Makét 02

Lạc Hoàng: We Can Do It

We Can Do It là một sản phẩm cộng tác giữa Lạc Hoàng và bộ sưu tập xuân hè 2016 của thương hiệu thời trang Moniq by M. Bộ ảnh lấy cảm hứng từ những tấm ảnh được xuất bản trong tạp chí lối sống ở Anh và Hà Lan những năm 1950, trong đó phụ nữ tạo dáng những tư thế đa năng, vừa làm việc nhà vừa kết hợp tập thể dục với đồ gia dụng. Những tấm hình ở xã hội phương Tây thập kỉ 50 này làm tôi nhớ tới câu nói “giỏi việc nước đảm việc nhà” mà tôi nghe mãi từ những ngày còn bé, và những áp lực về hình ảnh lẫn cách ứng xử mà phụ nữ trong hai bối cảnh xã hội và thời gian khác nhau phải duy trì.

Ban đầu tôi bị thu hút bởi sự hài hước và sáng tạo của những hành động đậm tính “cái khó ló cái khôn” này, chúng trông thực tế nhưng cũng không kém phần siêu thực. Những người mẫu trong các tấm ảnh, tuy phần lớn đang diễn tư thế khó, đều có trạng thái cảm xúc tích cực, khiến công việc nhà có phần bớt nặng nhọc và thậm chí trông như trò tiêu khiển.

Nhận thức được về sự liên quan chặt chẽ giữa hình ảnh, dấu hiệu và ý nghĩa – ý thức hệ, tôi không khỏi tò mò về mục đích của những người xây dựng hình ảnh kia. Có vẻ họ đang quảng bá một hình mẫu phụ nữ lý tưởng ở thập kỉ sau Đại chiến thứ hai, vừa đảm việc nhà như một dạng lao động sản xuất, vừa giữ hình thể đẹp quyến rũ. Họ có ngầm ý rằng vì phụ nữ dáng đẹp vì chăm làm việc nhà hay không? Có phải họ đang lăng xê một quy chuẩn xã hội cho một giới tính cụ thể? Mô típ được tạo dựng như thế nào, và vai trò của hình ảnh trong việc khắc sâu mô típ vào trong ý thức hệ con người là những gì tôi nghĩ đến trước khi thực hiện shoot hình này.

Tôi có biết đến triết gia người Mĩ Judith Butler và những luận điểm của bà về giới tính. Theo bà giới tính nên chia làm hai loại, giới tính sinh học (sex) và giới tính nhận dạng (gender) – cái được định hình qua những hành vi “chuẩn xã hội”. Vì vậy, việc chúng ta nhận dạng bản thân với một giới tính bao gồm việc thể hiện ra ngoài những hành động được gắn với giới tính đó. Cuối cùng, có vẻ như chúng ta là những diễn viên trong vở kịch chính ta tự đóng tự xem, vừa diễn vừa giám sát, cả bản thân và những người khác, để diễn cho đúng.

Ảnh thời trang với tôi là một công cụ đầy tiềm năng để truyền tải thông điệp xã hội. Tính tưởng tượng và hư cấu cao của thể loại này hợp với quan điểm của tôi là nhiếp ảnh không hoàn toàn phản ảnh sự thực, mà chỉ là một lát cắt của sự thực, trong đó người chụp ảnh là một người thợ xây. Tôi là người thợ xây cầu toàn, thích kiểm soát nhưng cũng rất bừa bãi.

Trong cả quá trình sáng tạo, công đoạn chuẩn bị cho một khung hình cũng là phần thú vị nhất và tốn thời gian nhất với tôi: từ nghiên cứu ý tưởng, tìm tư liệu đọc nghiên cứu và dẫn chứng trong mỹ thuật (tranh của Erwin Wurm và ảnh của Rineke Dijkstra trong trường hợp này), tới vẽ trước bố cục, trao đổi với nhà thiết kế, lùng hoặc làm đạo cụ. Để chuẩn bị cho We Can Do It, tôi đã để ý góc nhà góc đường xem đồ dùng sinh hoạt hàng ngày có gì dùng được, rồi quan sát mọi người tập thể dục ở công viên và trên YouTube. Cảm hứng về thị giác của tôi thường đến từ những thứ tầm thường, và cái kích thích tôi là làm thế nào để nhào nặn chúng, biến cái không đâu thành khoảnh khắc có giá trị.

Tôi hay thích làm việc với người mẫu không chuyên vì họ có một sự ngại ngùng nhất định trước ống kính. Trong bộ ảnh này, tôi muốn thấy ở Mai (mẫu nữ) tinh thần của một thiếu niên đang lớn và Alek (mẫu nam) một người đàn ông không tự tin. Trước khi chụp bao giờ tôi cũng cho người mẫu xem moodboard để họ nắm bắt ý tưởng, nhưng tính cách cá nhân và khả năng ứng biến cũng là một yếu tố bất ngờ tôi rất thích trong các buổi chụp. Qua việc chọn những người mẫu thách thức quy chuẩn về giới tính (phi giới tính): nữ cạo đầu, nam mảnh mai, và đặt họ vào những tạo dáng thể thao với vật dụng trong nhà, tôi muốn tán dương sự đặc biệt mà đáng ra không nên bị coi là đặc biệt của những cá nhân không theo chuẩn giới tính, nói rộng hơn là chuẩn xã hội.

Quần áo không chỉ là cái mặc mà cũng có tiếng nói riêng của chúng. Vì thế, tôi quan niệm rằng ảnh thời trang không nên chỉ dễ nhìn, chỉ đẹp mà nên khiến người xem, người mua hiểu hơn về giá trị của đồ dùng họ chọn, qua đó hình thành khái niệm rõ hơn về giá trị cá nhân của chính mình. Kể cả khi nó có là ảo tưởng, thì tốt hơn cũng nên là một ảo tưởng khiến người ta lâu quên.

Lạc Hoàng vừa kết thúc chương trình học chuyên ngành mỹ thuật tại Mĩ. Thời gian vừa rồi cô tập trung vào mảng ảnh thương mại và xây dựng câu chuyện với nhiếp ảnh với điểm bắt đầu là những sự trái ngược, tương phản, kì quặc và hài hước. Hiện giờ đang Lạc Hoàng nghỉ hè tại Việt Nam và chuẩn bị nạp năng lượng cho những kế hoạch trong tương lai trong lĩnh vực ảnh và nghệ thuật.

Kết nối với Lạc Hoàng tại Instagram.