Makét 02

#matcaspotlight Tháng 10/2017

#matcaspotlight tháng này được tuyển chọn chọn bởi Quang Lâm, nghệ sĩ nhiếp ảnh đồng thời là người sáng lập nên Inlen Photo Gallery, trưng bày định kỳ các tác phẩm của cá nhân anh và các nghệ sĩ khách mời theo từng chủ để. Cùng chiêm ngưỡng những tác phẩm đã được Quang Lâm tuyển chọn dưới đây.

Ngay khi nhận được lời đê nghị từ Matca tôi tự hỏi không biết phải tuyển chọn những bức ảnh này dựa trên tiêu chuẩn nào. Có nên dựa vào thị hiếu cá nhân của tôi, hay thẩm mỹ của bức ảnh, hay sự sáng tạo trong chủ đề được chụp? Một tấm ảnh không bao giờ có thể nhìn nhận được một cách khách quan, bởi nhận thức của chúng ta đã được sàng lọc qua những trải nghiệm cá nhân, thói quen trong văn hoá và chính bối cảnh mang tính thời điểm khi ta xem ảnh nữa.

Trên Instagram, mỗi bức ảnh không còn là một tác phẩm độc lập mà nó tồn tại trong một dòng chảy. Vậy nên tôi quyết định quan sát dòng chảy này trong vài ngày và chọn lựa một cách cảm tính những tấm mà có thể trò chuyện với nhau khi được đặt cạnh nhau. Như thể là tôi muốn dàn xếp nên một chuỗi mạch lạc và tạo ra một hình ảnh lớn từ vô vàn những góc nhìn mà người tham gia đem đến.

Vậy nên lựa chọn cuối cho #matcaspotlight tháng 10 là một tấm mosaic với chủ đề tôn giáo, mối quan hệ và phía đối lập – sự cô đơn, cô lập. 9 bức hình xếp cùng nhau thành một hình vuông, thể hiện tỉ lệ nguyên bản của Instagram. Ta cũng có thể thay đổi vị trí các mảnh ghép để tìm ra một ý nghĩa, cốt truyện khác. Tôi nhìn nhiếp ảnh như một bản nhạc, chơi đùa với những cách biên soạn, sắp xếp và nhịp điệu.

1. Ảnh bởi ducvu1310.
Tấm ảnh này sử dụng cách nhìn “siêu thực” phổ biến trong nhiếp ảnh nói chung và nhiếp ảnh đường phố nói riêng. Nó tìm cách khám phá những mối quan hệ đầy chất thơ giữa những đồ vật không liên quan. Ở đây, cái gương và cô ma-nơ-canh đã biến không gian quen thuộc tầm thường này thành một thế giới khác. Không cần phải chụp một nơi thật khác biệt làm gì nếu bạn biết cách quan sát.

2. Ảnh bởi tinhhap.
Giọng hát của cô ca sĩ như vang lên trong căn phòng trống. Tấm ảnh này nói lên tình thế tréo ngoe của người nghệ sĩ, khi nhu cầu bộc lộ bản thân đôi khi lại trái ngược với nhu cầu tìm khán giả. Qua tình huống này, có lẽ người chụp cũng thể hiện cảm xúc của chính anh chăng.

3. Ảnh bởi 9beesleepless.
Sử dụng gương, kính hay chồng film đều có mục đích chung là khiến bức ảnh có thêm tầng lớp và gợi phản ứng từ khán giả. Trong chân dung này, cảm giác về chiều dọc và chiều ngang bị lẫn lộn, làm người xem bị mất phương hướng.

4. Ảnh bởi foxbeta_photo.
Đây là một cảnh tượng điển hình ở bãi biển, không có gì thực sự bắt mắt. Ảnh có thể nói nhiều hoặc không nói gì cả, nhưng điều quan trọng là nó phải có sức gợi, để người xem tự do khám phá khung cảnh như thế này.

5. Ảnh bởi tuan3991.
Lý do tại sao bức này được chọn làm trung tâm của tấm mosaic Instagram là bởi nó mang hình ảnh biểu tượng – một cách để thể hiện ý tưởng bằng thị giác. Nó đã khiến tôi lựa chọn #matcaspotlight dựa trên ý niệm (conceptual) chứ thay vì phong cách tạp chí thông thường. Nó cũng có đủ sức hút để những tấm khác vây quanh.

6. Ảnh bởi soi_photography.
Phải mất một lúc tôi mới biết lớp ảnh nào phía trước, lớp nào phía sau. Không cần tồn tại trong không gian ba chiều, ảnh vẫn có thể có chiều sâu.

7. Ảnh bởi weepingdaisy.
Một hình ảnh kì quái, kiểu “memento mori” như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng rằng rồi cuộc sống này sẽ đến hồi kết thúc. Dù màu nhợt nhạt, ánh hồng toả ra từ làn da của nhân vật đã mang lại đủ hơi ấm cho trạng thái như hấp hối này. Sự lựa chọn màu sắc rõ ràng có thể thay đổi nhận thức người xem.

8. Ảnh bởi phongsmonologues.
Trái ngược với những tấm còn lại, đây là một tấm ảnh thô và tàn bạo. Hình ảnh con gà luộc biến dạng tạo cảm giác ghê tởm, muốn tránh xa. Bên cạnh khả năng nói lên cái đẹp thì hình ảnh còn có thể làm ta…cạn lời nữa.

9. Ảnh bởi ngochuan.
Một cô nhóc đang xem điện thoại, ngồi thoải mái trên sofa giữa mông lung. Dù bối cảnh lạ lùng, nó không có cảm giác được sắp đặt mà lại như một cú chụp nhanh một sự kì quặc của đô thị. Ảnh có bố cục tốt như một tấm ảnh báo chí cho người xem thông tin về không gian sống của đứa trẻ và cách tiếp cận của người chụp.

Quang Lâm là nhiếp ảnh gia tự do làm việc tại Sài Gòn. Qua Inlen Photo Gallery và tạp chí XEM tập trung vào in fine art và xuất bản sách, anh mong muốn xây dựng một cộng đồng sử dụng nhiếp ảnh như một công cụ biểu hiện.

Kết nối với Quang Lâm tại Facebook và Instagram.