Tháng 8 này Matca rất vui khi mời được Fungi, nhiếp ảnh gia người Đức gốc Việt đồng thời là một người bạn thân thiết để tuyển chọn 5 ảnh cô thích nhất từ #matcaspotlight. Là sinh viên chuyên ngành Văn học trước khi nghiêm túc cầm máy, Fungi đưa ra những phát hiện cũng tinh tế và ‘quái’ như chính con người cô.
—
Lướt qua bộ sưu tập ảnh của nhiếp ảnh Việt Nam hiện đại từ #matcaspotlight, tôi thấy một sự nhận thức ngày càng lớn của nhiếp ảnh gia không chỉ về bản thân chính họ mà còn về không gian sống xung quanh. Nhiếp ảnh kết nối con người và sự vật sự việc; dùnhìn sâu bên trong hay nhìn rộng ra bên ngoài đều giúp nuôi dưỡng nhận thức về cái tôi cá nhân. Bên cạnh đó, tôi mong sự quan tâm tới nhiếp ảnh sẽ là động lực khiến cả người chụp lẫn người xem tích cực để mắt tới không gian sống xung quanh mình. Cái đẹp ở khắp mọi nơi, nhưng để lưu giữ nó là nhiệm vụ của chúng ta với tư cách là nhiếp ảnh gia và con người.
1. Ảnh bởi ducvu1310.
Đôi khi hình ảnh của không gian sống sẽ gợi lại một ký ức tập thể. Lớn lên tại Đức, tôi biết về Thế chiến thứ 2 từ rất sớm. Tôi đã nóng lòng tưởng tượng và tìm hiểu về một chương đen tối trong lịch sử loài người. Tấm ảnh này làm tôi nhớ tới hình ảnh những vết cào xước trên tường của những con người tuyệt vọng trong buồng hơi ngạt tại trại tập trung Auschwitz. Khung cảnh của ánh sáng xuyên qua bóng đen của cánh rừng lập tức đánh thức cảm giác tưng tức trong ngực, giống như khi tôi nhìn thấy tấm ảnh chụp vết xước nhiều năm trước.
2. Ảnh bởi lee.arc.
Tôi phải bật ra cười khi nhìn tấm này, bởi tôi cảm giác hai người đàn ông – một định dạng 3D và một 2D như thể có cuộc sống riêng, cả hai sống hạnh phúc cùng nhau bao năm nay. Người đàn ông trong ảnh cứ như giám hộ cho người đàn ông ngoài đời đang nấu bếp. Ông ta trông sành điệu hơn gã thần trong gương của mẹ kế Bạch Tuyết nhiều, và mặt ông như thể nói: “Anh ơi, có khách kìa. Quay lại và làm mấy món thật ngon đi!”. Nhiếp ảnh là món quà cho những người tinh mắt, qua phương tiện đó ta sẽ thêm thích thú quan sát môi trường xung quanh mình và thổi hồn vào những thứ tầm thường nhất.
3. Ảnh bởi quangnguyen1511.
Đầu óc tôi hơi có vấn đề và bức ảnh này đã đánh lừa tôi. Tôi ban đầu tưởng người đàn bà già kia vừa bị ăn một cái tát từ người phụ nữ đang quay lưng lại, bởi cánh tay lực lưỡng và nắm tay như sắp đấm ai của cô (sau rồi tôi mới nhận ra cô đang cầm một cái túi). Người đàn bà đang ngồi đầu tóc hơi bù xù, lại càng làm tôi tin phỏng đoán của mình.
Việc xem kỹ, đọc tựa đề và biết bối cảnh tác phẩm là quan trọng. Nhưng dù phỏng đoán không đúng, màu sắc trong ảnh đã tạo nên một cảm thức Baroque và hành động của nhân vật cũng làm tôi lạnh cả sống lưng.
4. Ảnh bởi foxbeta_photo.
Tôi thích tấm này bởi có gì đó kịch tính trong ấy. Những người đội nón trông như đang chậm rãi trình diễn một vở múa đương đại dưới dàn sắp đặt ánh sáng. Người phụ nữ ở bên trái chìm trong bóng tối, ngồi đó như thể cô cũng là một người tham gia kể chuyện và dẫn dắt giấc mơ của khán giả. Nhà biên kịch Shakespeare đã nói một câu tương tự như cả thế giới này là sân khấu và con người là diễn viên trong tấn kịch cuộc đời…Có quá nhiều thứ để quan sát hàng ngày. Nếu chụp mà để tâm, ta có thể lưu giữ hình ảnh trong tâm trí và tua lại những thước phim ấy sau khi tấm rèm là mi mắt của ta khép lại.
5. Ảnh bởi phongsmonologues.
Tôi không biết ý đồ của tác giả sau tấm hình này. Tôi chỉ phỏng đoán rằng cái cây trong hình đã rũ bỏ những chiếc lá của mình để bắt sương mù. Làm thế nào để bắt sương? Sương mù là thứ mập mờ, khó đoán, mềm mại nhưng lại phủ lên mọi màu một sắc xám nặng nề, có thể ở bên mà không thể nắm bắt. Nghĩ rộng ra về đời sống con người, như cây rũ bỏ lá để gần sương, tôi nghĩ rằng có những người lựa chọn từ bỏ những gì quen thuộc và thiết yếu để có thể chạm tới những gì họ muốn, dẫu chúng không thuộc về họ.
Fungi (Phương Trần Minh) sinh ra ở Hà Nội và lớn lên ở Đức. Sau khi tốt nghiệp ngành Văn học và Ngôn ngữ học tại Đại học Potsdam, Đức, cô chuyển tới Berlin và bắt đầu sự nghiệp nhiếp ảnh. Tác phẩm của cô tập trung vào những vấn đề hậu chiến, chân dung nghệ sĩ đương đại và ảnh phong cảnh theo hướng tư liệu. Fungi có triển lãm cá nhân về nạn nhân chất độc màu da cam Việt Nam đầu tiên tại Paris năm 2015. Hiện tại cô đang làm việc tại cả Việt Nam và Đức.