Bạn gái tôi mua máy Olympus Pen EE3 cách đây gần một năm trên ebay với giá trên dưới một triệu đồng. Từ đó đến giờ, tôi luôn giành máy chụp ké trong mỗi chuyến đi chơi. Tôi dùng nó để chụp những thứ rất sến và vớ vẩn, nhưng mỗi lần xem lại ảnh đều khiến tôi nhớ lại những ngày đẹp trời thảnh thơi. Dưới đây là 5 lý do tại sao tôi yêu Olympus Pen EE3 và nghĩ nó là một người bạn đồng hành tuyệt vời.
1. Nhỏ và nhẹ.
Ai sáng tạo ra cái máy này đúng là thiên tài. Trước hết, nó quá nhỏ và nhẹ, cầm thoải mái bằng một tay hoặc đút vào túi áo khoác – có khi được so sánh với một chiếc bút nên dòng Olympus này mới có tên “Pen”. Nhiều người muốn tiếng màn trập phải giòn đanh, nhưng tôi lại thích tiếng nhẹ nhàng, khiêm tốn của máy khi bấm nút. Sự nhỏ nhẹ của máy rất tiện khi mang đi du lịch và khiến trải nghiệm chụp ảnh đỡ “vô duyên” trong một số trường hợp.
2. 72 kiểu / 1 cuộn film.
Có ai chụp film mà không quan ngại chuyện tiền nong? Với tính năng chụp half-frame (nửa film), một khung hình sẽ được chẻ thành hai, nên cuộn 24 kiểu nhân đôi thành 48, 36 thành 72, nếu khéo lắp có thể lên tới 74, 76. Một cuộn sẽ lâu hết hơn, thời gian chờ đợi xem kết quả cũng kéo dài hơn. Đôi lúc tôi mất kiên nhẫn vì có khi cả tháng vẫn chưa chụp xong, nhưng sau khi tráng, nhìn lại những tấm ảnh mình quên mất đã chụp sẽ đem lại cảm giác bất ngờ rất thi thú.
3. Thử nghiệm với ‘ảnh đôi’.
Nhưng kể cả khi được chọn chụp full-frame 72 kiểu với giá tương đương, tôi vẫn sẽ chọn máy half-frame Olympus Pen EE3. Đơn giản vì quá thích việc chụp một đôi ảnh (diptych). Hai tấm ảnh đứng cạnh nhau có thể thể hiện sự đồng điệu hoặc sự đối nghịch, chụp hai góc nhìn cho một sự vật, toàn cảnh và cận cảnh, khoảnh khắc trước và sau (before-after moment), hay thể hiện sự tiếp diễn hoặc đứt quãng của một hành động. Cũng có thể xoay máy kết hợp một kiểu chân dung với kiểu phong cảnh. Một sự khác biệt đơn giản trong tính năng ấy đã mở ra vô vàn thử nghiệm trong việc sắp xếp bố cục. Người ta nói một tấm ảnh đáng giá ngàn lời, nhưng để kể được một câu chuyện thì có lẽ tôi cần ít nhất hai ảnh. Thế nên dù máy này phần lớn tự động như point and shoot trừ khoản phải tự lên film, tôi nghĩ nhiều hơn trước khi bấm máy chứ không chụp kiểu ngẫu hứng ‘chụp đi, đừng nghĩ’ như lomography.
4. Gần tự động hết, dễ xài.
Khi không phải để ý quá nhiều đến những vấn đề kỹ thuật, tôi có thể tập trung hơn vào nội dung ảnh. Tốc độ màn trập được điều chỉnh tự động theo ISO của film và điều kiện ánh sáng. Khi quá tối, ống ngắm sẽ chuyển sang màu đỏ. Ống kính 28mm cố định với khẩu lớn lấy nét mọi thứ từ tiêu cự 1m đến vô cực nên tôi không mất thời gian lo xem chủ thể có bị out nét hay không. Chụp film đôi khi khá phiền vì tính bất ổn của nó, nhưng tôi rất tin tưởng Olympus Pen EE3.
5. Lưu lại những điều nhỏ nhắn trên mỗi hành trình.
Hoa lá, cỏ cây, sông núi… tôi vẫn chụp những thứ mà cả trăm người đã chụp trong những chuyến đi. Dù có bị coi là thú vui vô bổ cũng chẳng sao, nhiếp ảnh không nhất thiết lúc nào cũng phải là gì quá lớn lao. Xin mạn phép trích dẫn một câu nói của nhiếp ảnh gia Saul Leiter, một trong số những người chụp film màu đầu tiên thay lời kết: “Có những nhiếp ảnh gia nghĩ rằng khi chụp sự đau thương của con người, họ đang đề cập tới những vấn đề nghiêm trọng. Tôi thì không nghĩ rằng sự đau thương sâu sắc hơn niềm vui”.