Makét 02

#matcaspotlight Tháng 3/2017

Matca rất vui vì đã có hơn 200 tác phẩm gửi đến qua hashtag #matcaspotlight trên Instagram và Facebook bởi rất nhiều gương mặt nghệ sĩ mới. Sau tháng đầu tiên khởi động dự án, chúng tôi hân hạnh mời nhiếp ảnh gia (NAG) Jamie Maxtone-Graham tuyển chọn và nhận xét những tấm hình ưa thích của anh. 

Đầu tiên, tôi muốn chúc mừng Matca vì đã khởi xướng dự án này cho nhiếp ảnh Việt Nam – đây là một thời điểm quan trọng để hình thức nghệ thuật này được thực hành bởi nhiếp ảnh gia người Việt và cho nhiếp ảnh gia người Việt. Đây là một hành động thiết yếu để hình thành một danh tính nhiếp ảnh địa phương qua những cuộc trò chuyện mang tính góp ý và đánh giá cởi mở hơn.

Tôi rất hân hạnh được mời tham gia tuyển chọn cho #matcaspotlight tháng 3/2017 và đưa ra vài lời bình ngắn. Xin lưu ý, loạt ảnh dưới đây không liên quan đến nhận định khách quan về ảnh tốt hay không tốt, mà được lựa chọn dựa trên những gì tôi cho là thú vị – chúng là cảm nhận của cá nhân của tôi và chỉ nên được coi là vậy. Sáu bức ảnh được sắp xếp không dựa trên thứ bậc nào cả. Tôi thấy những tấm ảnh này là một lát cắt tiêu biểu của nhiếp ảnh Việt Nam đương đại trên nền móng của lịch sử nhiếp ảnh thế giới.

Đây là một cuộc thảo luận quan trọng bao trùm kiến thức lịch sử của nghệ thuật nhiếp ảnh và nghệ thuật nói chung, đang và sẽ tiếp tục diễn ra, tiếp nối bởi những nhiếp ảnh gia đương thời và những thế hệ mãi về sau.

Cám ơn các bạn rất nhiều.
Jamie Maxtone-Graham
Hà Nội 2017

1. Ảnh bởi by huyngt.
Bức ảnh này là minh chứng sinh động cho câu nói của NAG Robert Capa: “Nếu ảnh của bạn chưa tốt có nghĩa là bạn chưa tiến tới đủ gần”. Ảnh tốt chính bởi vì khoảng cách rất gần giữa người chụp và chủ thể – người đàn bà ở giữa nửa dưới của người đàn ông bên trái và nửa trên của người đàn ông bên phải, cả hai đều mặc bộ vest đen. Chúng ta cảm nhận được mối quan hệ của người chụp ảnh với thế giới quanh anh, cũng như khám phá ra điều gì đó về thế giới cho chính mình.

2. Ảnh bởi skinnysiddhartha.
Với chủ thể ở gần tiền cảnh và một nhóm người rải rác ở hậu cảnh, tấm ảnh này có thể được coi là ‘cảnh nghịch hướng’ (the reverse shot) kết hợp với ‘cảnh hướng nhìn’ (point of view) trong thuật ngữ điện ảnh. Nhìn từ phía trên, người chụp ảnh cô lập và làm cô bé nổi bật lên, cô nhìn ra đâu đó, nhìn cái gì chúng ta không thể biết. Nhưng bằng cách nào đó tự chúng ta kết nối những yếu tố thị giác và hoàn thành bức hình. Tấm ảnh này đưa ra câu hỏi và để người xem tự trả lời một cách gợi mở và cá nhân.

3. Ảnh bởi datvinhtran.
Nhiếp ảnh gia người Thái Manit Sriwanichpoom đã chụp một bộ xuất sắc tên là Waiting For The King (Standing) vào năm 2006 và bức ảnh này có cùng cảm giác với bộ ảnh ấy. Tuy nhiên, ở đây người bảo vệ gầy gò ở giữa bức ảnh làm gián đoạn dòng chảy của đoàn người, kể cả khi anh ta là một trong số họ, màu áo xanh của anh như hòa vào với màu da trời, những tòa nhà cao tầng nổi dậy ở đằng sau. Đó là một khoảnh khắc của sự ngưng trệ và chờ đợi. Đối với người xem, đó là một cơ hội để quan sát trong thầm lặng và tưởng tượng…

4. Ảnh bởi jackytranfoto.
Trong khung ảnh, ta thấy một khung cửa sổ, trong khung cửa, ta thấy một đứa bé và bóng người đàn ông đang lướt đi. Đó là một trong vô vàn những dòng khoảnh khắc người lạ ngang qua khi ta chú ý hay lơ đễnh. Người chụp ảnh với cái nhìn sắc sảo đã ghi lại giây phút đã trôi và người đã đi, một cách nào đó khơi gợi trí tò mò của chúng ta và có lẽ còn mở ra một cốt truyện nào đó nữa.

5. Ảnh bởi phamvietanhminh.
Có lúc Robert Capa cũng sai, vì đôi khi lùi lại và đưa vào khung hình nhiều chi tiết sẽ làm nên một tấm ảnh tốt. Ở đây chúng ta thấy một khung cảnh đô thị sừng sững, có đôi chút đe dọa ở phía sau, tiền cảnh đơn giản là công nhân và người quan sát. Tiền cảnh và hậu cảnh như ở hai thái cực của bảng màu – trên nền màu xanh lạnh của trời đêm là màu đất và tông ấm của ánh đèn xe tải. Đường thẳng phía trên chiếc xe đó tiếp tục kéo dài qua cả hai tòa nhà, làm hai vật ở xa nhau gần như nằm trên một mặt phẳng. Đống đồ đang được chất lên xe như lặp lại hình hộp vuông vức của tòa chung cư đằng sau – ta cảm thấy rằng mặt đất mềm mại rồi cũng sớm đầu hàng trước nhiều khối hộp sau này.

6. Ảnh bởi huyngt.
Từ Burt Glinn, Martine Franck đến Guy Le Querrec và rất nhiều người khác nữa, chụp hình phòng thay đồ trong rạp hát là một truyền thống lâu đời. Ở đây ta thấy máy ảnh có một vài công năng – thứ nhất, máy ảnh có thể cho ta tiếp cận những nơi mà thông thường người sử dụng chúng không lưu tới. Thứ hai, người chụp ảnh luôn cố gắng quan sát bên dưới vỏ bọc (theo nghĩa bóng), cố gắng để nói lên điều gì đó chưa được kể và cho thấy điều gì đó chưa được biết. Dù những khuôn mặt trong ảnh này đa phần bị che đi, góc chụp và sự lặp lại của cánh tay, của cái đầu nghiêng nghiêng và tấm gương, một cái cằm, một cái lông mày được chiếu sáng bởi điện thoại, tất cả những điều này đem lại một khoảnh khắc riêng tư trong rạp hát của con người, với khán giả chỉ là nhiếp ảnh gia.

Jamie Maxtone-Graham là một nhiếp ảnh gia / nhà quay phim người Mỹ sống tại Hà Nội. Anh đã làm việc hơn 20 năm trong ngành điện ảnh và sáng tác tại Hà Nội từ năm 2007. Hiện tại anh giảng dạy những khóa học làm phim hoặc nhiếp ảnh tại Hanoi Doclab.
Kết nối với Jamie trên Facebook.