, đó là một đống lộn xộn,” cô chia sẻ. “Mọi người đều có vài bức hình chụp họ cùng ai đó. Nhiều tấm ảnh được dán thẳng vào mà không có ghi thông tin hay ngày tháng. Không thứ tự, không tổ chức, không biên tập. Có những thùng toàn ảnh là ảnh”.

Những tư liệu tìm thấy được sắp xếp không theo trình tự thời gian, dần lật mở câu chuyện phi tuyến tính về cuộc sống thường ngày của một gia đình Việt ba thế hệ. Quá khứ hoà điệu với hiện tại như thể đang sống trong nó.

© Thi My Lien Nguyen

© Thi My Lien Nguyen

Hiếu Thảo là kết quả của quá trình cộng tác và chia sẻ của ba thế hệ phụ nữ. Vượt qua những ngần ngại ban đầu để đối diện với những gánh nặng cảm xúc, cuộc hội thoại về những chủ đề sâu kín đã kéo tác giả cùng mẹ và bà ngoại lại gần hơn, hàn gắn những đứt gãy kéo dài qua năm tháng. Bên cạnh chân dung nhân vật, những đồ vật đời thường như bình khảm trai, mô hình bonsai hay cây mai nhựa cũng xuất hiện trang trọng trên trang sách, vượt lên mục đích trang trí tư gia để đại diện cho ước vọng hướng về cội nguồn của hai người phụ nữ xa xứ. 

© Thi My Lien Nguyen
© Thi My Lien Nguyen

© Thi My Lien Nguyen

Tới một thời điểm, Mỹ Liên cảm thấy mình cần thực hiện một bức chân dung tự hoạ. Với tấm áo dài đỏ và mái tóc xoã dài, cô nhìn trực diện vào ống kính/người xem với ánh mắt kiên định. “Tôi muốn thể hiện mình đã có thể đứng vững và tự hào về gốc gác và lịch sử của gia đình mình. Khi còn nhỏ, tôi đã từng cảm thấy hoài nghi và hổ thẹn vì không hiểu rõ.”

Mỹ Liên tự nhận mình là một nghệ sĩ Thụy Sĩ gốc Việt, ghi nhận vai trò đồng thời của hai nền văn hoá đã tạo nên con người mình ngày hôm nay. Dự án Hiếu Thảo cũng thay lời tri ân cho những hy sinh của thế hệ trước cho con cháu. Lòng tôn kính cha mẹ tổ tiên, đạo lý cốt lõi của Á Đông, là điểm mấu chốt để cô dẫn dắt trải nghiệm trung hoà hai nền văn hoá. Câu chuyện cá nhân của Mỹ Liên được lồng ghép trong một tự sự lớn hơn về sự dịch chuyển, tiếp biến văn hoá, và khái niệm mở về cái gọi là nhà. 

© Thi My Lien Nguyen


Nguyễn Thị Mỹ Liên (1995) là một nghệ sĩ Thụy Sĩ gốc Việt. Thực hành nhiếp ảnh của cô nằm giữa nghệ thuật và tư liệu, tập trung vào vấn đề danh tính, di cư, dịch chuyển và cộng đồng (xuyên) văn hoá. Cô tốt nghiệp Đại học Khoa học Ứng dụng, khoa Nghệ thuật và Thiết kế ở Lucerne vào năm 2017 và hiện đang làm nhiếp ảnh gia, nhà làm phim và nghệ sĩ thị giác tự do.