“Ký ức, nếu là một căn phòng, trông sẽ ra sao?” Câu hỏi theo chân khán giả khi họ bước vào không gian tác phẩm Đã lâu không gặp của bộ đôi Andrea Orejarena và Caleb Stein, một phần của triển lãm Toả III đang diễn ra tại Vincom Center for Contemporary Art (VCCA). Bộ đôi tới thăm làng Hữu Nghị vào năm 2015 khi còn là sinh viên, rồi quay lại và tổ chức lớp học nghệ thuật tại đây trong vòng 18 tháng liên tiếp. Chuỗi tác phẩm bao gồm ảnh chụp, tranh vẽ đa kích cỡ và video ba kênh là kết quả của quá trình đồng sáng tác cùng cư dân làng Hữu Nghị, bao gồm những người cựu chiến binh và thanh thiếu niên với di chứng chất độc màu da cam.
Ý thức rõ tư cách của mình là người ngoài cuộc trên con đường tìm hiểu lịch sử, Caleb và Andrea mong muốn tìm kiếm một hình thái kể chuyện mang tính dân chủ. “Sự trao đổi giữa chúng tôi hoàn toàn mang tính thị giác […] Đó chính là cái đẹp của nghệ thuật”, nghệ sĩ video Andrea chia sẻ về quá trình hợp tác cùng cư dân làng Hữu Nghị khi đối mặt với những rào cản đa tầng của văn hoá, sắc tộc, ngôn ngữ và địa vị xã hội. Những lúng túng ban đầu khi phải giao tiếp qua người phiên dịch cũng chóng qua khi họ nhận ra học viên hoàn toàn có thể hiểu mình mà không cần chuyển ngữ. Tình cờ, đa phần thành viên cốt lõi trong khóa học là người điếc nên bộ đôi đã luyện tập ngôn ngữ ký hiệu để hai bên trực tiếp trò chuyện.
Với vai trò chủ thể lẫn tác giả, cư dân làng Hữu Nghị đều từ chối định danh nạn nhân chiến tranh. Tranh của họ táo bạo, đầy năng lượng và cá tính, thoạt nhìn có vẻ hồn nhiên nhưng chứa đựng nhiều suy tưởng, vẽ từ chân dung tự hoạ đến khung cảnh trong mơ. Họ xuất hiện trong những tấm ảnh đen trắng khi đang sinh hoạt thường ngày. Đôi khi, khán giả bắt gặp nét vẽ của họ trên tường hay trên bề mặt tấm ảnh. Chuỗi ảnh tĩnh ghi chép cuộc sống đơn thuần, thiếu vắng khoảnh khắc kịch tính hay cái nhìn dị biệt nhằm truyền tải thông điệp phản chiến thường thấy trong những tác phẩm tiêu biểu cùng chủ đề.
Trong cùng căn phòng là video về những người cựu chiến binh. Không có chỉ đạo diễn xuất, nhân vật đứng một mình trước nền phông xanh và tự tương tác với máy quay. Công nghệ phông xanh phổ biến trong điện ảnh cho phép nhân vật lựa chọn xuất hiện trong bất cứ bối cảnh nào tuỳ ý: ngủ trên mây, ẩn hiện trong rừng, tham gia biểu tình. Một vài người nhìn thẳng vào ống kính như thể quan sát bản thân trước gương. Tuy nhiên, hiệu ứng kỹ xảo rõ rệt của phông nền liên tục nhắc khán giả rằng những gì trước mắt là một sản phẩm nhân tạo, một giải pháp không hoàn hảo nhằm minh hoạ cho những gì khó nói bằng lời, như nỗi nhớ và những biến chuyển nội tâm. Tác giả chia sẻ lý do đằng sau cách tiếp cận: “Chúng tôi không muốn kể câu chuyện của người khác, mà muốn đề cập tới những khó khăn của việc đó và xây dựng không gian cho những biểu đạt cá nhân”. Người xem nhận ra rằng mình đang bước vào vùng riêng tư, nhưng cũng thật khó đoán định điều gì từ vóc dáng, cử chỉ và nét mặt của những người xa lạ. Đọng lại là cảm giác nằng nặng của những tâm sự rời rạc vừa sâu kín, vừa in dấu trong ký ức tập thể như một lát cắt của lịch sử.
Tác phẩm mang tới cái nhìn khác so với những hình ảnh gai góc điển hình của chiến tranh. Chủ đề vốn gây tranh cãi yêu cầu tác giả phải cân nhắc về lựa chọn sử dụng công cụ máy ảnh. Liệu hình ảnh chụp có “đủ”, và chúng có thể nói lên điều gì? Sự thật và sự thành thật nằm ở đâu, trong tấm chân dung chỉn chu của nhiếp ảnh gia, đường bút nguệch ngoạc của nghệ sĩ không chuyên, hay trong lời thú nhận rằng nỗ lực mô tả ký ức của người khác là gần như vô vọng? Với Caleb và Andrea, để có thể đi tới một cách hiểu đa chiều hơn về di sản mà cuộc chiến để lại, họ phải tháo gỡ ranh giới cố hữu giữa tác giả và chủ thể. Dự án có thể được coi là một ví dụ đại diện cho phong trào nghệ thuật mang tính tham gia (participatory art) mà trong đó đối tượng thường ở vị trí bị động là chủ thể và khán giả sẽ được trao quyền xây dựng, diễn giải và kể cả phủ nhận ý nghĩa của tác phẩm. Qua quá trình đồng sáng tác ấy, người nghệ sĩ cũng sẽ mở rộng vai trò của mình để trở thành một người bạn, nhà nghiên cứu hay người kết nối.
Tác phẩm này làm ra không phải để tôn vinh hay chỉ trích. Dù hẳn nhiên, chẳng có gì trữ tình trong loại vũ khí hoá học có thời gian bán huỷ là 100 năm và hệ quả là nỗi đau thể xác lẫn tinh thần kéo dài sau đó. Tác giả không đưa ra đáp số cuối nào, không nên và cũng không thể. Theo như giám tuyển Đỗ Tường Linh, Đã lâu không gặp coi cuộc chiến như điểm xuất phát để đi tới những câu hỏi lớn về mối quan hệ tác giả – chủ thể, và sự khó khăn, thậm chí là bất khả, trong nỗ lực tái hiện thế giới nội tâm của con người. Đọng lại là cảm giác nằng nặng, cũng khó nói, khó diễn tả như thế.